Chiều 7/5, tại cuộc họp giao ban an toàn giao thông trên địa bàn TP HCM, thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC 67) tiếp tục kiến nghị UBND thành phố có biện pháp quản lý việc kinh doanh bia rượu sau 23h.
Theo thượng tá Trà, có đến 70% số vụ tai nạn là do người điều khiển xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông trong khi việc kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn đang tràn lan và chưa được quản lý. "Tai nạn thường xảy ra từ 18 đến 24h, nhất là thứ bảy và chủ nhật. Có ngày đến 5-6 vụ, làm 6-7 người chết", ông Trà nói.
Trước đó, tại cuộc họp sơ kết tình hình an toàn giao thông quý I/2013, Công an TP HCM đã đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h để giảm tai nạn giao thông, nhưng đã bị UBND thành phố bác bỏ vì cho rằng biện pháp này "không hay".
Theo Công an TP HCM, việc kinh doanh rượu bia tràn lan trên địa bàn hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng. Ảnh: Hữu Công. |
Cùng quan điểm với Trưởng phòng PC 67, đại tá Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng tai nạn giao thông tăng cao chủ yếu xảy ra vào dịp lễ, tết và cuối tuần có gắn với yếu tố rượu bia. "Việc đo nồng độ cồn mới kiểm tra được phương tiện ngoài đường, không quản lý được nơi tổ chức bán bia rượu", ông Châu nói và đề nghị UBND TP HCM yêu cầu các điểm kinh doanh rượu bia phải treo biển tuyên truyền "đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông".
Với đề xuất của Công an thành phố, một lần nữa Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng chưa thể áp dụng vì không chỉ liên quan đến lĩnh vực giao thông mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Song, lần này ông Tín cho biết sẽ ghi nhận và giao các sở ngành nghiên cứu phải quản lý việc kinh doanh rượu bia ban đêm như thế nào.
Trong khi chưa thể quản lý việc bán rượu bia ban đêm, ông Tín cho rằng công an nên thực hiện biện pháp mà nhiều nước đã làm thành công là kiểm tra nồng độ cồn. Nếu thiếu nhân sự, máy móc thì thành phố sẽ bổ sung. "Không yêu cầu công an phải đóng chốt trước các hàng quán, mà cần kiểm tra đột xuất và di động. Phải làm thường xuyên, ráo riết tạo một tâm lý lo sợ để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm bởi không biết khi nào sẽ bị kiểm tra", ông Tín nói.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Tín cũng yêu cầu trong tháng 6, Sở Giao thông Vận tải kết hợp với Công an thành phố và Ban an toàn giao thông triển khai ngay việc lắp đặt thêm hàng loạt camera tại các giao lộ để theo dõi tình hình giao thông; trang bị thêm ôtô tuần tra nhằm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Theo đại tá Ngô Minh Châu, cần buộc các điểm kinh doanh rượu bia như nhà hàng, quán xá có băng rôn, biển báo tuyên truyền giao thông "đã uống rượu bia thì không lái xe". Ảnh: Hữu Công. |
Tại cuộc họp, Công an thành phố cũng cho biết hơn một năm qua ngành đã thành công trong việc phòng chống nạn đua xe trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số quận huyện chủ quan nên vẫn có tình trạng 3-5 xe máy tụ tập lạng lách. "Bắt đầu vào hè, tình trạng tụ tập đua xe có khả năng xuất hiện trở lại. Các quận huyện cần phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố đấu tranh, tuyên truyền để loại trừ hẳn tệ nạn này ra khỏi xã hội", đại tá Ngô Minh Châu đề nghị.
Đại diện ngành Công an thành phố cũng cho rằng, thời gian qua trên cầu Sài Gòn liên tục xảy ra các vụ đâm ôtô liên hoàn, rất may không có thiệt hại về người. Điều tra cho thấy nguyên nhân một phần là các tài xế nhìn qua công trường cầu Sài Gòn 2 đang thi công nên mất tập trung. Vì vậy, đại tá Châu đề nghị Sở Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị thi công che chắn công trường để đề phòng tai nạn. "Nếu có xe container đang lưu thông khi xảy ra tai nạn liên hoàn thì hậu quả sẽ khôn lường", ông Châu cảnh báo.
Theo Ban an toàn giao thông thành phố, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 1.533 vụ tai nạn giao thông, làm 247 người chết (tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.366 người bị thương. Riêng trong tháng 4, đã có 373 vụ tai nạn làm 67 người chết. |
Hữu Công
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc