Thứ nhất, thị trường sách được hình thành tương đối chuyên nghiệp tại các đô thị lớn, còn ở những tỉnh nhỏ thì sao? Rõ ràng, công tác phát hành sách vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng xuất hiện không ít “vùng trắng” về văn hóa đọc dọc theo đất nước.
Thứ hai, khi mỗi cuốn sách có giá trị như một sản phẩm kinh doanh, thì sự chạy theo lợi nhuận chi phối thẩm mỹ người đọc. Có hai mảng màu dễ nhận ra, một xu hướng nuông chiều thị hiếu rẻ tiền với loại sách giật gân, một xu hướng in sách sang trọng bìa cứng giấy tốt phục vụ nhu cầu chơi sách của người giàu. Như vậy, người thu nhập thấp muốn tìm vẻ đẹp nhân văn trong những cuốn sách phải đắn đo khi bước chân vào nhà sách!
Thứ ba, số lượng ấn hành mỗi cuốn sách chỉ trên dưới một ngàn bản, chứng tỏ ý thức đọc sách của đại bộ phận người dân vẫn chưa cao. Đã từng có đề nghị chọn một ngày làm Tết Đọc Sách, nhưng chưa thực hiện được. Thói quen đọc sách phải được bồi đắp theo năm tháng. Phụ huynh không đọc sách thì làm sao con em thích đọc sách? Giáo viên không đọc sách thì làm sao học sinh thích đọc sách? Lãnh đạo không đọc sách thì làm sao nhân viên thích đọc sách?
Nói chuyện đọc sách ngay lúc lạm phát thật ái ngại. Thế nhưng, cần thiện chí nói với nhau một sự thật, trong kinh tế thị trường với nhiều kiểu xuôi ngược làm giàu khác nhau, nên việc đọc sách bỗng giống một nhu cầu xa xỉ. Người cầm cuốn sách trên tay, ít thấy được lợi ích hiện hữu về cơm áo gạo tiền. Nguy hiểm hơn, đâu đó bắt đầu có những ánh mắt không mấy thiện cảm đối với việc đọc sách. Những người sốt ruột với danh lợi, bỗng thấy trang sách chỉ chứa đựng những lý thuyết thô cứng, giáo điều và sáo rỗng. Ở đây, không thể vội vàng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Trách nhiệm chia đều cho tất cả chúng ta. Bởi lẽ, ở những miền cằn khô nhất, chúng ta cũng làm được những sân golf sang trọng và những resort lộng lẫy, thì tại sao không xây dựng được thư viện đàng hoàng cho mọi người cùng hưởng thụ mà hy vọng dân tộc Việt sẽ trưởng thành về mọi mặt?
Tác giả: Tuy Hòa
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc