Khai giảng lớp sáng tác, thẩm bình truyện ngắn

Thứ năm - 02/08/2012 05:36 4.307 0

Học viên khá đa dạng về độ tuổi.

Học viên khá đa dạng về độ tuổi.
Hơn 20 học viên đã có mặt trong buổi khai giảng lớp học về sáng tác, thẩm bình truyện ngắn tại Đại học Văn hóa Hà Nội sáng 1/8.

Với 2,5 triệu đồng học phí, học viên sẽ được học tập và tham gia các hoạt động chuyên môn trong thời gian hai tuần. Lớp học do Khoa Viết văn - Báo chí, thuộc Đại học Văn hóa tổ chức.

Học viên lớn tuổi nhất đã bước vào tuổi 78, trong khi người trẻ nhất mới 22. Học viên cao tuổi nhất Bùi Đình Lô, cán bộ về hưu tại Hà Nội cho biết, dù yêu văn chương nhưng ông chưa được học bao giờ. Trước khi đến với lớp học, ông có làm một số bài thơ và đã được đăng báo. Được hỏi “Sao làm thơ mà bác lại tham dự lớp học về truyện ngắn?”, ông Lô cho biết ông từng làm nhiều nghề, lăn lộn trải nghiệm về cuộc đời nên muốn chuyển nguồn tư liệu quý ấy thành truyện ngắn, trong khi ông đã thử viết nhưng chưa thành công. Ông hy vọng tham dự lớp học lần này sẽ được bồi dưỡng lý luận về mảng truyện ngắn để có thể viết bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Nguyễn Tuyết Trang, 22 tuổi, mới tốt nghiệp Đại học Hà Nội cho biết, cô tìm đến khóa học do biết được thông tin trên mạng. “Em muốn có một chút cơ bản để viết tốt hơn”, Trang nói. Yêu thích truyện ngắn, chưa từng sáng tác, Trang hy vọng sẽ bén duyên với văn chương sau khóa học. Nhiều học viên khác, mỗi người đều có một lý do, nhiều người từng viết và công bố tác phẩm, muốn tiếp tục đi trên con đường văn chương, lại có người muốn bồi dưỡng về kiến thức phục vụ cho công việc đang làm là cán bộ Hội văn học nghệ thuật hay biên tập viên các tạp chí văn nghệ địa phương.

Có mặt tại lễ khai giảng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đánh giá cao ý nghĩa của việc mở lớp học, chị cho biết từng nói với PGS.TS Văn Giá - chủ nhiệm khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, “dù có 5 người cũng cố gắng mà mở” nhưng hôm nay lớp học đã có trên 20 gương mặt. Theo chị, thời gian tuy ngắn nhưng cũng đủ để khơi dậy trong mỗi người những ý tưởng sáng tạo để những trang viết mới ra đời. “Một số bác ở đây tuổi đã cao mới đến với văn chương, tôi thấy trẻ ở đây là trẻ về tinh thần chứ không phải trẻ ở độ tuổi, và chúng tôi chia sẻ trên tinh thần ấy”, Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng, một trong những giảng viên được mời giảng về lý luận phê bình thể loại truyện ngắn chia sẻ trước lớp học: “Sáng tác khác phê bình, phê bình khác sáng tác, nhưng có những chỗ chúng ta sẽ gặp nhau. Đó là niềm đam mê, tình yêu văn chương mà từ ngày mai các anh chị sẽ thấy”. Cảm nhận sự độc đáo của lớp học, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói trước các học viên: “Tôi đứng trên bục giảng đại học từ năm 1974 đến nay, 38 năm rồi, cũng rất bình tĩnh đấy. Nhưng hôm nay đứng trước lớp học đặc biệt này tôi cảm thấy rất xúc động, chỉ có mười lăm ngày với những vấn đề lớn, tôi thấy hơi lo lắng trước trách nhiệm của mình”.

Một gương mặt học viên được cho là sáng giá tại khóa học là nữ tác giả Vũ Minh Nguyệt. Dù đã ra 2 tập truyện ngắn, đã đoạt giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, lại là cử nhân văn chương nhưng chị vẫn quyết định tham dự khóa học và ngay lập tức được bầu làm lớp phó. Vũ Minh Nguyệt cho biết lý do tham dự lớp học: “Mình viết gì thì phải hiểu về nó, xưa nay chỉ tự đọc sách, tự tìm hiểu, nay có người lên lớp một cách hệ thống, rõ ràng, sẽ có cơ hội để hiểu sâu hơn về thể loại mình theo đuổi”. Trả lời câu hỏi “chị có nghĩ rằng sau lớp học này sẽ viết hay hơn”, cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn, phu nhân của nhà văn Sương Nguyệt Minh trả lời rằng, chị cũng hy vọng thế.

“Không chỉ chia sẻ về chuyên môn, trang bị kỹ năng cho người cầm bút, chúng tôi còn muốn chia sẻ kinh nghiệm đọc, từ việc trở thành những người đọc giỏi sẽ trở thành những người viết giỏi. Bởi nhà văn lớn phải là một bạn đọc lớn”, PGS.TS Văn Giá phát biểu.

Tác giả: Dương Tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây