25 năm qua, ông Roy Mike Boehm đều đặn trở lại Quảng Ngãi mỗi dịp tháng 3 về. Đứng dưới chân tượng đài chứng tích Sơn Mỹ, người lính Mỹ kéo vĩ cầm cầu nguyện cho linh hồn 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát được siêu thoát. Từ lâu ông đã trở thành người bạn thân thiết với phụ nữ, học sinh nghèo, cựu binh, nạn nhân chất độc da cam ở nhiều vùng quê khó khăn của địa phương này.
Suốt 25 năm qua, cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm (người đeo kính, đứng giữa) tình nguyện làm cầu nối bạn bè quốc tế đến với vùng quê Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín. |
Mike không chỉ tình nguyện làm "cầu nối" kêu gọi bạn bè quốc tế giúp xây dựng trường học, quyên góp thiết bị dạy học cho học sinh vùng quê Sơn Mỹ mà còn hỗ trợ vốn vay lưu động, xây nhà tình thương cho hàng nghìn phụ nữ, cựu binh vùng nông thôn, miền núi Quảng Ngãi.
"Mỗi lần trở lại Tịnh Khê, những trò chơi con trẻ nơi đây đã gợi cho tôi cảm xúc yêu thương thật khó tả. Không biết tự bao giờ, vùng đất này đã trở thành máu thịt, quê hương của tôi. Hy vọng trên thế giới đừng nơi nào lặp lại nỗi đau như Mỹ Lai", ông Mike thổ lộ.
Lần đầu đặt chân đến Việt Nam cùng người bạn Roy Mike Boehm, bác sỹ Giorgi Gary đã về các vùng quê xa xôi, thăm những phụ nữ nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Gary bảo, ông đã thấu hiểu những công việc giàu ý nghĩa nhân văn của bạn thân mình dành cho Quảng Ngãi. Trong chuyến đi này, người bạn Mỹ muốn khảo sát thực trạng nghèo khổ và chất độc da cam để cùng với Mike và bạn bè quốc tế giúp Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh.
Du khách đến từ Mỹ tham quan những căn hầm trú ẩn thời chiến tranh ở khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín. |
"Trong chuyến đi này tôi sẽ dự lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát 504 thường dân vô tội, nỗi đau lớn do lính Mỹ gây ra ở chiến tranh Việt Nam. Nếu chúng ta quên lịch sử thì sẽ dễ mắc lại lỗi lầm trong tương lai gần", Gary tâm sự.
Trở lại Việt Nam, nhiều người bạn Mỹ tỏ lòng thán phục sức sống mãnh liệt của người dân Sơn Mỹ đã vươn lên từ mảnh đất đau thương. Lần thứ hai trở về Sơn Mỹ, GS Ric-hards Burnson (ĐH Wisconsin Madison, Mỹ) bất ngờ trước những đổi thay, phát triển của miền quê này.
Thời gian tới, tâm nguyện của GS Burnson là trở thành giảng viên dạy tiếng Anh cho học sinh, sinh viên; đồng thời giúp Quảng Ngãi xây dựng trung tâm đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế. Burnson chia sẻ: "Tiếng Anh sẽ là cầu nối hòa bình giúp thế hệ trẻ Việt Nam gần gũi hơn với bạn bè quốc tế; có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại các nước trên thế giới".
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Thành Công, Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, hơn 60.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ. Hiện, nhiều tổ chức, trường đại học ở Mỹ, Nhật, Pháp... đăng ký tham dự lễ tưởng niệm thường dân vô tội bị thảm sát ở Mỹ Lai (16/3/1968).
Dự kiến, lễ tưởng niệm chiều tối 15/3 sẽ có khoảng 7.000 người đến dâng hương, dâng hoa, thắp nến, thả hoa đăng cầu siêu.
Tác giả: Trí Tín
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc