Đường vào ngôi mộ bị cỏ cây mọc um tùm chặn hết các ngả. Người dẫn đường - trung sĩ A Minh, Đồn Biên phòng 679 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) phải dùng dao phát lối đi. Theo anh Minh, không ai dám một mình vào khu này. Dân làng tin rằng nơi này có rất nhiều linh hồn người chết.
Vào gần tới nơi, A Minh không dám phát cây nữa vì theo tục lệ, không ai được quấy rầy giấc ngủ của người chết vì như thế họ sẽ bắt tội. Chiếc quan tài chôn người chết được đục nguyên từ một cây gỗ Hương - loại gỗ tốt trong rừng - nắp được đậy cũng bằng gỗ của cây này, phía trên mái được lợp tôn (có thể do sợ mưa nắng làm hư, mục lớp áo).
Ngôi mộ thiên táng này nằm cách mặt đất chừng 45 cm được đỡ bằng 5 cây trụ gỗ đóng ghép với quan tài và một trụ chính giữa được chôn xuống đất. Xung quanh không có nhang khói.
Ngôi mộ thiên táng cuối cùng. |
Già làng A Đôi kể, tục táng treo hay thiên táng có từ lâu. Không ai biết người nào nghĩ ra, ngày xưa các cụ trong làng hay nói lại với con cháu là vùng này xưa kia rừng rậm, muông thú rất nhiều, cọp dữ. Nhà nào có người chết là lo sợ cọp về bới lên tha mất xác, mà nhà nào không may bị như thế thì luôn lo lắng vì sợ người thân bị mất xác hóa thành con ma rừng về bắt người đi theo.
Sự việc cứ vậy nên có người nghĩ ra cách bỏ người vào quan tài và treo lên cây nhằm tránh cọp dữ về tha. Sau nhiều năm, cả khu rừng này đã treo rất nhiều quan tài trên cây nên người trong làng gọi là bãi tha ma trên trời.
Đêm nghe tiếng cọp kêu, ngày nghe tiếng quạ kêu đến lạnh người nên dân làng truyền tai nhau ma ở đó nhiều lắm. Những âm thanh từ các tiếng kêu đó phát ra làm mọi người không dám một mình vào khu đồi này, ban đêm cửa nhà ai cũng đóng kín mít. Từ đó không ai dám vào khu vực này nữa.
Cụ A Đôi kể, trong những năm đánh Mỹ, nghe tiếng súng nên cọp dữ bỏ vào rừng sâu trốn hết, bà con đốt rẫy nên nhiều quan tài bị cháy hết hoặc rơi xuống đất. Sau giải phóng, bộ đội về tiếp quản vùng đất này vận động bà con hạ huyệt chôn người chết xuống đất cho sạch sẽ, không gây mùi hôi làm ô nhiễm môi trường.
Giờ đây, cây xanh đã che lấp không khí u ám của một vùng đất, cũng như sự phát triển, tân tiến đang dần nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Khu rừng thiên táng chỉ còn trong ký ức, như một nét đặc trưng của vùng rừng Đắk Ung ngày xưa.
Theo Pháp luật Việt Nam
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc