Chiều 16/4, Ủy ban các vấn đề xã hội tiếp tục họp phiên toàn thể, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2012. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi nhận xét, cả ba nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng qua các năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Cuối 2012, tổng số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 3,3% (khoảng 0,3 triệu người) nhưng chỉ đạt 78% số lao động thực tế phải tham gia.
Ông Lợi cho biết, nguồn thu vào quỹ cũng tăng tương ứng như tổng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 17,7% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 432.000 tỷ đồng. Tiền bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh, tổng dư hơn 24.000 tỷ đồng. Số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần tăng 20%.
Bình quân một năm bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 0,3 triệu người nhưng số người xin nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 0,6 triệu. Ảnh minh họa: BH. |
"Bình quân một năm bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 0,3 triệu người nhưng số người xin nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại gấp đôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong tương lai", ông nói.
Ước tính cuối năm 2012 số tồn dư quỹ bảo hiểm xã hội hơn 221.000 tỷ đồng (tăng 27,6%). Mặc dù vậy, theo ông Lợi, năm 2012 đã không kiểm soát được số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đặc biệt là khối ngoài quốc doanh. Đối tượng tham gia tăng song tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lao động tham gia vào lĩnh vực làm công ăn lương. Việc thu bảo hiểm xã hội còn thụ động, người lao động gặp khó khăn khi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
"Tình hình nợ bảo hiểm xã hội đã được cải thiện song vẫn còn nhiều, quỹ phải chi trả nhiều hơn quỹ thu vào. Tỷ lệ giảm lương hưu cho người về hưu trước có quy định giảm trừ thấp nên tuổi nghỉ hưu bình quân hiện là 53,4, thấp hơn so với quy định", ông Lợi nói và nhấn mạnh, quỹ đang chịu áp lực lớn do gánh nặng chi trả chế độ cho một số người về hưu sớm trong chính sách tinh giảm biên chế.
Trước lo ngại của Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên về dự báo khoảng 20 năm nữa quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái khẳng định bảo hiểm chi trả theo lương, tổng quỹ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó có lạm phát nên khó đánh giá, chỉ cần một yếu tố thay đổi là quỹ thay đổi nên chưa thể dự báo được khi nào quỹ vỡ.
Còn Vụ trưởng Tiền lương, Tiền công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Phạm Minh Huân nhận định, việc cân đối quỹ thuộc về chính sách, quy định đóng 1 hưởng 3 thì không bao giờ cân đối, chưa kể lương lúc đóng vào và lương lúc ra khác nhau. Hiện số dư của quỹ hơn 200.000 tỷ đồng nhưng số chi xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, lương bắt buộc khoảng 90.000 tỷ.
"Nếu lương tiếp tục điều chỉnh lên, dự báo đến năm 2023 có khoảng 10 triệu người hưởng lương hưu, tiền quỹ chỉ đủ dùng để chi chứ không có đầu tư. Hiện quỹ dành 74% mua trái phiếu Chính phủ và cho nhà nước vay", ông Huân cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai lo lắng về dự báo đến năm 2023 hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội gặp nhiều khó khăn "Lao động về hưu mà không có lương thì xã hội sẽ thế nào?", bà hỏi và đề nghị giải quyết dứt điểm trợ cấp một lần bởi đó không phải là an sinh.
"Cần thành lập Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm nhiều thành phần để giám sát, quản lý quỹ và hội đồng này sẽ quyết định luôn kế hoạch thu chi, đầu tư", bà Mai nói.
Thay mặt Ủy ban, ông Lợi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành nghiêm túc thực hiện báo cáo của kiểm toán, thu hồi nợ quá hạn từ những khoản cho vay từ quỹ tiết dư. Chẳng hạn, Công ty Cho thuê tài chính 2 của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt còn nợ quỹ 787,5 tỷ đồng, lãi 264,6 tỷ đồng, song mới chỉ trả được 2 tỷ.
Theo ông Lợi, cần sớm ban hành chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội đến năm 2020, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ trong tương lai. Cần có bộ máy chuyên nghiệp để đầu tư hợp lý, chú trọng bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc