Trước khi cho chân vào lồng, Trinh đi thêm một túi bóng vào bàn chân. Ảnh: Bình Minh. |
Như thường lệ, 14h chiều thứ 2, Trinh (ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) và các tình nguyện viên đến phòng thí nghiệm của Khoa Côn trùng và Động vật y học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để ngồi cho muỗi hút máu. Phòng được thiết kế đặc biệt với hai lớp vải mỏng phía sau cánh cửa ra vào. Trên giá inox nhiều tầng đặt những lồng phủ vải thưa màu trắng có đàn muỗi đói. Mỗi tình nguyện viên phụ trách cho hai lồng muỗi ăn vào hai tay hoặc hai chân.
Buộc chặt túi nilon bảo vệ bàn chân, chỉ để hở phần bắp chân, Trinh từ từ đưa chân mình vào lồng. Đàn muỗi đói đang đậu trên thành lồng thấy "thức ăn" liền xông tới bâu kín. Vài phút đầu, cô gái xuýt soa nhưng vẫn cố gắng ngồi yên, không cử động chân làm muỗi "giật mình" bỏ ăn. Đau, tê nhưng Trinh chỉ dám "uốn éo" cơ thể rồi cắn răng chịu đựng. Sau khoảng 4 phút đầu được đàn muỗi "khởi động", khuôn mặt Trinh bắt đầu giãn ra và dần thích nghi. Khi không đau nữa, cô quay ra nói chuyện với các bạn.
Đến giờ cho muỗi ăn, các cán bộ phòng thí nghiệm giúp chuyển các lồng muỗi xuống cho các tình nguyện viên. Ảnh: Bình Minh. |
Thay vì cho muỗi ăn ở bắp chân, Quang (nam sinh ĐH Tự nhiên) lại chọn bàn chân. Để quên đi cảm giác đau ban đầu, Quang và cậu bạn vừa nghe nhạc, vừa hát. Thỉnh thoảng, Quang nhăn mặt, "Á!" lên một tiếng rồi cười xòa: "Em quen rồi".
10 - 15 phút sau, khi những con muỗi đã căng tròn bụng máu "lăn kềnh" ra lồng hoặc đậu trên thành, buổi cho ăn sẽ kết thúc. Rút chân ra khỏi lồng, hai bắp chân của các tình nguyện viên chi chít những nốt đỏ. Rửa sạch vết đốt bằng xà phòng rồi bôi kem, Trinh, Quang và các bạn ra về.
"Ngứa nhất là khi vừa rút chân ra ngoài. Hôm nào cho ăn, em cũng phải mất vài phút đầu cảm giác như nhiều mũi kim châm vào da thịt, một lúc rồi sẽ hết. Không nên gãi những vết mẩn đỏ vì càng gãi sẽ càng ngứa", Trinh cho hay.
Nói tới công việc đặc biệt này, các tình nguyện viên như Trinh và Quang cho biết, mới đầu đều thấy tò mò. Buổi đầu tiên khi mới đưa chân, tay vào lồng muỗi, cảm giác đau và ngứa khiến họ nhớ mãi. Tuy nhiên, muốn cống hiến cho khoa học và thấy ý nghĩa vì cộng đồng của dự án, họ đều đặn đến cho muỗi ăn, dù có hôm rơi đúng vào kỳ nghĩ lễ dài.
Lồng muỗi được xếp gọn gàng trên các giá inox. Đến buổi cho ăn, các cán bộ phòng thí nghiệm sẽ đưa xuống để các tình nguyện viên cho muỗi ăn. Ảnh: Bình Minh. |
Bà Nguyễn Thị Yên, cán bộ phòng thí nghiệm côn trùng y học, cho biết các sinh viên trên đang làm tình nguyện viên cho dự án muỗi ăn máu của dự án của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa. Dự án nhằm đánh giá khả năng muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia (ít có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết) thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết) trên đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa).
Wolbachia là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên trên hơn 70% loài côn trùng trên trái đất. Bằng việc cho muỗi vằn mang vi khuẩn Wobachia cặp đôi với muỗi vằn tự nhiên, quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên trên đảo Trí Nguyên sẽ được dần thay thế bằng một quần thể muỗi mang Wolbachia ít có khả năng truyền bệnh, làm giảm đáng kể nguy cơ lan truyền dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Đây là dự án quy mô toàn cầu trong nghiên cứu ứng dụng muỗi mang Wolbachia nhằm hướng tới loại trừ bệnh sốt xuất huyết đỏ từ năm 2006. Sau Australia, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia này.
Trực tiếp tham gia nghiên cứu, là người cho muỗi ăn đầu tiên và nhiều nhất, bà Yên cho hay, việc tuyển chọn tình nguyện viên cũng có những tiêu chuẩn riêng về sức khỏe. Hiện tại, ngoài 7 tình nguyện viên là sinh viên còn có sự tham gia của cán bộ trong viện, thậm chí các nhà nghiên cứu nước ngoài.
"Người cho muỗi ăn máu ngoài tự nguyện phải có sức khỏe tốt, không bị mắc sốt xuất huyết, mắc bệnh truyền nhiễm hay bệnh gan. Trước khi cho ăn, tình nguyện viên được dặn ăn no, có thể uống một chút nước đường. Ngoài ra, họ được khuyến cáo không dùng thuốc kháng sinh để đảm bảo trứng muỗi thu được có chất lượng tốt nhất", bà Yên nói.
Từng có kinh nghiệm nhiều năm nuôi muỗi, bà Yên tâm sự, thời gian đầu của dự án, bà đã rất lo lắng vì không tìm được tình nguyện viên cho muỗi ăn máu. Ảnh: Bình Minh. |
Mọi quy định về giờ ăn, lượng thức ăn cho muỗi đều phải tuân theo chuẩn nhất định. Hai ngày sau khi cho muỗi ăn, các cán bộ phòng thí nghiệm sẽ đặt giấy vào lồng để muỗi đẻ trứng. Trên lồng đã ghi rõ ngày, giờ và tên người cho ăn, vì vậy sẽ xác định được sức khỏe của người đó có đảm bảo không.
Từng có kinh nghiệm nhiều năm nuôi muỗi nhưng có lần lồng muỗi bà Yên cho ăn thu toàn trứng lép. Lục tìm nguyên nhân, hóa ra cách đó một tháng, bà đã dùng thuốc kháng sinh khi bị ốm. Lần lượt sau đó, lồng muỗi của hai tình nguyện viên khác cũng không thu được trứng đạt chất lượng. Hỏi ra bà Yên mới biết, cả hai đều đã sử dụng thuốc kháng sinh.
Chia sẻ về công việc, bà Yên tâm sự, "suốt ngày chỉ quanh quẩn với muỗi", cho chúng ăn, thu hoạch trứng (một nửa đưa ra đảo Trí Nguyên, nửa còn lại để làm giống) và ấp trứng. Một vòng tuần hoàn như vậy sẽ diễn ra trong một tuần.
Giai đoạn đầu dự án, vì không tìm được tình nguyện viên nên bà và một cán bộ dự án thay nhau cho muỗi ăn. Sau này, khi biết cho muỗi mang Wolbachia ăn không ảnh hưởng tới sức khỏe, các tình nguyện viên mới mạnh dạn tham gia. Vất vả, sợ hãi và đau đớn nhưng bà Yên cho rằng, chỉ cần nghĩ tới việc tìm ra phương pháp chữa bệnh cho cộng đồng, các cán bộ nghiên cứu như bà sẵn sàng ngồi cho muỗi đốt.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc