Di Li ra sách kể chuyện làng văn

Thứ tư - 25/04/2012 04:29 3.413 0

Trang bìa cuốn sách.

Trang bìa cuốn sách.
40 nhân vật văn nghệ sĩ được Di Li vẽ chân dung trong cuốn sách có tên “Chuyện làng văn”. Điểm đặc biệt so với các tập chân dung khác là có sự xuất hiện của một số nhân vật người nước ngoài.

Phần lớn nhân vật trong tập sách là các nhà văn, từ những cây đa cây đề như Kim Lân, Tô Hoài đến các nhà văn lớp sau như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Tiến, Trần Hòa Bình, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Văn Thọ… và cả những gương mặt trẻ như Nguyễn Đình Tú, Bùi Anh Tấn, Trần Thanh Hà, Lê Anh Hoài, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Lê Thiếu Nhơn, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Vĩnh Tiến…

Một số nhà văn, nhà báo các nước cũng được tác giả “Trại hoa đỏ” tiếp cận thông qua các bài phỏng vấn như Carrie Ryan, Paolo Giordano, Jan Cornall, Masatsugu Ono…

Ngay ở trang hai cuốn sách, với rất nhiều hình ảnh gương mặt các nhà văn, có dòng chữ trích lời tác giả: “Những nhân vật trong cuốn sách này, tôi đã học được nhiều điều từ họ". Di Li cho biết: “Các nhà văn là những người có nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp và vốn sống. Từ lúc mới vào nghề cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn lắng nghe họ. Đặc biệt trong cuốn sách này có nhiều chân dung các nhà văn nước ngoài, họ giúp tôi hiểu hơn về nền văn học Mỹ, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc... đương đại”. Chị nói thêm: "Mỗi lần đối thoại với các nhà văn, tôi coi đó là biến một phần chất xám của họ thành chất xám của mình theo cách tích cực nhất".

Mở đầu tập sách, Di Li dành vị trí trang trọng này để viết về nhà thơ Bế Kiến Quốc, người đã đặt bút danh Di Li cho mình. Khi ấy Bế Kiến Quốc còn làm việc tại Báo Người Hà Nội và cô bé Diệu Linh (tên thật của Di Li) là cộng tác viên của báo. “Có lẽ chân dung của nhà thơ Trần Hòa Bình và nhà thơ Bế Kiến Quốc là được tôi viết theo một cách đặc biệt nhất. Tôi viết chân dung Trần Hòa Bình vào đúng ngày anh mất, và chân dung nhà thơ Bế Kiến Quốc, 10 năm sau ngày ông mất. Đó là trạng thái viết trong sự hoài niệm và tôi không bao giờ mong được viết thêm một chân dung nào trong trạng thái ấy nữa”, Di Li tâm sự.

Tác giả - nhà văn Di Li.

Các bài viết trong tập sách chủ yếu dưới hai dạng, viết chân dung và phỏng vấn, là những bài mà tác giả đã thực hiện và đăng tải trên báo chí. Nhưng khi xuất hiện trong tập sách, dưới mỗi bài đều có một phần bình luận của tác giả như những thông tin bổ sung tạo sự bất ngờ, thú vị. Chẳng hạn sau bài phỏng vấn nhà văn Tô Hoài là đoạn lời tác giả: “Thực ra tôi kiếm cớ phỏng vấn nhà văn Tô Hoài để có dịp được gặp gỡ một nhân vật mà mình rất ngưỡng mộ. Khác với văn phong hài hước trong nhiều tác phẩm, nhà văn Tô Hoài có vẻ ngoài điềm tĩnh, nghiêm trang chứ không thân thiện, hồn nhiên như cố nhà văn Kim Lân… Hỏi đến chuyện gì ông đều đáp lại một cách chi tiết, chứng tỏ một sự sâu sát với đời sống đương đại. Con mắt quan sát của một cây bút gạo cội chưa bao giờ hết mệt mỏi. Vì vậy, câu cuối cùng thay vì chúc ông khỏe mạnh, tôi lại buột miệng hỏi về những dự định sắp tới, giống như quán tính lặp lại câu hỏi muôn thuở đối với những cây bút trẻ”. Còn sau phần về nhà văn Lê Anh Hoài có đoạn bình: “Lê Anh Hoài là một gã luôn hài hước mọi nơi mọi lúc. Khi gọi điện thông báo rằng tôi sẽ viết một chân dung về gã với những lời thuyết phục hùng hồn rằng 'em rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tượng viết chân dung, trước nay em mới chỉ viết hai chân dung thôi, ấy là nhà văn Kim Lân và nhà thơ Trần Hòa Bình', tự nhiên tôi thấy gã im bặt. Tôi hình dung đầu dây bên kia Lê Anh Hoài đang gãi đầu gãi tai suy nghĩ rất lung. Mãi sau mới thấy gã ngập ngừng, “à… ừ… nhưng mà… cả hai người đấy… đều mất cả rồi phải không em?”.

“Chuyện làng văn” do Nhà sách Phương Đông liên kết với NXB Văn học ấn hành. Toàn bộ hình ảnh các tác giả Việt Nam trong cuốn sách của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Tác giả: Dương Tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây