Hiệu sách truyền thống ‘gặp nguy’ vì sách điện tử

Thứ sáu - 11/02/2011 19:58 4.372 0

Các thiết bị đọc sách điện tử ngày càng thông dụng. Ảnh: gigaom.

Các thiết bị đọc sách điện tử ngày càng thông dụng. Ảnh: gigaom.
Các hiệu sách truyền thống ở Mỹ đang chật vật tìm cách tồn tại giữa lúc doanh số bán sách điện tử và số lượng cửa hàng sách trên mạng ngày càng tăng cao như một xu thế của thời đại số hóa.

Theo AFP, hồi cuối tháng 1, tập đoàn Borders, nơi sở hữu hơn 500 hiệu sách trên khắp nước Mỹ, thông báo sẽ phải tạm dừng thanh toán cho các nhà cung cấp sách và nhà xuất bản để xử lý số nợ đang tồn đọng. Nhiều nhà phân tích cho biết Borders có nguy cơ phá sản hoặc phải chấp nhận bán đi nhà sách lớn nhất trong hệ thống của tập đoàn và cũng là nhà sách lớn thứ hai nước Mỹ.

Năm ngoái, tập đoàn phát hành sách thua lỗ nhiều nhất nước Mỹ là Barnes & Noble đã phải bàn thảo kế hoạch bán bớt các cửa hàng vì hoạt động không hiệu quả.

“Đang có những thay đổi to lớn trong ngành kinh doanh sách trên thế giới. Nhìn từ thực tế của nước Mỹ, chúng ta cần hiểu đó là một thay đổi tất yếu và nên biết phải làm gì để thích ứng với sự thay đổi đó”, ông Mike Shatzkin, chủ tịch của công ty Idea Logical và là nhà tổ chức hội thảo Thế giới Sách điện tử mới đây ở New York, nhận xét về thực trạng này.

Các hình thức buôn bán qua mạng không chỉ cung cấp các mặt hàng rẻ hơn mà còn cung cấp các thiết bị tiện ích để sử dụng mặt hàng đó. Với sách, có các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle của Amazon hay iPad của Apple, những sản phẩm công nghệ cao khá đắt tiền nhưng ngày càng trở nên thông dụng. Theo thống kê của Amazon, trong năm 2010 hãng này cũng bán được nhiều sách điện tử hơn sách giấy, cứ 115 sách điện tử thì có 100 cuốn sách giấy, tại thị trường Mỹ.

Các cửa hàng sách trực tuyến cũng phổ biến hơn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Ảnh: Borders.

Theo ông Shatzkin, trong vòng 3 năm qua, doanh số bán sách điện tử trên toàn thế giới tăng lên gấp đôi qua từng năm. Ông dự đoán năm nay con số đó sẽ còn tăng mạnh và tất nhiên doanh số bán sách giấy sẽ giảm xuống. Cụ thể, tỷ lệ phần trăm sách giấy trên tổng số sách bán ra toàn cầu sẽ tụt xuống từ 72% trong năm 2010 xuống còn 25% trong năm 2011.

Theo xu hướng này, khoảng 90% hiệu sách trên trái đất sẽ biến mất trong vòng 10 năm nữa. Ở Mỹ hiện có 1.200 hiệu sách cỡ lớn, trong tương lai có thể chỉ còn khoảng 150 hiệu sách cỡ vừa.

“Các hiệu sách đang mất đi khách hàng của mình vì hai lý do: sách điện tử và sách giấy bán qua mạng”, Shatzkin nói với AFP. “Ngày càng khó kiếm tiền hơn. Giá sách sẽ tiếp tục giảm. Ngày càng dễ dàng hơn để xuất bản một cuốn sách, ai ai cũng làm được. Nhưng bán được sách lại là điều không phải ai cũng làm được”.

Tác giả: Hạ Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây