Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, cơ quan soạn thảo đã xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, việc thu hồi đất cho các dự án này phải tuân thủ cơ chế là được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Ảnh: N.Hưng. |
Trong báo cáo tổng hợp, cơ quan soạn thảo trình hai phương án. Một là giữ nguyên như dự thảo; hai là "Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".
Trình bày thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, cơ quan này nghiêng về phương án giữ nguyên như dự thảo luật quy định thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Giàu, Nhà nước vẫn phải thực hiện việc thu hồi đất ở hàng loạt các dự án liên quan tới mục đích kinh tế. Ví dụ như thu hồi để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp được HĐND cấp tỉnh thông qua; các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
"Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần của nghị quyết trung ương 19", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: N.Hưng. |
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, với hoàn cảnh Việt Nam, là nước đang chuyển từ nông nghiệp sang nghiệp hóa, đô thị hóa mà hạn chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội thì sẽ khó. Vấn đề là phải đặt ra được phương thức quản lý hiệu quả chứ bỏ hẳn đi là không thuyết phục.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, không thể thu hồi đất cho tất cả các mục đích mà phải quy định thật cụ thể. Những dự án phát triển kinh tế - xã hội phải nhìn nhận ở nhiều dạng mục đích, trong đó kinh doanh, sản xuất khác mục đích vì lợi ích công cộng, quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì yêu cầu cần phải phân rõ, loại có thu hồi và không thu hồi. Loại đất nào Nhà nước thu hồi và để làm gì, loại đất nào thì không thu hồi. "Trưng thu, trưng mua có không cần phải làm rõ. Nhà nước không thu hồi, không trưng thu, trưng mua thì giải quyết thế nào? Nếu luật quy định chưa rõ, sau này có thu hồi sẽ khó thực thi", ông Hùng nói.
Trao đổi với VnExpress trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, nói mục đích kinh tế - xã hội là khá rộng. Nếu bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích này thì những công trình kinh tế - xã hội nhà nước đầu tư sẽ khó có hướng xử lý. "Ví dụ như các khu công nghiệp, các khu kinh tế mà nhà nước không đứng ra thì làm sao? Nếu bịt chỗ này thì Nhà nước cũng bó tay", ông Quang nêu quan điểm.
Hướng giải quyết theo Bộ này đề xuất trong Luật Đất đai sửa đổi là quy định danh mục thu hồi đất vì mục đích kinh tế cụ thể gì, để từ đó có biện pháp kiểm soát. Không phải bất kỳ dự án vì mục đích kinh tế - xã hội nào Nhà nước cũng đứng ra thu hồi, nhiều cái nhà đầu tư phải thỏa thuận với người có đất.
Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau hai tháng, Bộ đã thu nhận được gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, chỉ riêng chương về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã có tới gần 2 triệu lượt; hơn 130.000 lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu và chỉnh sửa vào dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế khi thu hồi đất. Việc quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế thu hồi làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất. Về đề nghị quy định cụ thể thời điểm tính giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu và quy định vào dự thảo Luật theo hướng khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện thì được bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Cả hai ý kiến này đều được cơ quan thẩm tra tán thành. |
Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc