Trình Quốc hội phương án đổi tên nước

Thứ sáu - 17/05/2013 06:45 908 0
Tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 20/5, sẽ có 2 phương án tên nước là "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" sẽ được trình để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến.

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội thứ 5 chiều 17/5, đề cập tới phương án về tên nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, sẽ có 2 phương án được trình để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, mặc dù qua quá trình thảo luận, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên nước như hiện tại.

Theo ông Phúc, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, được thực hiện theo nghị quyết 35 của Quốc hội. "Làm sao để việc lấy phiếu công tâm, khách quan, đó là điều chúng tôi và cử tri đều mong muốn. Quốc hội yêu cầu những người thuộc diện được lấy phiếu phải gửi báo cáo giải trình thì những người này đều đã gửi và các đại biểu Quốc hội cũng đã nhận được", ông Phúc cho hay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Tuy nhiên, theo ông, để đánh giá, mỗi đại biểu sẽ còn căn cứ vào kết quả giám sát từ Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng như trên cơ sở kết quả thực hiện công tác trong thực tiễn và ý kiến của người dân. Những tình huống xử lý đối với người lấy phiếu dưới 50% hay 2/3 tổng số đại biểu không tín nhiệm đều đã được quy định rất cụ thể.

Còn đối với người lấy phiếu, ngoài việc nằm trong danh sách 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt, người đó còn phải có ít nhất một năm công tác. Vì vậy, trước khi lấy phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo Quốc hội về danh sách những đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, ai không đủ 2 yếu tố này thì không lấy phiếu.

"Ví dụ, ngày 23/5 Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ mà ngày 10/6 mới lấy phiếu tín nhiệm nên ông Huệ không thuộc danh sách lấy phiếu. Còn người được giới thiệu, bầu vào chức danh Bộ trưởng Tài chính cũng không phải lấy phiếu vì mới bầu được mấy ngày", ông Phúc nói.

Ngoài ông Vương Đình Huệ, theo 2 tiêu chí mà Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thì Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng nhiều khả năng sẽ không nằm trong danh sách lấy phiếu do ông Dũng sẽ được giới thiệu để điều chuyển công tác cùng lúc với việc miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau khi việc lấy phiếu diễn ra, Quốc hội sẽ có nghị quyết xác nhận kết quả và công bố công khai.

Đối với việc chuẩn bị nhân sự cho chức danh Bộ trưởng Tài chính, ông Phúc cho hay, danh sách ứng viên sẽ do Thủ tướng giới thiệu. "Bây giờ nói câu chuyện này thì hơi sớm vì 23/5 mới tiến hành, khi đó Thủ tướng giới thiệu ai thì Quốc hội mới bàn bạc, thống nhất. Nhân sự chức danh Bộ trưởng Tài chính có số dư hay không thì do chưa có danh sách nên tôi cũng không biết", ông Phúc nói.

Ông Vương Đình Huệ sẽ không thuộc danh sách lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Vương Đình Huệ sẽ không thuộc danh sách lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hoàng Hà.

Kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/5 và bế mạc ngày 21/6. Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số dự án luật sẽ được thảo luận như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật việc làm.

Ngoài nội dung về kinh tế xã hội, các bộ ngành cũng gửi báo cáo riêng như tình hình thực hiện dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên; công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian qua.

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc và chất vấn, việc phát thanh, truyền hình trực tiếp sẽ được thực hiện với khá nhiều nội dung như thảo luận tại hội trường về Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2012, 49 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây