Cuối tháng 5, tàu của thuyền trưởng Đào Văn Thuân xuất phát từ cảng Thanh Lân (Cô Tô, Quảng Ninh) thẳng tiến ra vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Sau nhiều ngày nằm bờ tránh gió Nam, con tàu hăm hở đạp sóng ra khơi. Chuyến đi này, thuyền trưởng Thuân quyết định phải tìm và săn cho bằng được đàn cá mú.
Theo kinh nghiệm nhiều năm đi biển của anh Thuân, trong điều kiện gió Nam không lớn sẽ có cơ may gặp được những đàn cá nổi lớn, chủ yếu là cá mú, cá song, những loại cho giá trị rất cao. Sau 12 giờ lướt thuyền trên sóng, vượt hơn 80 hải lý, người thuyền trưởng nhiều năm lăn lộn với nghề câu khơi đã dò ra khu vực thích hợp để thả câu.
Lúc này trời bắt đầu tối, thuyền trưởng lệnh cho các thủy thủ hạ neo. Mỗi người một việc, trong khi một thủy thủ lo bữa cơm tối thì những người khác chuẩn bị thả câu. Theo thuyền trưởng Thuân, tất cả bước cho thả câu đều phải thực hiện đúng quy trình, thao tác, trong đó, công đoạn chuẩn bị mồi là rất quan trọng. Mồi câu cá mú, cá song phải còn sống, thường là cá rìa, cá tạp.
Tàu của anh Đào Văn Thuân chuẩn bị xuất bến đi câu khơi. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Cơm nước xong xuôi, theo sự chỉ đạo của thuyền trưởng, ai vào việc nấy, người cắt dây câu nhánh, người tạo liên kết cố định trên dây câu chính, tạo mồi, xâu chì, tạo ganh câu, rồi liên kết các bộ phận… Khi cuộc đi săn bắt đầu, thay vì điều khiển con tàu, thuyền trưởng Thuân giao nhiệm vụ đó cho thuyền phó, còn anh đứng trước mũi, dùng đèn pin soi về phía trước quan sát, sau đó quyết định cho tàu chạy đề về phía bên phải. Vì theo kinh nghiệm và màu nước biển với những ánh bạc sáng nổi lên theo từng con sóng nhỏ trong đêm, anh tin chắc hướng đi này sẽ thu được nhiều cá.
Thuyền trưởng Thuân liên tục dùng đèn chỉ hướng cho tàu di chuyển về phía đàn cá. Con tàu bẻ lái, lúc sang trái rồi sang phải, rồi lại thẳng tiến theo hướng của đèn soi. Tàu đi chậm cho các thuyền viên phía sau thả câu. Đầu tiên là lá cờ hiệu được thả rồi buộc dây ganh, móc và thả mồi câu; tiếp đến là móc và thả dây ganh…
Cứ như thế, qua bàn tay thoăn thoắt của các thủy thủ, cả 3 loại câu trên tàu, mỗi câu với vài trăm lưỡi, chiều dài dây câu từ 15 đến gần 40 km được thả xuống biển chờ những con mú, con song mắc câu. Thả xong là thời gian ngâm câu. Lúc này, cả thuyền trưởng và thuyền viên có chút thời gian thư thái và xen lẫn chút hồi hộp sau mỗi lần thăm câu.
Không phải ai cũng được thăm câu. Để biết được cá đã cắn câu nhiều hay ít phải là người có nhiều kinh nghiệm thăm câu. Nói như một thuyền viên Thuân thì người thăm câu không những phải “sát cá” mà còn ranh mãnh, tường tận trong phán đoán.
Sau gần 2 tiếng ngâm câu với nhiều lần thăm, thuyền trưởng đã quyết định thu câu. Đúng như dự đoán, con nước này chủ yếu là cá mú, cá song. Cặp câu đầu tiên được thu lên, trong số 120 lưỡi đã có gần 20 con cá mú, một ít cá song. Còn lại là cá phèn, cá tráp lấp lánh ánh bạc. 8 thuyền viên trên tàu, người thu câu, người sắp xếp, phân loại cá đưa xuống hầm bảo quản.
Sau hơn một giờ thu lưới, toàn bộ 30 cặp câu đã được đưa lên boong tàu. Cá được phân loại và bảo quản đảm bảo sống để bán được giá cao. Mẻ câu thứ nhất kết thúc cũng là lúc bình minh soi sáng mạn tàu. Hơn 3 tạ cá là thành quả của một đêm khai thác. Thuyền trưởng cho hạ neo, tắt máy. Các thủy thủ người tiếp tục phân loại cá, người chuẩn bị bữa sáng, người chuyển cá cho tàu thu mua, người khác vệ sinh tàu và chỉnh sửa câu, chuẩn bị cho đêm sau.
Cá câu được ngư dân bảo quản cẩn thận để bán với giá cao hơn. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Chuẩn bị cho đêm thả câu thứ hai, trong bữa cơm chiều có món gỏi “trăn biển” rán (cách gọi của ngư dân về cá trình biển), thuyền trưởng Thuân không khỏi trầm ngâm bởi mơ ước vươn ra khai thác xa hơn của anh và bà con ngư dân chưa thực hiện được là bao. Vốn là con nhà nghề, thuyền trưởng Thuân đã sớm quen với nghề câu khơi qua những chuyến bám biển của người cha giàu kinh nghiệm.
Lúc lập gia đình ra ở riêng, anh đã đóng tàu để bám biển. Thế nhưng tàu bé, không đủ sức đương đầu với sóng gió, không cạnh tranh được với tàu nước ngoài nên mỗi chuyến khai thác, khi thì có lãi, khi thì chỉ đủ bù chi phí nhân công và nhiên liệu. Xoay sở đủ cách vẫn không trụ được anh bỏ tàu, đi làm thuê cho một công ty xuất nhập khẩu thủy sản liên doanh với nước ngoài, đảm đương công việc khai thác tuyến khơi. Đây cũng là cơ hội tốt để anh học hỏi kinh nghiệm nghề câu vàng tuyến khơi của nước ngoài.
Thôi vị trí làm thuê, anh tiếp tục đóng tàu, vận dụng những kinh nghiệm học hỏi được, quyết tâm bám biển. Qua nhiều lần nâng cấp, anh đã đóng mới tàu có công suất 135 CV, tham gia đánh cá tại vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ.
Anh Thuân cho hay, bình quân mỗi chuyến khai thác, chi phí nhiên liệu, mồi câu và công lao động ít nhất cũng từ 40 triệu đồng trở lên. Nếu như những năm trước, ngư trường cho nghề câu còn thuận lợi, mỗi chuyến khai thác 7-15 ngày, trừ chi phí cũng lãi 20-25 triệu đồng/chuyến. Nay trong vùng đánh cá chung tàu nhỏ, kỹ thuật đánh bắt hạn chế nên không thể cạnh tranh với tàu cá của ngư dân Trung Quốc. Khi biển động với gió cấp 6 là không ra khơi được.
Nghiệp đoàn nghề cá phường Tân An (Quảng Yên) được thành lập với 16 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy sản tuyến khơi, trong đó có 2 tàu làm nghề thu mua hải sản. Tuy nhiên, tất cả 16 tàu đều có công suất nhỏ, chỉ từ 105CV đến dưới 150CV nên nói là khai thác tuyến khơi nhưng vẫn không đủ sức bám biển.
Ông Đỗ Đình Minh, Trưởng phòng Quản lý Khai thác thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh) cho biết, hiện nay trong tổng số gần 11.000 phương tiện khai thác thủy sản của tỉnh thì chỉ có hơn 160 tàu có công suất từ 90CV trở lên tham gia khai thác thủy sản tuyến khơi. Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như đóng mới tàu thuyền, xăng dầu, bảo hiểm thuyền viên cho các tàu khai thác thủy sản trên các vùng biển xa…, song bà con rất khó tiếp cận. Một phần nguyên nhân là bởi các thủ tục chính sách khá phức tạp. Đến nay, cả tỉnh mới có một tàu của ngư dân Vân Đồn hoàn thiện được các thủ tục để được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng.
Theo báo Quảng Ninh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc