- Hai ngày nữa Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo chủ chốt, quy trình này sẽ được công khai như thế nào?
- Quy trình này sẽ được công khai với việc báo chí tham gia ngay từ khâu các đại biểu bỏ phiếu, công bố kết quả phiếu theo từng chức danh. Sẽ công bố theo 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, công bố theo trị số tuyệt đối bao nhiêu phiếu mỗi loại gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Có thế nào thì ghi như thế, ông A được bao nhiêu phiếu cao, tín nhiệm, thấp… và chỉ khi số phiếu tín nhiệm dưới 50% mới dẫn đến hệ quả tiếp theo. Ví dụ, có 400 đại biểu mà có tới 201 phiếu tín nhiệm thấp thì coi là không đạt.
- Trong trường hợp người được 10 phiếu tín nhiệm cao, 90 phiếu tín nhiệm và người 90 phiếu tín nhiệm cao, 10 tín nhiệm thì đánh giá như thế nào?
- Trường hợp này không sao cả. Đương nhiên ai được cử tri, đại biểu đánh giá tín nhiệm cao nhiều thì người đó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn tín nhiệm thì là hoàn thành nhiệm vụ, chỉ trừ trường hợp người nào nhiều phiếu tín nhiệm thấp quá thì mới đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc bên hành lang Quốc hội sáng 8/6. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Ở Hà Nội, sau khi lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt thì kết quả để phân tách cán bộ chưa rõ ràng. Ông có lo ngại khả năng việc lấy phiếu tại Quốc hội sẽ dẫn tới kết quả "hòa cả làng"?
- Tôi không lo ngại điều này vì cái chính là đánh giá kết quả cho chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt. Đánh giá của đại biểu về người nào đó để thấy là hoàn thành nhiệm vụ hoặc ở khía cạnh, góc độ nào đó thì thấp hơn một chút thôi. Không hẳn là thông qua việc này cứ phải có ai đó thấp hẳn.
- Ông chia sẻ gì khi cá nhân ông vừa là người bỏ phiếu vừa là người được lấy phiếu?
- Tôi phải suy nghĩ vì mình đại diện cho dân, lĩnh vực nào tư lệnh ngành hoàn thành tốt để khi cầm lá phiếu đánh giá cho chính xác. Mỗi người là đại diện cho nhân dân, cầm lá phiếu phải suy nghĩ lắm.
Với tôi, tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ hay không, rồi mới đến phẩm chất đạo đức. Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ.
- Càng đến gần ngày lấy phiếu, phát ngôn của những người trong danh sách càng dè dặt hơn, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng đó là quyền của mỗi người. Mỗi người đều có quyền hỏi hay trả lời. Nếu hỏi đúng thì người ta trả lời chứ không phải vì việc này việc kia.
- Văn phòng Quốc hội đã nhận được ý kiến phản ánh nào về chạy phiếu hay vận động bỏ phiếu?
- Chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào. Người nào làm thế khi bị phát hiện sẽ mất uy tín. Còn nếu xảy ra hiện tượng này chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến giờ này chưa có.
97% trong tổng số gần 1.700 ý kiến độc giả VnExpress đồng ý công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. |
- Tại sao không chất vấn trực tiếp tại Quốc hội rồi mới lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu có thêm thông tin?
- Về điều này chúng tôi cũng đã bàn rồi và quy trình như hiện nay để đảm bảo công bằng. Có thể 4 bộ trưởng trả lời chất vấn xong mới lấy phiếu thì sẽ có tác động khác với chưa trả lời chất vấn thì sao. Tốt nhất cứ làm trước để cho công bằng.
Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành công tác hậu cần như thiết kế mẫu phiếu, danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới tiến hành chắc chắn quá trình làm sẽ phải rút kinh nghiệm. Tôi tin đến lần sau chắc sẽ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, lá phiếu gửi đại biểu sẽ phân nhóm các chức danh được lấy phiếu. Ví dụ, nhóm lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng), nhóm các bộ trưởng, nhóm các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội để các đại biểu thuận lợi trong việc đánh giá. Việc lấy phiếu sẽ diễn ra chiều 10/6, sau khi chốt danh sách những người được lấy phiếu. Sáng 11/6, kết quả kiểm phiếu và nghị quyết xác nhận kết quả này được thông qua. |
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc