- Việc hàng chục hộ dân làng cổ Đường Lâm - một trong năm làng cổ còn lại của thế giới - viết đơn xin trả lại danh hiệu đã thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Trên cương vị Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chưa nhận được phản ánh nào của người dân Đường Lâm. Nhưng qua các phương tiện thông tin, tôi thấy việc người dân viết đơn đòi trả lại danh hiệu chứng tỏ họ không hài lòng. Hà Nội cần xem xét kỹ tình hình cụ thể và thành phố phải có đề án để phát huy được giá trị di sản, phục vụ quyền lợi người dân.
Chúng ta hơi máy móc, cứng nhắc trong thực hiện các quy định liên quan tới bảo tồn nhưng lại không quan tâm tới việc khai thác giá trị của di sản, đặc biệt là khai thác để phục vụ quyền lợi người dân - cái mà từng người dân không làm được.
Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo địa phương đã đưa ra lời hứa nhưng thực tế, gần chục năm nay người dân Đường Lâm vẫn phải sống trong cảnh chật chội, khổ sở. Điều này phản ánh mâu thuẫn gì?
- Theo tôi, sắp tới Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù để tổ chức tốt hơn việc khai thác di sản phục vụ người dân. Nhưng thực sự là có những cái không hoàn toàn phải chờ Luật Thủ đô bởi chúng ta nhiều khi hơi quan liêu.
Điều Hà Nội có thể làm ngay là đứng ra đầu tư, tạo mọi môi trường thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch liên quan đến Đường Lâm. Như thế không chỉ người dân được hưởng lợi mà thành phố cũng sẽ khai thác, thu lợi được.
- Thực tế, mỗi năm làng cổ này đã thu về tiền tỷ từ bán vé cho khách du lịch. Số tiền này theo ông nên sử dụng như thế nào?
- Đáng lẽ người dân phải được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này. Tự từng người dân khó tổ chức khai thác giá trị của di sản nhưng với sự tổ chức chung của chính quyền thành phố, thậm chí phải có đầu tư trước về cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch thì sau đó, người dân trên cơ sở chung từng nhà sẽ đầu tư riêng và khai thác. Khi người dân khai thác thì sẽ đóng thuế cho nhà nước, quyền lợi của họ sẽ gắn với những giá trị của ngôi làng cổ.
- Trong lúc còn chờ các bước đi cụ thể, có giải pháp cấp bách nào để giúp người dân đỡ phải sống trong cảnh chật chội, thiếu thốn hiện nay?
- Cái này chính quyền thành phố phải xem xét thật kỹ nhưng tôi cho rằng, thực ra chúng ta đã có kinh nghiệm. Hội An là một ví dụ và Hà Nội nên nghiên cứu kỹ mô hình này. Tất nhiên phải ứng dụng như thế nào cho phù hợp với điều kiện của Hà Nội. Người ta đã làm được thì không lý do gì Hà Nội không làm được, mà Hội An thì còn quy mô hơn Đường Lâm rất nhiều.
Ngày 21/5, đích thân Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến Đường Lâm, gặp gỡ và xin lỗi người dân về việc chậm giải quyết chậm bức xúc. Ông Nghị hứa chính quyền sẽ tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc cấp phép xây dựng, từ kiểu dáng nhà ở đến thủ tục; đồng thời yêu cầu công khai minh bạch nguồn thu từ bán vé di tích. Trước đó một tuần, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo thị xã Sơn Tây đẩy mạnh vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời tăng cường quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân thực hiện các quyền lợi theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn không để tái diễn các vi phạm, ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ủy quyền Hà Nội cấp phép tu bổ, xây dựng các công trình tại di tích làng cổ Đường Lâm theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa và Luật Xây dựng. Hà Nội sẽ có cơ chế chính sách để hỗ trợ kinh phí tu bổ đối với các công trình được xếp hạng bị xuống cấp; hỗ trợ giãn dân, duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của nhân dân. |
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc