Săn cá mòi trên sông Hồng

Thứ ba - 26/02/2013 22:15 853 0
Từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch là mùa giăng lưới đón cá mòi. Giống cá sống ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt này là nguồn sống của bao cư dân vạn chài ven sông Hồng.

Khi những giọt mưa xuân rơi ấm mặt sông Hồng cũng là lúc cá mòi từ biển đàn đàn lũ lũ ngược dòng trở về. Giới khoa học bảo cá mòi có một chiếc đồng hồ sinh học chính xác đến lạ kỳ, giống với đồng hồ sinh học của cá hồi ở phương Tây. Trứng cá mòi nở ra ở nước ngọt, cá con lớn lên theo dặm dài sông suối đất Việt chảy ra biển cả để tới khi xuân về, mùa sinh sản tới chúng lại ngược dòng về đúng nơi mình sinh ra để làm công việc màu nhiệm: sinh sản. Từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch là mùa các làng chài ven sông Hồng giăng lưới đón cá mòi, mùa của khắp nẻo quê, góc phố thơm lừng mùi mòi nướng, mòi kho...

Bà Lụa đang giăng lưới. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Mắt cá mòi rất tinh, các loại lưới thông thường đều bị chúng phát hiện, lẩn tránh tài tình nên đánh mòi cần có lưới riêng, sợi rất mảnh mà ngư dân quen gọi là máng sợi. Xưa lưới mòi được kết từ tơ tằm, thân rất hẹp gọi là lưới quân. Tơ tằm ngâm xuống nước rất chóng hỏng nên cánh phụ nữ vạn chài đánh vụ cá này đã phải đan lưới cho vụ sau. Giờ người ta đánh mòi bằng loại lưới đặc chủng có ba lớp, hai lớp áo và một lớp thịt. Áo để chịu lực còn thịt lưới sẽ là nơi cá mắc vào. Một tay lưới rộng trung bình 8-10 m, dài 200 m, giăng từ mặt nước tới đáy sông. Mắt lưới mòi rộng vừa phải để chỉ bắt con lớn, loại nhỏ để dành cho những vụ sau.

Đêm đến, những chiếc thuyền tôn, thuyền sắt, cái chèo chân, cái dùng máy, thắp đèn nhấp nháy, dập dờ trôi theo từng nhịp sóng sông Hồng. Bến đò Mây (phường Lam Sơn, TP Hưng Yên) tấp nập. Từng đoàn thuyền lặng lẽ xếp lốt, vun vút mái chèo, rẽ sóng lướt qua những bờ bãi ngô non.

Thuyền của anh Nguyễn Văn Tú bơi ngược về phía giáp tỉnh Hà Nam để buông lưới. Cặp đôi với anh là thuyền của bà Trần Thị Lụa. Bên bờ lở, bên bãi bồi, hai thuyền cứ sóng đôi giăng thành thế trận gọng kìm lùa cá. Hôm đó gió mùa, tê tái rét khiến cá mòi ăn lửng, dù mắc lưới cũng không làm nhấp nháy phao. Còn buổi ấm trời cả đàn ăn nổi nô nhau khiến mặt nước xao động phát ra những tiếng oạc oạc.

Bà Lụa (67 tuổi) theo bố mẹ đi đánh cá từ năm lên bảy đến giờ đã lên chức cụ được 5 năm. Sông nước là nhà, là kế sinh nhai nhưng cũng nhiều lần suýt là tử huyệt, nhất là bận bà bị con cá sủ vàng khổng lồ lôi đi. “Lúc ấy đang lôi dàn lưới câu, tự nhiên có một lực gì đó rất mạnh giật, cái lưới bập sâu vào tay lôi tuột tôi xuống sông. Quăng cả nón, vứt cả khăn, cởi bớt quần áo dài cho đỡ ngấm nước, tôi một tay bơi theo con cá, một tay giữ chặt lấy dàn lưới mà gỡ. Gỡ xong cái lưới mắc ở cổ tay, con cá đột ngột kéo mạnh, một chiếc lưới khác lại bập vào bắp chân tôi, máu chảy ròng ròng. Vật lộn mãi trên sông, cuối cùng tôi cũng lôi được lên thuyền con cá sủ vàng nặng tới 32 kg...", bà Lụa kể.

Bà Lụa có sáu người con bỏ một còn năm, trong đó có đứa đẻ rơi trên thuyền, tự tay rót phích nước sôi dúng cái dao cùn vào tiệt trùng cắt rốn. Chân chèo, tay ra lưới, con ngậm đầu vú nằm gọn trong lòng mẹ mà ngủ. Cơm bữa hai lưng, ngày hai cữ rượu, vui bà uống đôi chén, buồn chỉ uống một. Sáu mươi năm chèo thuyền, đầu gối thoái hóa gần hết, đi trên bờ cứ thập thà thập thõm vì đau, nhưng xuống nước, đôi chân bà dẻo hoạt tựa vây vi loài cá.

Thủa chồng còn sống, họ là đôi sam, lúc ông thác đi, bà một mình một thuyền lủi thủi bờ sông, bãi sú từ nửa đêm đến tận sáng. Già nửa thế kỷ theo nghiệp sông nước, nhà cửa không có, lưng vốn vỏn vẹn chừng chục triệu đồng, tới giờ đã lên chức cụ bà vẫn không ngơi chân chèo, tay rải lưới. Bà cười nhăn nheo cả những vết hằn năm tháng: “Chừng nào còn sức khỏe là tôi còn làm, chứ hễ rời dòng sông một vài ngày là tự dưng sinh ốm…”.

Cá mòi đầy giỏ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

“Cá mòi càng vào sâu đất liền càng thấm vị phù sa thịt thơm và ngọt, còn cá đánh ở ngoài cửa biển thoảng có mùi khai khai. Cá cũng giống người, ăn càng mặn đái càng khai”, anh Tú hóm hỉnh giải thích… Gió sông lồng lộng cộng thêm lất phất mưa phùn, cái ống điếu trên mồm anh Tú cứ lập lòe như cục than lúc tàn lúc rực theo từng nhịp rít. Chân chèo, tay anh gỡ lưới, quẳng cá xuống khoang. Những con mòi dài 10-15 cm, vảy li ti, lóng lánh như bạc, mắt trong veo, xoe tròn, giãy thay lảy dưới lòng thuyền một hồi rồi hết ngáp.

Cá mòi là giống yếu ớt nhất hạng. Vừa vớt lên đã chết, thậm chí có con còn chết ngay khi mắc lưới. Đã bao bận dân chài dùng đủ mọi cách như sục khí, hay đục cả một khoang thuyền, thu nước sông vào để giữ cho cá sống, song đều thất bại.

Đang ngồi trong lòng thuyền, thỉnh thoảng anh Tú lại nhấp nhổm đứng dậy giơ chiếc mũ đội đầu vẫy vẫy làm hiệu cho những chiếc tàu hàng, tàu cát trọng tải cả trăm, cả nghìn tấn tránh khỏi vùng bủa lưới. Giờ tàu thuyền tấp nập, dòng chảy khác xưa, con người cũng khác chỉ có vạn chài vẫn thế. Năm nào vạn Lam Sơn cũng bắt được vài vụ người nơi khác đến thả thuốc đầu độc dòng sông Cả. Người ta dùng loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc Bazan trộn với cát rắc xuống đáy sông, cá say thuốc nổi lập lờ giữa dòng, tôm say thuốc nổi vạ bờ hàng đám, lúc đó chỉ việc vớt.

Cũng trong những đêm đánh mòi như thế ngư dân còn vớt được cả đứa con nuôi có tên là Nguyễn Thị Liên. Liên ngồi chơi trên cầu cùng người yêu, cả đôi chẳng may ngã xuống sông, chàng trai chết còn cô gái chấp chới giữa dòng được ông Nguyễn Văn Bản cứu rồi trở thành con nuôi của vạn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây