'Kỹ thuật không cho phép làm đầu rồng ngẩng cao'

Thứ tư - 27/03/2013 06:07 903 0
Trước hàng loạt ý kiến chê đầu cầu Rồng (Đà Nẵng) thấp, giống "sắp chết đuối", nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khẳng định: "Muốn đầu rồng ngẩng cao chỉ là cảm quan, chứ kỹ thuật không cho phép, đặc biệt là khả năng chịu tải của vòm thép".

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) đang được thi công các hạng mục cuối để khánh thành vào ngày 29/3, đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố. Công trình được kỳ vọng trở thành kỷ lục Guinnes "Con rồng thép dài nhất thế giới".

Tuy nhiên, ngay khi nickname Hiếu Trần đăng tải hai bức ảnh so sánh cầu Rồng trong bản thiết kế với phần đầu ngẩng cao thanh thoát và sau khi hoàn thành với dòng status "Nhìn thiết kế với thực tế mà nản. Nhìn như rồng sắp chết đuối, bao giờ mới bay lên được", ngay lập tức có hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận.

Cầu Rồng Đà Nẵng đã thành hình và chuẩn bị khánh thành vào ngày 29/3. ảnh: Nguyễn Đông
Cầu Rồng Đà Nẵng đã thành hình và chuẩn bị khánh thành vào ngày 29/3. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nickname Vo Tố Nga cho rằng phần cổ rồng như mất khúc, không như thế rồng bay trong thiết kế ban đầu. Còn Thanh Long Vu viết: "Con rồng trong thiết kế thì mạnh mẽ và ra dáng, con rồng thực tế thì đúng là như sắp bị chết đuối…".

Nhiều người lại cho rằng từ minh họa tới thiết kế còn một khoảng cách nhất định. Muốn đầu rồng cao lên cỡ đó thì bản thiết kế phải có chứng minh vật lý (gió, bão, chiều cao, sức nặng…) với những con số toán học hỗ trợ.

"Con rồng này phun lửa thật cho người dân xem và đây cũng sẽ là một trong những điểm thu hút du lịch. Vì thế chỉ số độ cao cần đáp ứng chỉ tiêu an toàn khi rồng phun lửa và đảm bảo tầm nhìn chuẩn trong bán kính có hệ số an toàn", nickname Thao Le phân tích.

Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án cầu Rồng, cho biết phương án thiết kế đầu rồng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện. Khi trình phương án, mô hình chỉ 1% là rất nhỏ.

"Từ chỗ nhìn mô hình nhỏ để so với mô hình lớn và nói rồng ngẩng cao hay không ngẩng cao là rất khó. Là đơn vị thực hiện, chúng tôi làm sao triển khai được đúng ý tưởng và tôn trọng thiết kế của ông Hạng theo luật bản quyền", ông Sơn nói.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khẳng định đầu rồng được thi công theo đúng thiết kế ban đầu. Ảnh:.VDD
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khẳng định đầu rồng được thi công theo đúng thiết kế ban đầu. Ảnh: V.Đ.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thì cho rằng đánh giá đầu rồng cao hay thấp là do góc nhìn, ở gần thấy nó cao, ở xa thấy thấp. Mô hình phóng lên thì đầu rồng có phần cao chứ cầu Rồng hiện nay so với thiết kế không có gì thay đổi.

Ông Hạng giải thích thêm, đầu rồng cao 10 m, dài 15 m, nặng 40 tấn, diện tích chắn gió tới 150 m2 nên khi làm phải tuân thủ theo thiết kế của Công ty tư vấn Louis Berger (Mỹ) và chỉ được thay đổi biểu tượng đầu rồng, chứ không có quyền thay đổi kết cấu, bố cục...

"Mong muốn đầu rồng được nâng cao hơn vị trí hiện tại để tỏ rõ sự oai phong chỉ là mang tính cảm quan, chứ kỹ thuật hoàn toàn không cho phép, đặc biệt là khả năng chịu tải của vòm thép. Rồng dài hơn 600 m thì không thể có cái đầu nào phù hợp được hết, nó chỉ là biểu tượng thôi", ông Hạng nói.

Nhà điêu khắc này cho hay đã bỏ ra 200 ngày thiết kế 10 mẫu và cuối cùng thiết kế đầu rồng lấy cảm hứng từ rồng thời Lý, được lãnh đạo thành phố chấp thuận.

Được khởi công từ tháng 7/2009, cầu Rồng dài 666 m, rộng 37,5 m với 6 làn xe, phần lề dành cho người đi bộ mỗi bên rộng 2,5 m. Tổng vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng.

Theo thiết kế, phần hình dáng của thân rồng bằng thép dài khoảng 560 m, nặng hơn 9.000 tấn; đầu rồng cao 10 m so với mặt cầu, nặng 40 tấn. Mắt rồng được thiết kế hình trái tim gắn với hệ thống đèn chiếu hiện đại. Phần đầu rồng sẽ phun lửa vào ban đêm, phun nước vào ban ngày dịp cuối tuần, lễ hội.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây