Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, từ đầu tháng 3 nước mặn lấn sâu vào nội đồng gây thiệt hại cây trồng. Toàn tỉnh có khoảng 20.000 lúa dọc theo tuyến kênh Long Phú - Tiếp Nhật ở huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và Trần Đề có nguy cơ giảm năng suất vì nước mặn đe dọa. Ngành nông nghiệp đang cùng Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn và khô hạn để kịp thời thông tin đến nông dân.
Lúa xuân hè ở Trà Vinh bị vàng lá do nước nhiễm mặn và ảnh hưởng khô hạn. Ảnh: Duy Khang |
Theo ông Nam, năm 2012, mùa mưa kết thúc sớm nên dự báo độ mặn cao nhất trong năm nay sẽ rơi vào cuối tháng này. Tại Đại Ngãi (Long Phú, Sóc Trăng) nồng độ mặn dưới sông Hậu đo được vào tuần trước lên đến 8,7‰, cao hơn cùng kỳ năm 2012. Cách đó hơn 10 km về hướng cửa biển, độ mặn tại Long Phú là 16,9‰ và nước sông Mỹ Thanh (xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề) lên đến 17,4‰, cao hơn cùng kỳ là 5,9‰.
Ngày 6/3, diện tích lúa xuân hè trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh ở Trần Đề và Long Phú bị hư hại (mất trắng) trên 600 ha. Dự kiến, đến cuối tháng 3 con số này tăng lên 4.000 ha.
Bên kia sông Hậu, nước mặn cũng gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Hiện, độ mặn đo được trên sông Cổ Chiên ở Trà Vinh và sông Hàm Luông (Bến Tre) là 6,4 - 7,9‰. Huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) nằm cách cửa biển hơn 50 km nhưng nước sông đã mặn chát. Tại Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) có hơn 1.100 ha lúa đang làm đòng, trổ bông bị vàng lá, chậm phát triển và hơn 300 ha lúa ở huyện Thạnh Phú bị mất trắng.
Tác giả: Hải Long
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc