Không gò bó như những tour du lịch ngắm cảnh, 'phượt' mang đậm phong cách khám phá và thỏa sức sáng tạo. Đi bất cứ đâu ta muốn, dừng khi ta cần, và ăn những gì ta thích. Chính vì đặc thù ấy mà các 'phượt thủ' phải tự mình lên kế hoạch chi tiết, vạch ra những cung đường lộ trình rõ ràng, và tự chuẩn bị phương tiện đi lại thuận tiện.
Balô, hành trang không thể thiếu. Ảnh: Umove.com.vn |
Cùng điểm mặt những vật dụng góp cho chuyến đi của teen thêm hoàn hảo.
Chứng minh thư, bằng lái xe máy hay thẻ sinh viên là những giấy tờ quan trọng và hữu hiệu khi bạn tới bất kỳ vùng đất nào. Bạn có thể kiếm được một nơi tạm trú qua đêm hay nhờ giúp đỡ khi gặp sự cố. Hãy sẵn sàng mang theo hộ chiếu nếu bạn có ý định qua cửa khẩu sang Trung Quốc, Lào hay Campuchia... để trải nghiệm những khác biệt về văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán. Trình hộ chiếu sẽ giúp bạn giải quyết thủ tục nhanh chóng và giảm chi phí thông hành.
Một tấm bản đồ, sổ tay, bút nhớ, cùng thiết vị định vị hay một chiếc điện thoại gắn tính năng chỉ đường giúp chuyến đi thêm thuận lợi và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt đắc lực khi vào đoạn đường vắng không có ai để hỏi đường. Các thiết bị điện tử có thể bị mất sóng khi bạn dấn sâu vào những cánh rừng ngút ngàn hay cheo leo trên những đồi núi hoang sơ, vì vậy, một tấm bản đồ sẽ phát huy tác dụng cho trường hợp này.
Thứ không thể bỏ quên. Tuy nhiên, không nên mang theo nhiều tiền mặt, chỉ mang lượng vừa đủ để tiện chi trả xăng xe, đồ ăn chốn ngủ và một số chi phí phụ. Nên có một thẻ ATM để đảm bảo an toàn và phòng khi cần viện trợ.
Tùy theo thời lượng chuyến đi và thời tiết vùng miền bạn dự định đến. Mang vừa đủ, chọn những bộ đồ gọn nhẹ, dễ giặt, dễ gấp và nhanh khô, nên mặc đồ thể thao để tiện di chuyển. Mang theo áo gió, đặc biệt khi phượt xe máy, nó có tác dụng cản gió giúp lái xe tỉnh táo.
Một chiếc khăn vải là cần thiết để chống gió táp vào mặt cũng như giúp bạn tránh say nắng khi đến những vùng đất khô hanh. Khăn tay nhỏ đa năng vừa thấm mồ hôi, vừa có tác dụng thay thế khăn mặt. Khẩu trang chống bụi.
Chăn du lịch, với đặc tính gọn, nhẹ, và đảm bảo giữ ấm cho toàn bộ cơ thể khi bạn ngủ, đang dần thay thế vị trí của các loại lều cồng kềnh.
Bàn chải, kem đánh răng, ca nhỏ, giấy đa năng... Những vật dụng này khá phổ biến trên thị trường với đủ kích cỡ và khối lượng dùng trong 4-5 ngày.
Túi cứu thương, đồ vật bạn không nên bỏ quên. Ảnh: Umove.com.vn |
Bông, gạc, urgo đề phòng trầy xước khi leo núi. Mang theo thuốc cảm sốt, thuốc chống dị ứng và kem chống muỗi vì nhiệt độ các khu vực rừng núi ẩm ướt, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh trưởng và trú ngụ. Thuốc đau bụng là rất cần thiết vì bạn có thể dị ứng với đồ ăn lạ, nhất là ẩm thực của các dân tộc miền núi với những đồ ăn tươi sống hoặc để lâu ngày.
Nên dự trữ ít thức ăn khô, đồ ăn dùng ngay và gọn nhẹ để đề phòng như lương khô. Một số loại thức ăn giàu calo, protein như xúc xích gói. Bỏ túi mấy thanh chocolate hay kẹo ngọt là ý tưởng tuyệt vời để duy trì cơ thể khi mệt mỏi. Trái cây cũng là cách giúp bạn vừa bổ sung năng lượng vừa giữ nước cho cơ thể. Và hãy nhớ luôn mang theo nước bên mình để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Bật lửa, diêm, đèn phin dùng khi trời tối, mấy mét dây dù chắc chắc, dao gọt hoa quả, sạc điện thoại. Nên chọn loại sạc đa năng và phổ thông như sạc hai chân để phù hợp với cơ cấu ổ điện các vùng địa phương ở Việt Nam.
Áo mưa mỏng không thể thiếu trong hành trang của “phượt thủ” vì thời tiết một số vùng, đặc biệt vùng núi thường xảy ra mưa nắng thất thường. Áo mưa không chỉ có tác dụng che mưa cho bạn mà còn đảm bảo hành lý của bạn không bị thấm nước.
Thiếu máy ảnh thì chuyến đi của bạn chắc chắn sẽ không trọn vẹn. Hãy tậu cho mình một chiếc máy ảnh có cấu hình tốt và tuổi thọ pin cao để có thể thỏa sức lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ, những bức tranh thiên nhiên độc đáo và những địa danh mà bạn đã in dấu chân.
Tác giả: Vũ Hải
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc