Đỗ Toàn Thịnh (sinh năm 1986) là phi công trẻ nhất lái Su-30MK2 ở Trung đoàn không quân 923 (Sư 371, Quân chủng Phòng không Không quân). Thịnh cho biết, cả khóa đào tạo phi công của anh có 36 người, nhưng khi ra trường chỉ 7 người được lái máy bay chiến đấu, còn lại do không đủ điều kiện về sức khỏe, kiến thức nên phải chuyển sang bay trực thăng, máy bay cánh quạt hoặc công tác ở mặt đất.
Là một trong bốn phi công trẻ được chọn về Đoàn không quân Yên Thế, Thịnh rất tự hào bởi ước ao từ thời học viên là được ngồi trên chiếc máy bay hiện đại nhất Việt Nam. Anh tâm sự, nói đến phi công, nhiều người nghĩ đó là người to béo, nhưng thực chất không phải vậy. Tố chất mà một phi công cần có là sức khỏe dẻo dai, tiền đình tốt, thông minh, tỉnh táo..., mà to béo thì chưa chắc đáp ứng được điều đó. Hơn nữa, trước mỗi đợt bay, quân y lại kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp nên phi công không được phép uống rượu, bia.
Đỗ Toàn Thịnh kiểm tra buồng lái trước giờ bay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cùng khóa với Thịnh và cùng được chọn làm phi công lái Su-30, Trần Quốc Toản (sinh năm 1984) ước mơ được chinh phục bầu trời từ thuở ấu thơ. Sinh ra trong gia đình thuần nông, được ông và bố mẹ kể về ước mơ bay của người dân thông qua chuyện Thánh Gióng, Toản tự tay làm những cánh diều, thả lên bầu trời.
Khi có đoàn khám tuyển của Quân chủng Phòng không Không quân về Ninh Bình, Toản tham gia và vượt qua vòng 1. Sau đó lên bệnh viện quân chủng để kiểm tra, Toản cố gắng hoàn thành chỉ tiêu về sức khỏe do bác sĩ đề ra. Quyết tâm vào trường Sĩ quan Không quân, Toản đã dự thi khối A và đạt được điểm số theo yêu cầu.
"Ngay từ ngày đầu chúng tôi đã phải rèn luyện như những người lính thực thụ. Huấn luyện tân binh 6 tháng, 3,5 năm vừa học lý thuyết vừa rèn luyện thể lực, sau đó tôi được sang Trung đoàn 920 để học tập lý thuyết chuyên ngành, bước lên máy bay, cầm cần lái", Toản kể.
Phi công Nguyễn Duy Hùng (sinh năm 1984) từng lái Mig21 ở Đà Nẵng. Khi vào trường Sĩ quan Không quân, Hùng chỉ ước mơ được lái Su27, nhưng với tay lái vững, anh được chuyển sang lái Su30 khi máy bay hiện đại này được nhập về. "Tôi có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, miễn là được bay loại máy bay yêu thích", Hùng nói.
Từng lái I Yak 52, L-39, Mig-21, Hùng vẫn choáng ngợp khi ngồi vào buồng lái Su-30 vì có quá nhiều thiết bị. Điều đó càng làm anh phấn khích và cố gắng chinh phục “con đại bàng sắt”. Nhờ có thầy giáo Nga giúp đỡ nên các phi công trẻ như Hùng nhanh chóng nắm bắt được kiến thức về loại khí tài mới.
Ước mơ bay của chàng phi công Trần Quốc Toản được hình thành từ khi còn là một cậu bé. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Su-30 có hai buồng lái nên đòi hỏi tính hiệp đồng chiến đấu cao chứ không độc lập tác chiến như Mig-21. Trong những bài bay liên quan đến ứng dụng chiến đấu thì tất cả phi công phải nắm chắc thứ tự sử dụng vũ khí, như điểm này dùng gì, loạt sau dùng gì", Hùng cho hay.
Đồng tình với ý kiến của đồng đội, Đỗ Toàn Thịnh chia sẻ, để có thể bay tốt, phi công phải học liên tục bởi các thiết bị của Su-30 rất nhiều. Thậm chí sách gối đầu giường của Thịnh cũng là kiến thức lái Su-30, rồi máy tính, chuông điện thoại cũng cài đặt những câu nói tiếng Nga về tình huống bất trắc trên không để nghe dần cho quen tai, đỡ bỡ ngỡ.
Thịnh đặc biệt thích các bài bay nhào lộn phức tạp bởi theo anh, đó là lúc phi công thực sự thể hiện được khả năng làm chủ bầu trời. Trong bộ quần áo kháng áp căng phồng với áp lực hàng trăm cân đè lên cơ thể, phi công lái Su-30 phải hoàn toàn tỉnh táo, thực hiện những màn bổ nhào, lộn lên lộn xuống để truy tìm, bám sát, tiêu diệt đối phương.
“Để làm được điều đó đòi hỏi phi công phải có tiền đình tốt, sức khỏe dẻo dai, sự gan lì, tỉnh táo, nhạy cảm và quan trọng phải nắm chắc kỹ thuật điều khiển động tác bay. Đấy cũng là lý do khiến tỷ lệ thải loại của phi công chiến đấu cao hơn bất kỳ ngành nào”, Thịnh tâm sự.
Phi công Trần Quốc Toản chia sẻ, mặc dù động tác bay nhào lộn phức tạp rất nguy hiểm, nhưng đã là phi công chiến đấu, ai cũng ham. Nó tạo cho phi công một cảm giác mạnh, bản lĩnh kiên cường và sự tự tin.
Phi công Nguyễn Duy Hùng vui vẻ sau chuyến bay thành công. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nguyễn Duy Hùng rất thích bay biển. Những bài nhào lộn, chặn kích trên biển với khoa mục khó càng khiến anh say mê. Hùng cho biết, khi bay biển, mặt nước phản chiếu lại bầu trời nên phi công dễ bị cảm giác sai. Thế nên, các anh phải nghiên cứu thật tỉ mỉ, đặc biệt là tiền đình phải tốt.
Khi một mình giữa biển trời đất nước, Hùng thấy vô cùng hạnh phúc vì bản thân đang góp phần bảo vệ sự bình yên cho quê hương. Niềm vui ấy được nhân lên khi có đối không, nói chuyện giữa phi công với chỉ huy, đồng đội về những chiếc tàu, thuyền quan sát được.
"Thời chiến nguy hiểm khi phải đối mặt với quân thù hùng mạnh, còn trong thời bình, quá trình huấn luyện phi công vẫn rất nguy hiểm bởi ở trên không không có điểm tựa nào. Điểm tựa duy nhất của phi công là khoa học, kỹ thuật, khả năng xử lý tình huống lái. Nếu ở mặt đất xe chết máy thì dừng lại, nhưng trên trời thì không thể làm việc đó", anh Hùng nói và cho hay, nhiều phi công từng bị gia đình khuyên chuyền nghề vì sợ nguy hiểm, nhưng với tình yêu bầu trời, họ kiên quyết ở lại phục vụ cho quân đội.
Quân số ở các đơn vị phải đảm bảo 70% sẵn sàng chiến đấu vào những ngày nghỉ, lễ, Tết nên phi công Su-30 rất ít được về thăm nhà. Từ khi chuyển về Trung đoàn 923 năm 2009 đến nay, phi công Trần Trịnh Tố Nguyên mới về thăm bố mẹ được hai lần. "May mắn vợ tôi cũng là con nhà không quân nên hiểu được công việc của chồng. Hiện vợ con tôi ở Hà Nội nên việc đi lại thăm nom cũng dễ dàng", anh Nguyên chia sẻ.
Còn với phi công Nguyễn Duy Hùng, bố mẹ ở Nghệ An, nhưng vợ dạy học ở Hà Tĩnh nên đang ở nhà ông bà ngoại. Đường sá xa xôi nên vài tháng anh mới về thăm vợ một lần. Anh tự hào vì có một người vợ hết mực thương yêu và lo lắng cho chồng.
Trung đoàn phó Quân huấn Nguyễn Văn Thiện hướng dẫn phi công Trần Trịnh Tố Nguyên trước khi lên máy bay. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Mỗi khi biết chồng sẽ bay, cô ấy rất lo lắng và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi tôi hạ cánh an toàn. Đối với những người lính chúng tôi thì gia đình, vợ con cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, đó là điều chúng tôi áy náy nhất", Hùng nói.
Coi việc lái máy bay như nghiệp gắn với đời mình, Trần Quốc Toản khẳng định, làm phi công không phải người chọn nghề mà nghề chọn mình. Thế nên, anh luôn cố gắng đặt nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch bay, nắm vững khoa học lên hàng đầu. Từ đó mới có thể làm chủ bầu trời, bảo vệ vững chắc không phận đất nước.
"Chúng tôi từng nhiều lần đối mặt giữa ranh giới sự sống và cái chết. Và sau mỗi chuyến bay, thật buồn khi đọc báo thấy một số thanh niên bằng tuổi mình vì một lý do nào đó mà tự tử, từ bỏ cuộc sống. Nếu họ từng ở vào hoàn cảnh như chúng tôi, chắc không bao giờ làm thế", phi công Thịnh nói.
Trung đoàn trưởng Phạm Như Xuân cho biết, hiện trung đoàn có 9 phi công trẻ thế hệ 8x. Ngoài Đỗ Toàn Thịnh, Trần Quốc Toản, Nguyễn Duy Hùng, Trần Trịnh Tố Nguyên còn có Đỗ Trung Dũng , Lê Hoài Nam, Trần Văn Hiệp, Hoàng Văn Thái và Vũ Đức Hùng.
Các nhiệm vụ như bay diễn tập với quân khu, quân đoàn, hiệp đồng quân binh chủng, hay bay quan sát, trinh sát trên biển, đội ngũ phi công của trung đoàn đều thực hiện rất tốt. Cuối năm 2012, đơn vị tham gia bắn ném các loại vũ khí trang bị cho Su-30, được Quân chủng Phòng không Không quân công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi.
"Phi công trẻ của đơn vị rất ham bay, say học, xác định cho mình mục tiêu, lý tưởng, cộng với tình yêu nghề nên luôn sẵn sàng phục vụ tổ quốc", đại tá Xuân nhận xét.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc