Theo truyền thống, hàng năm cứ đến ngày mùng 1/2 âm lịch, người dân làng Thiều lại háo hức tổ chức ngày ăn Tết lại. Theo các cụ cao niên trong làng, vào thời nhà Lê, làng Thiều có một vị tướng công có tài thao lược quân sự tên Lê Phúc Đồng. Khi ông được triều đình tiến cử lãnh binh đi đánh giặc Ân xâm lược bờ cõi ở cửa biển Thần Phù, đến đoạn sông Lèn (một nhánh của sông Mã) qua chân núi Thiều thì thuyền quân bị mắc cạn.
Ngay từ sáng sớm dân làng Thiều đã tập trung đội lễ, rước kiệu ra đình làng. Ảnh: Lê Hoàng. |
Tướng quân Lê Phúc Đồng lệnh cho quân lính dựng trại nghỉ chân ngay dưới bến nước của làng. Trong lúc chưa biết xoay sở thế nào, tình cờ một lần dạo chơi, tướng quân gặp một cái miếu nhỏ nằm dưới chân núi Thiều, ông vào thắp nhang khấn cho đoàn quân được thuận buồm xuôi gió, đánh thắng giặc trở về sẽ báo đáp hậu hĩ. Thắp xong tuần nhang, trở lại thuyền thì tướng quân thấy đoàn thuyền đang mắc cạn bỗng có thể xuôi dòng tiến thẳng về nơi quân giặc đang xâm lăng bờ cõi.
Đúng lời hứa, dẹp xong nạn ngoại xâm trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân ghé vào làng Thiều làm lễ tạ ơn và mở hội cho dân làng ăn mừng chiến công. Người dân làng Thiều mở hội nhằm ngày 26 tháng chạp hàng năm nên nơi đây còn có phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào đúng ngày này.
Ăn Tết hơn một tháng cùng dân làng, tướng công Lê Phúc Đồng xin bà con được làm Tết lại lần nữa để tạ ơn thành hoàng đã phù hộ để trở về cung. Làng chấp thuận, mở hội ăn Tết.
Hoạt động thu hút nhiều người tham gia nhất chính là việc nấu gạo nếp. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ngày Tết lại của người dân làng Thiều được tổ chức rất lớn. Khác với Tết cổ truyền, nhà nào cũng gói bánh chưng thì người dân làng Thiều lại làm bánh dày. Ông Trương Ngọc Toán, một cao niên trong làng cho biết, dịp ăn Tết lại, tất cả gia đình đều làm bánh dày để cúng ông bà tổ tiên. Trừ bánh chưng, các món ăn khác trong ngày Tết đều có.
Theo ông Toán ngày xưa dân làng ăn Tết lại rất to, nhiều gia đình mổ lợn, mổ trâu bò ăn mừng ba bốn ngày linh đình. Đến nay, đời sống được nâng cao nên dân làng đã giảm bớt các thủ tục về phần ăn uống. Tuy nhiên truyền thống văn hóa vẫn giữ nguyên. “Dù ai đi đâu cũng trở về quê dịp này để ăn Tết lại vì ngày Tết này có ý nghĩa rất linh thiêng với dân làng chúng tôi”, ông Toán chia sẻ.
Tục truyền lại, xưa kia ngày ăn Tết lại của người dân làng Thiều còn được gọi là “ngày cỗ chạy”. Điều này được người dân lý giải, trước đây cứ đến ngày Tết lại thì những gia đình có con trai dù đã lấy vợ hay chưa; đã làm con rể hay có ý định làm rể một gia đình nào đó thì phải chuẩn bị một mâm cỗ để mang đến nhà thông gia.
Bánh làm xong được dâng lên thành hoàng làng trước khi chia cho dân làng thưởng thức. Ảnh: Lê Hoàng. |
Những gia đình có nhiều con trai thì phải mất nhiều công sức chuẩn bị mâm lễ cho con mình. Có gia đình nhiều con trai còn phải bán cả ruộng đi sắm lễ. Những gia đình đông con gái thì ngược lại, bố của những cô gái này lại tổ chức cuộc thi chạy cỗ. Anh trai làng nào mang sính lễ đến nhanh nhất, đầy đủ nhất sẽ đoạt giải, sau đó được ưng thuận gả con gái cho. Đến nay, tục “cỗ chạy” không còn nhưng những người con trai trong làng Thiều đã có bố vợ hay có ý định đến làm rể nhà nào thì phải mang một đôi bánh dày đến Tết bố vợ.
Ngay từ sáng sớm ngày mùng 1/2 âm lịch, trên bàn thờ của mỗi gia đình đã bày rất nhiều bánh dày. Ngoài bánh dày còn có bánh lá, nhiều loại hoa quả tùy vào điều kiện từng nhà. Tầm giữa trưa là thời điểm các hoạt động lễ tế ở đình làng đã xong. Làng cho dân ai về nhà nấy cúng cỗ và ăn cơm trưa trong gia đình, buổi chiều là phần chơi hội.
Các lễ chính trong ngày Tết lại của người dân nơi đây được tổ chức trọn một ngày. Từ sáng, dân làng tổ chức lễ rước kiệu từ đình làng đến các chùa và miếu xung quanh, cuối cùng quay về đình chính nằm giữa làng để làm các lễ tế thành hoàng làng, dâng lễ vật báo công, lễ tế nữ quan… Phần hội với các trò chơi truyền thống dân gian như: thi giã bánh dày, kéo co, đấu vật, bóng chuyền...
Tác giả: Lê Hoàng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc