Hàng trăm câu hỏi của độc giả VnExpress được gửi tới 2 vị khách mời là bà Phan Hà Thủy, Hiệu trưởng Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc và ông Huỳnh Đức Nguyện, Điều phối viên chương trình phổ thông quốc tế Cambridge trong buổi tư vấn "giáo dục song ngữ tại trường quốc tế" chiều 8/5. Đa số các thắc mắc này xoay quanh vấn đề: phương pháp giáo dục trẻ tại trường quốc tế; kỹ năng sống và chi phí mà các phụ huynh phải trả khi cho con theo học tại trường "Tây".
Bà Phan Hà Thủy, Hiệu trưởng Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc và ông Huỳnh Đức Nguyện, Điều phối viên chương trình phổ thông quốc tế Cambridge sẵn sàng tham gia trực tuyến. |
- Kính gửi cô Hiệu trưởng Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc, tôi được biết trường Việt Úc qua một vài trang web và người thân giới thiệu. Hiện nay tôi đang phân vân tìm trường cho con đi học. Tôi có một số thắc mắc kính nhờ cô giải đáp để có thể chọn được trường học tốt và phù hợp với con tôi. Trường quốc tế song ngữ có gì ưu thế hơn so với những trường quốc tế dạy tiếng Anh 100%? (Huyen Thanh, 39 tuổi, Tigontim17@yahoo.Com)
- Bà Phan Hà Thủy, Hiệu trưởng Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc:
- Học sinh tại các trường quốc tế song ngữ được thụ hưởng những giá trị giáo dục được đề ra và đánh giá theo các chuẩn mực của giáo dục thế giới như trường quốc tế dạy 100% tiếng Anh. Ngoài ra, các em phát triển tinh thần hòa nhập quốc tế từ nền tảng các giá trị văn hóa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, lợi thế cạnh tranh của các em không thua kém các bạn bè quốc tế hoặc các bạn học trường dạy 100% tiếng Anh do sở hữu bằng cấp quốc tế với khả năng hòa nhập tốt cả trong học đường và đời sống ở cả các nước Đông và Tây.
Giáo dục song ngữ là một mô hình giáo dục tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới. Mô hình này còn có lợi thế đã được chứng minh là giúp não bộ của trẻ được rèn luyện tốt hơn, các kỹ năng xã hội được phát triển cân bằng hơn so với mô hình đơn ngữ do luôn vận dụng khả năng quan sát, đối chiếu, chuyển dịch các vấn đề dưới góc nhìn kết hợp cả hai ngôn ngữ và văn hóa để có những lựa chọn giải quyết vấn đề phù hợp nhất.
Học chương trình quốc tế 100% tiếng Anh thường yêu cầu chi phí tương đối lớn theo một lộ trình dài. Lựa chọn trường song ngữ quốc tế cho cho phép các em học sinh có thể chuyển sang các trường công lập hoặc các trường quốc tế 100% nếu gia đình có nhu cầu. Học trường quốc tế 100% tiếng Anh thì học sinh không thể chuyển sang học trường song ngữ hoặc công lập trong trường hợp gia đình gặp khó khăn về kinh tế, đây là một điểm cần cân nhắc khi phụ huynh quyết định cho con học trường quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh.
- Con tôi sẽ vào lớp 6 năm sau, nếu cho cháu vào Việt Úc giữa chừng như vậy mà không có Cambridge Checkpoint Tiểu học thì có được không? Cháu có phải thi lại để có chứng nhận này không? Nếu sau này tôi cho cháu đi du học sớm thì có bị bắt phải học lại một năm không? (Kenchi Le, 44 tuổi, Kenchi2406@yahoo.Com)
- Ông Huỳnh Đức Nguyện:
- Lê thân mến! Hầu hết các em học sinh đăng ký nhập học đều chưa có chứng nhận học thuật nào của Cambridge nên trường hợp như con của bạn là tình hình chung khi thật sự chưa có nhiều trường giảng dạy chương trình quốc tế Cambridge xuyên suốt từ cấp tiểu học ở Việt Nam.
Để vào học tại trường, con bạn cần làm kiểm ra đầu vào các môn toán, văn, tiếng Anh và nộp bảng điểm tiểu học để nhà trường hiểu rõ trình độ hiện tại và khả năng tham gia chương trình Cambridge của học sinh. Tùy theo kết quả của cháu, nhà trường sẽ cung cấp chương trình bổ trợ thêm về các kỹ năng tiếng Anh nếu cần thiết hoặc vào thẳng lớp Cambridge mà không cần phải thi lấy chứng nhận Cambridge tiểu học.
Điều này còn do đặc điểm của chương trình quốc tế Cambridge là được thiết kế đặc biệt dành cho các học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, có tính tương thích cao để kết hợp với chương trình của các nước nên các em học sinh đủ khả năng có thể tham gia các giai đoạn học thuật độc lập của chương trình quốc tế Cambridge mà không bắt buộc đã học những giai đoạn trước, có những bằng cấp quốc tế Cambridge của giai đoạn trước, hoặc hoàn tất hết cả lộ trình Cambridge.
Một khi đã học chương trình quốc tế Cambridge thì học sinh có thể được nhận vào học tại bất kỳ trường nào trên thế giới tiếp theo cấp lớp các em hiện đang học vì chương trình và các chứng chỉ của chương trình này được công nhận trên toàn cầu. Các trường hợp bị lùi lớp là do cách tính tuổi khác với ở Việt Nam, hoàn toàn không phải do kiến thức hoặc kỹ năng ngôn ngữ, ví dụ trường ở nước ngoài tính tuổi từ mốc tháng 8 thay vì tháng 1 như ở Việt Nam.
Gần 100 câu hỏi được độc giả VnExpress.net đặt cho các vị khách mời trong buổi tư vấn trực tuyến "Giáo dục song ngữ tại trường quốc tế" sau 30 phút đầu tiên. |
- Tôi đọc tin tức thấy nói về Nghị định 73 liên quan đến hợp tác giáo dục quốc tế, trong đó giới hạn học sinh Việt Nam học tại trường quốc tế. Vui lòng chia sẻ thêm về việc này vì tôi muốn tìm trường quốc tế cho con nhưng phải đảm bảo việc học xuyên suốt của con. (Mai Nhi, 25 tuổi, Cầu Giấy-Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Nghị định 73/2012/NĐ-CP sẽ hạn chế học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế giảng dạy chương trình nước ngoài. Cụ thể học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận ở các trường này, còn tỷ lệ tiếp nhận ở cấp Tiểu học và THCS là 10%, ở cấp THPT là 20%. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về quy định này nhưng không thể phủ nhận mặt tích cực của nghị định trong mục tiêu giữ gìn ngôn ngữ Việt, các giá trị thuần Việt cũng như các kiến thức khoa học xã hội căn bản của hệ thống giáo dục quốc gia cho học sinh là người Việt. Đây cũng là quy định của phần lớn quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Ví dụ ở Singapore, học sinh bản xứ không được theo học các trường quốc tế trừ khi có hai quốc tịch. Hay học sinh New Zealand chỉ được học chương trình quốc tế hai năm cuối cấp là lớp 11 và 12.
Việc đầu tư cho các em học tại các trường quốc tế ngay từ lúc nhỏ là nguyện vọng của rất nhiều phụ huynh có định hướng du học cho con với niềm tin các em sẽ dễ dàng chuyển tiếp và hòa nhập với môi trường quốc tế sau này. Trong tình hình Nghị định 73 chưa triển khai cụ thể, nhiều phụ huynh vẫn có nhu cầu cho con em mình học xuyên suốt trong một môi trường học tập giáo dục quốc tế chất lượng cao với đầu ra quốc tế nhưng vẫn đảm bảo các em có năng lực tư duy của phương Tây trên nền tảng các giá trị sống phương Đông. Các phụ huynh có thể tham khảo mô hình song ngữ quốc tế tại trường Việt Úc, tích hợp chương trình quốc tế Cambridge với chương rình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Cho tôi hỏi những lợi ích thiết thực nào khi học chương trình song ngữ dành cho trẻ? Con tôi chuẩn bị vào lớp 1, vậy có thể đăng ký học song ngữ tại đâu? (Trần Ngọc Hoàng, 33 tuổi, Hoangtran@yahoo.Com)
- Bà Phan Hà Thủy:
Các trường đào tạo theo chương trình song ngữ là những trường sử dụng hai ngôn ngữ để giảng dạy các môn học phổ thông như toán, khoa học, lịch sử… Chương trình giáo dục song ngữ hỗ trợ học sinh phát triển:
- Kỹ năng nghe nói đọc viết lưu loát ngôn ngữ 1 (thông thường là ngôn ngữ chính thức của quốc gia). Khả năng ngôn ngữ 2 (ngoại ngữ) nâng cao so với yêu cầu độ tuổi ở các kỹ năng nghe nói đọc viết
- Hiểu biết học thuật của các môn học phổ thông như toán và khoa học được dạy bằng ngôn ngữ 2 tương đương với cấp lớp học sinh đang học cũng như các môn học dạy bằng ngôn ngữ 1
- Hiểu và đáng giá cao nền văn hóa của ngôn ngữ 1 và ngôn ngữ 2
- Khả năng giao tiếp giữa hai nền văn hóa
- Khả năng nhận thức, kỹ năng xã hội và thói quen để thành công sau này trong xã hội đa văn hóa
Do vậy các trường nếu dạy chương trình song ngữ thì học sinh phải có khả năng vượt qua các kỳ thi quốc tế cho các môn học phổ thông (non-language school subjects) như toán, khoa học tổng hợp, lý, hóa, sinh, kinh tế… như các bạn cùng lứa tuổi ở các nước khác. Các kỳ thi Cambridge Checkpoints hay IGCSE, AS, A-level phục vụ mục tiêu đánh giá này.
- Theo tôi được biết thì để dạy chương trình phổ thông Cambridge thì cần giáo viên được đào tạo đúng chuẩn của Cambridge. Như vậy nhà trường có đảm bảo chất lượng giáo viên không? Tôi cũng băn khoăn chất lượng giáo viên dạy chương trình của Bộ Giáo dục tại trường như thế nào? Xin vui lòng cho thêm thông tin (Bich Hien, 44 tuổi, Bichhiennguyen2001@yahoo.Com)
- Ông Huỳnh Đức Nguyện:
- Chào bạn! Chúng tôi rất mừng là bạn cũng hiểu được giáo viên đóng vai trò then chốt trong bất cứ một chương trình giảng dạy nào.
Về chương trình phổ thông quốc tế Cambridge, giáo viên đều được tuyển chọn và đào tạo theo yêu cầu của Hội đồng khảo thí quốc tế Đại học Cambridge (CIE). Đối với chương trình tiểu học, một giáo viên có thể dạy nhiều môn. Còn chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên bộ môn phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân bộ môn mình giảng dạy và phải có chứng chỉ giảng dạy bộ môn đó để có thể được tuyển chọn vào VAS.
Ngoài ra, kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm dạy bộ môn cho học sinh mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ cũng rất quan trọng. Nhiều giáo viên của VAS còn có các bằng cấp về tâm lý học đường, hỗ trợ trẻ đặc biệt, bằng cấp giảng dạy đa môn học...
Hiện nay, nhà trường có một đội ngũ giáo viên giỏi với hơn 500 giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài, 100% có trình độ đại học & cao đẳng và 20% có trình độ thạc sĩ, sau đại học, trong đó có một số giáo viên có bằng tiến sĩ.
Ngoài ra, nhà trường chú trọng việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, hội thảo tập huấn cho giáo viên các phương pháp giảng dạy tích cực, do các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước trực tiếp hướng dẫn.
Ông Huỳnh Đức Nguyện, Điều phối viên chương trình Phổ thông Quốc tế Cambridge. |
- Con tôi đang học mẫu giáo. Xin hỏi chương trình mẫu giáo ở Việt Úc có gì đặc biệt ngoài chuyện các cháu được học chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng tiếng Anh như các trường tư thục khác? (Ngọc Lan, 30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Trường Việt Úc (VAS) đáp ứng yêu cầu về phát triển kỹ năng của trẻ mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Về chương trình và phương pháp giảng dạy, VAS là trường duy nhất thiết kế chương trình dựa trên sự tích hợp 5 cách tiếp cận giáo dục tiên tiến trong "giáo dục đầu đời" hiện nay:
- Thuyết trí thông minh đa dạng của H. Gardner (giáo sư Đại học Harvard), nhấn mạnh rằng cần có chương trình giáo dục hướng tới cá nhân để có thể phát triển những khả năng tiềm ẩn, vốn luôn tồn tại, trong mỗi trẻ.
- Là thành viên của Hiệp hội Montessori thế giới (về giáo dục mầm non), VAS-PreSchool ứng dụng Montessori trong chương trình giáo dục nhằm phát triển kỹ năng học tập, kỹ năng sống và 5 giác quan của trẻ.
- Cách tiếp cận dự án (Project approach) của Lilian Katz (Mỹ) tạo cơ hội cho trẻ được trở thành những nhà khoa học ham tìm tòi và khám phá.
- Cách tiếp cận "Lên kế hoạch - Làm - Đánh giá" (Plan - Do - Review) của chương trình High Scope (Mỹ) cho phép trẻ được tự khởi xướng kế hoạch khám phá, thực thi và đánh giá việc thực thi kế hoạch dưới dẫn dắt của giáo viên.
- Cách tiếp cận Reggio Emilia xuất phát từ Ý đang được đánh giá rất cao và áp dụng tại những trừơng mầm non tốt nhất ở nhiều nước trên thế giới vì mở rộng cánh cửa cho trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ được bay bổng
5 cách tiếp cận này thể hiện mạnh mẽ nguyên tắc dạy học tích cực và lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ phát triển tối đa khả năng tư duy độc lập, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo cũng như khả năng hợp tác.
Độc giả đặt câu hỏi tại đây |
- Chào quý vị tư vấn, xin vui lòng cho biết khác biệt giữa chương trình A Level và chương trình IB, AP như thế nào? (Huong Le, 34 tuổi. Huongle24@gmail.Com)
- Ông Huỳnh Đức Nguyện:
- A-Level (Advanced Level), IB (International Baccelaureate) và AP (Advanced Placement) là ba bằng cấp học thuật được công nhận quốc tế uy tín hiện nay và đều là tiêu chuẩn đầu vào của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. 3 chương trình có một số điểm khác biệt nhằm phục vụ khả năng và định hướng tương lai khác nhau của học sinh. Việc hiểu rõ những đặc điểm và lợi ích nổi trội của từng chương trình góp phần quan trọng trong việc chọn được một chương trình phù hợp với khả năng và nhu cầu của học sinh và gia đình.
Về cơ bản, chương trình AP & A-Level tập trung vào mức độ chuyên sâu của kiến thức mà một học sinh có thể lĩnh hội ở một số môn cụ thể theo khả năng cá nhân (kết quả). Còn IB chú trọng khối lượng thời gian đầu tư cho các môn đa ngành và các hoạt động kỹ năng mềm và phát triển cá nhân ở nhiều mặt (quá trình). Chương trình IB và A-Level có khung chương trình xuyên suốt từ tiểu học đến hết trung học, yêu cầu học sinh phải học ít nhất 2 năm cuối giai đoạn phổ thông để lấy bằng còn AP là chương trình 1 năm, cho phép các em học sinh không học vẫn có thể đăng ký dự thi để lấy bằng. Tùy theo yêu cầu của từng trường đại học, số điểm thi cao ở các môn AP, IB, và A-Level quyết định việc học sinh được nhận vào và rút ngắn thời gian học đại học.
Chương trình A-Level do Hội đồng Khảo thí Quốc tế Đại học Cambridge (Anh) cung cấp và quản lý. Chương trình này thường được tích hợp với các chương trình phổ thông quốc gia ở các nước theo mô hình song ngữ quốc tế. Học sinh được chọn học và thi các môn theo khả năng và lĩnh vực kiến thức chuyên môn các em dự định học ở đại học.
Chương trình và bằng cấp AP được cung cấp, quản lý bởi Tổ chức College Board (Mỹ). Các môn học AP ở cấp độ đai học và đòi hỏi hiểu biết học thuật sâu với độ khó cao. Cũng như A Level, AP phù hợp với các em học sinh có khuynh hướng chuyên tâm vào một môn học hoặc lĩnh vực nhất định. Học sinh phổ thông đủ khả năng học chuyên sâu theo lĩnh vực nào thì sẽ học theo cấp độ đại các môn học lĩnh vực đó để lấy các chứng chỉ AP.
Chương trình IB trước đây ra đời nhằm đem lại một chương trình chuẩn chung, cho các học sinh quốc tế phải di chuyển liên tục qua nhiều quốc gia khác nhau. Hiện nay chương trình được đưa vào nhiều trường học dạy 100% tiếng Anh theo mô hình kết hợp với AP, A-Level hoặc IB liên cấp. Chương trình này được cung cấp quản lý bởi tổ chức IBO (đóng tại Thụy Sĩ). IB phù hợp với các học sinh có khuynh hướng phát triển toàn diện các mặt (bề rộng), hơn là dành cho các em chỉ giỏi hoặc tập trung nghiên cứu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó (bề sâu). Thế mạnh của chương trình là ngoài nền tảng hiểu biết phong phú từ các môn học, các kỹ năng mềm, trải nghiệm văn hóa, khả năng thích nghi của học sinh được chú trọng.
Để lấy được bằng IB, học sinh phải đáp ứng đồng thời nhiều điều kiện như hoàn thành 6 môn học kết hợp với môn Theory of Knowledge (Lý thuyết kiến thức), 1 bài tự luận 4.000 từ và có 150 giờ hoạt động sáng tạo, phục vụ, cộng đồng.
- Hiện nay có rất nhiều trường dạy song ngữ cho bố mẹ lựa chọn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra không chỉ là chương trình giảng dạy của trường đó ưu việt như thế nào mà vấn đề là trường đó có kết hợp hiệu quả với các môn học bằng tiếng Việt hay không? Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? (Thảo Trang, 51 tuổi, Thaotrang362@gmail.Com)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Việc học song song hai chương trình một lúc gồm chương trình quốc gia của Bộ và chương trình quốc tế Cambridge sẽ mang nhiều thách thức cho học sinh và cả nhà trường hơn là việc học một chương trình. Tuy nhiên mô hình này ngày càng được ủng hộ và thực hiện ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Italy, Tây Ban Nha… Việc tối ưu hóa khả năng của học sinh song hành với phương châm khối lượng kiến thức nhiều hay ít không quan trọng bằng cách học như thế nào và học sinh được định hướng để biết áp dụng kiến thức kỹ năng mình đã học.
Để đảm bảo hiệu quả của việc học hai chương trình mà học sinh không cảm thấy áp lực, bên cạnh kết hợp phương pháp trực quan sinh động, số hóa việc giảng dạy qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên, phương tiện học tập hiện đại như máy chiếu, bảng tương tác thông minh để học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng và hiệu quả.
Đội ngũ giáo viên được Cambridge huấn luyện bài bản chuyên sâu để giảng dạy theo các phương pháp sư phạm cải tiến và cá nhân hóa phương cách giảng dạy theo thuyết Trí thông minh đa dạng, ứng dụng sơ đồ tư duy Mindmap nhằm đáp ứng những nhu cầu, phong cách học tập khác nhau của học sinh. Phương pháp học tập của học sinh cũng được cải thiện dần từ nặng tính ngồi một chỗ ghi chép, ghi nhớ sang chủ động, tham gia tích cực làm chủ lớp học. Các mục tiêu phát triển kỹ năng mềm được lồng ghép xuyên suốt vào chương trình để đảm bảo học sinh kỹ năng hóa kiến thức, tránh lý thuyết hóa kiến thức, tăng tính linh hoạt và sự hứng thú trong học tập.
Học sinh được học 3 môn toán, tiếng Anh, khoa học và thêm các môn CNTT, quản trị doanh nghiệp, lý, hóa, sinh chuyên biệt ở chương trình IGCSE. Giáo trình tiên tiến của Cambridge mang tính thực tiễn đời sống cao giúp học sinh có môi trường ứng dụng những nội dung học ở chương trình Bộ. Học sinh có thể ôn luyện, đào sâu, mở rộng kiến thức bằng tiếng Anh để thật sự cảm nhận mình sẽ sử dụng, áp dụng kiến thức như thế nào thay vì chỉ cho ra đáp án kết quả bằng số hay con chữ. Học sinh có những hiểu biết mà các bạn học sinh quốc tế ở những nước khác đang có, cũng như có mục tiêu đầu ra rõ ràng để hướng đến trong quá trình học. Như vậy, hai chương trình song song nhằm hỗ trợ toàn diện cho học sinh chứ không mang tính gấp đôi thời gian và hàm lượng kiến thức.
- Tôi muốn hỏi cô Thủy nhà trường hỗ trợ gì cho các em học sinh muốn du học khi theo học tại trường, làm sao để con tôi có thể vào được các trường xếp hạng cao trên thế giới? (De Nguyen, 39 tuổi, Ngocde263@yahoo.Com)
- Bà Phan Hà Thủy:
Những trường đại học xếp hạng cao trên thế giới rất chú trọng vào chất lượng và tính công nhận của bằng cấp học sinh đạt được khi hoàn tất giai đoạn phổ thông cũng như những thành tích học thuật và các hoạt động xã hội, thể thao, văn hóa nổi trội khác học sinh. Hiểu rõ điều này nên nhà trường đã đưa chương trình Cambridge có đầu ra quốc tế và tính định hướng cao vào giảng dạy song song với chương trình của Bộ.
Đồng thời, nhà trường có bộ phận tư vấn du học dành cho chính những học sinh của mình vì nhà trường có lợi thế đang giảng dạy học sinh nên hiểu rõ được khả năng học tập, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu, nguyện vọng, trình độ của từng em... Từ đó các giáo viên sẽ đưa ra những kế hoạch định hướng, hướng nghiệp cụ thể, hỗ trợ tìm kiếm các học bổng phù hợp, đáp ứng được những nhu cầu riêng của từng học sinh.
Khác với các trung tâm tư vấn du học bên ngoài, các hoạt động hỗ trợ thông tin này hoàn toàn miễn phí, không nhận bất cứ hoa hồng nào từ các trường trên thế giới nhằm đảm bảo tính khách quan trong định hướng, giới thiệu những trường có uy tín nhất và có chuyên ngành phù hợp với tiềm năng học sinh nhất.
Bà Phan Hà Thủy tại buổi tư vấn trực tuyến chiều 8/5 tại VnExpress.net, chi nhánh TP HCM. |
- Tôi thấy trường BVIS cũng dạy Cambridge và học sinh cấp 3 học xong cũng được A Level, như vậy có giống với trường Việt Úc? (Nga Ninh [ninhnga2000@yahoo.Com, 44 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Chương trình Cambridge được giảng dạy tại Việt Úc và BVIS đều được cung cấp và quản lý, đánh giá bởi Hội đồng Khảo thí Cambridge với đầu ra quốc tế là bằng A Level. Đối với mô hình song ngữ tại Việt Úc, học sinh sẽ thi lấy chứng chỉ Primary Check Point cho 3 môn toán, khoa học và tiếng Anh. Thi Secondary Checkpoint sau lớp 8, IGCSE sau lớp 10 và AS & Alevel sau lớp 12. Song song đó, học sinh vẫn lấy bằng tốt nghiệp THPT sau khi học hết lớp 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Cấp độ AS và A Level tương đương cấp độ nào của chuẩn học ở trường RMIT VN hoặc du học ? (Trần Thanh Hòa, 55 tuổi, 167LTK p6 TpCM)
- Ông Huỳnh Đức Nguyện:
Chào bạn! Không có chuẩn so sánh của AS và A-level tương đương với cấp độ cụ thể của trường bạn đề cập. Có nhiều trường đại học ở Anh, Mỹ chấp nhận bằng AS và A-level. Học sinh có các bằng cấp này có thể học vào năm thứ hai của đại học.
AS & A Level được các trường đại học hàng đầu, các tổ chức giáo dục trên hơn 160 quốc gia công nhận. Thông tin chi tiết bạn có thể tham khảo tại trang web chính thức của CIE http://recognition.cie.org.uk.
- Chương trình tiếng Anh ở Việt Úc dạy như thế nào? Tôi thấy nhiều học sinh học trường quốc tế vẫn phải đi học thêm tiếng Anh ở bên ngoài để chuẩn bị đi du học. Xin vui lòng tư vấn thêm. (Đức Việt, 34 tuổi, TP HCM)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Tại Việt Úc, khả năng tiếng Anh của các em được bồi dưỡng và phát triển thông môn tiếng Anh trong chương trình Cambridge, chưa kể các tiết học môn toán và khoa học theo tiêu chuẩn của Cambridge, các em cũng học bằng tiếng Anh với giáo viên bản xứ. Qua đó, các em được trang bị cả tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh học thuật, tiếng Anh sử dụng trong các môn học như toán, khoa học, công nghệ thông tin... để các em có thể thật sự sử dụng thuần thục tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Để đảm bảo việc phát triển khả năng tiếng Anh và tiếp thu các môn Cambridge hiệu quả, trước khi vào học tại trường, các em học sinh sẽ làm bài kiểm tra năng lực tiếng Anh để phân ra lớp bổ trợ ESL và lớp Cambridge. Những học sinh nào chưa đủ khả năng hoặc gặp khó khăn trong quá trình học bằng tiếng Anh sẽ tham gia lớp bổ trợ riêng tiếng Anh chuyên sâu (Intensive Immersion English program) với các giáo viên chuyên hướng dẫn bổ trợ để có thể hòa nhập vào lớp Cambridge thuận lợi sau 1 học kỳ hoặc 1 năm học.
Như vậy, việc sử dụng và phát triển năng lực tiếng Anh cho học sinh tại Việt Úc đáp ứng được yêu cầu về ngôn ngữ học thuật trong bất cứ môi trường học tập bằng tiếng Anh nào, mà không cần phải đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoài.
- Tôi có nhiều bạn bè cho con học trường Việt Úc, tôi nghe nói nhà trường có tổ chức nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mà tôi rất quan tâm. Xin cho tôi biết cụ thể hơn? (Nguyễn Thị Mai, 36 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Chương trình giáo dục kỹ năng sống của trường Việt Úc (VAS) thực hiện xuyên suốt từ mẫu giáo đến lớp 12. Điểm nổi bật của chương trình là không chỉ dừng lại việc hướng dẫn cách ứng xử các tình huống hằng ngày, mà còn tập cho các em kỹ năng lập mục tiêu cuộc sống, phản ứng trước thất bại, kỹ năng sử dụng phương pháp học tập toàn não bộ, kỹ năng đọc sách nhanh và hiệu quả. Các chương trình bao gồm:
- Chương trình kỹ năng sống "Bee Values" cho mầm non: trẻ được học các tình huống thoát hiểm, tình huống ứng xử, cách thể hiện bản thân mình, cách ứng xử với những người xung quanh, đồng thời giáo dục trẻ niềm đam mê sách và khám phá thông tin.
- Chương trình "Smart Values" cho tiểu học: phát triển năng lực cảm xúc và xã hội ở trẻ, giúp các bé hiểu và xử lý tốt hơn các tình huống trong học tập và cuộc sống, nhận biết hiểu được tình yêu thương, từ đó trân trọng hành động yêu thương của cha mẹ và người xung quanh. Trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và năng động trong cuộc sống.
- Chương trình "Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!" cho trung học: tạo niềm tin vào khả năng bản thân học sinh, có ý chí vươn lên trong thất bại, giúp học sinh có mục tiêu trong cuộc sống và biết cách suy nghĩ, lập kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Chương trình còn giúp các em có những trải nghiệm, những bài học về tinh thần đồng đội, quyết tâm vượt qua thất bại, hướng đến mục tiêu cũng như khắc sâu những giá trị "tôn trọng - bình an - trách nhiệm - yêu thương".
- Con tôi chuẩn bị vào lớp 1. Xin hỏi ở tuổi này có nên cho cháu theo học trường Quốc tế? (Việt Anh, 34 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Chào bạn! Theo các chtuyên gia giáo dục, ở độ tuổi vào lớp 1, trẻ cần được phát triển và củng cố tiếng mẹ đẻ. Nếu bạn muốn con học chương trình quốc tế, bạn có thể cho con theo học các trường cung cấp chương trình song ngữ. Theo đó, trẻ vừa được học và tiếp thu các kiến thức của chương trình quốc tế vừa giữ được ngôn ngữ tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc.
- Tôi chưa bao giờ gửi con vào trường dạy chương trình tiếng Anh. Tôi muốn biết phụ huynh có thể theo dõi tình hình học tập của con mình đối với các môn Cambridge như thế nào trong trường hợp không rành về chương trình hoặc không biết tiếng Anh như tôi? Nhà trường có những hình thức trao đổi thông tin nào khác ngoài bảng điểm và các kỳ họp phụ huynh cuối học kỳ? (Kim Anh, 33 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Việc phụ huynh theo dõi tình hình học tập của các em học sinh đóng góp một phần khá quan trọng trong sự thành công của các em. Đây không chỉ là nhu cầu của phụ huynh mà cũng là của nhà trường trong việc nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh trong việc đào tạo các em. Do đó nhà trường có nhiều hình thức đẩy mạnh việc trao đổi, cập nhật tin tức của nhà trường và học sinh thường xuyên đến phụ huynh như:
- Đối với các môn học bằng tiếng Anh của chương trình Cambridge, nhà trường khuyến khích phụ huynh trao đổi trực tiếp với giáo viên từng môn học để có được thông tin chuẩn xác nhất về việc học tập của các em học sinh với sự hỗ trợ dịch thuật bởi nhân viên của nhà trường trong trường hợp phụ huynh không giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài các buổi họp định kỳ do nhà trường tổ chức, phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường để đặt cuộc hẹn gặp gỡ hoặc e-mail trao đổi với các giáo viên về việc học của các em bất kỳ lúc nào.
- Bên cạnh hình thức e-mail và nhắn tin thông tin thường xuyên đến phụ huynh, nhà trường đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến SIS. Theo dự kiến, tháng 11/2013 nhà trường sẽ hoàn thiện chương trình SIS và gửi thông tin hướng dẫn cụ thể đến phụ huynh. Với hệ thống SIS này, phụ huynh có thể xem các thông tin về bài học, điểm số, các hoạt động trên lớp của con mình, trao đổi trực tiếp với giáo viên về tình hình học của học sinh.
- Phụ huynh còn có thể trao đổi trực tiếp với Ban quản trị nhà trường thường xuyên qua chương trình trao đổi định kỳ "Cà phê sáng" (Coffee Mornings) tại các cơ sở của Việt Úc. Đây là chương trình gặp gỡ phụ huynh có con em học tại từng cơ sở và có nhu cầu muốn trao đổi, giải đáp những thắc mắc về chương trình học, định hướng chiến lược của nhà trường, do đích thân Tổng hiệu trưởng cùng các trưởng phòng ban chuyên môn trực tiếp đảm trách nhiệm vụ giải đáp cho từng phụ huynh.
- Nhà trường đã và tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, mời phụ huynh học sinh tham gia nhằm thúc đẩy sự chia sẻ, đồng hành chặt chẽ giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường trong những giai đoạn phát triển quan trọng của các em nhằm giúp các em hoàn tất chương trình phổ thông một cách thành công nhất.
- Con tôi sang năm học mới sẽ vào lớp 3. Bây giờ vào học tại Việt Úc thì có theo kịp không vì nhà trường đổi chương trình mới. Ngoài việc học chính khóa, học sinh của trường còn có được học thêm kỹ năng gì không? Chương trình ngoại khóa của nhà trường có không? (An Truong T, 33 tuổi, Skan107@yahoo.Com)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Các em học sinh Lớp 3 trước khi nhập học sẽ làm bài kiểm tra đầu vào môn toán, văn, tiếng Anh để các giáo viên xác định được trình độ hiện tại, khả năng hòa nhập tiếp thu so với yêu cầu tối thiểu của chương trình song ngữ tại nhà trường. Dựa vào kết quả kiểm tra đầu vào, đội ngũ giáo viên của nhà trường sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho những em cần bổ trợ tiếng Anh và các kỹ năng học tập cần thiết khác để theo kịp các bạn cũng như đáp ứng yêu cầu ngôn ngữ của chương trình học Cambridge. Ngoài ra, lứa tuổi lớp 3 nằm trong giai đoạn đầu của việc phát triển ngôn ngữ nên các em sẽ nhanh chóng tiếp thu tốt chương trình mới.
Đối với các chương trình ngoại khóa và kỹ năng sống, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thú vị, bổ ích nhằm trang bị cho các em các giá trị sống và kỹ năng mềm, tiêu biểu như tự lập, phát triển các mối quan hệ, kỹ năng tra cứu, học nhóm, thuyết trình, đọc sách, tổng hợp kiến thức bằng sơ đồ tư duy...
Ngoài ra, học sinh từ tiểu học đến trung học sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề ở các nội dung sau tùy theo cấp độ như kỹ năng học tập và làm việc, kỹ năng thích ứng với môi trường, kỹ năng thoát hiểm, chương trình "Tôi tài giỏi. Bạn cũng thế!" cho học sinh trung học, Smart Values cho học sinh tiểu học.
Ông Huỳnh Đức Nguyện, Điều phối viên chương trình Phổ thông Quốc tế Cambridge. |
- Chương trình học song ngữ có liên thông giữa các cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không và có bám sát chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo? (Nguyễn Ngọc Phong, 49 tuổi, Phong nguyen@gmail.Com)
- Bà Phan Hà Thủy:
Hiện nay có nhiều trường mang tên song ngữ, tuy nhiên chương trình các trường này không hoàn toàn giống nhau. Có trường dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tăng cường tiếng Anh, có trường dạy chương trình 70% tiếng Anh và 30% tiếng Việt cho các môn khoa học xã hội.
Tại trường Việt Úc, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo được dạy trọn vẹn và tối ưu hóa các kiến thức. Chương trình quốc tế Cambridge được dạy các môn cốt lõi là toán, khoa học, tiếng Anh, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp bằng tiếng Anh. Học sinh tốt nghiệp trường Việt Úc sẽ có bằng tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng bằng Tú tài Cambridge của Đại học Cambridge.
- Đối với chương trình của Bộ, cách giảng dạy ở Việt Úc có gì đặc biệt? Kết quả đào tạo có so sánh được với các trường công hay không? (Mai Chi, 32 tuổi, Hải Phòng)
- Bà Phan Hà Thủy:
- Chào bạn! Chương trình của Bộ GD&ĐT tại trường Việt Úc được xây dựng dựa trên các vùng tri thức trọng điểm, phân bổ hợp lý, chú ý đến sự phát triển của từng cá nhân học sinh. Việc “tối ưu hóa” này vừa đảm bảo các chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD&ĐT quy định, vừa cho phép người giáo viên tổ chức các giờ học mang tính tích cực, không bị gò bó bởi thời gian. Bên cạnh đó, nhà trường luôn mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện, đào tạo để trang bị cho đội ngũ giáo viên các phương pháp, hình thức tổ chức lớp hiện đại. Chính vì vậy, giáo viên chủ động thiết kế bài dạy nhằm tạo điều kiện cho học sinh tích cực học tập, có kỹ năng tư duy, thích ứng được với mọi môi trường giáo dục trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ, áp dụng các phương pháp dạy học tiến bộ như dạy học theo nhóm, cá thể hóa, trạm kiến thức, dạy học theo dự án, phương pháp tư duy, trí thông minh đa chiều… để giải quyết tình trạng dạy học nhồi nhét, quá tải, học vẹt ở học sinh...
Chẳng hạn, năm học 2011-2012, nhiều giáo viên đạt danh hiệu "Giáo viên Giỏi" cấp quận. Với kết quả đánh giá theo đề thi của các Phòng, Sở Giáo dục, 91.8% học sinh lớp 5 của trường đạt kết quả loại khá giỏi, trong đó 43.4% các em đạt điểm tối đa 20/20. 100% học sinh lớp 12 vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, với 63.3% các em được xếp loại tốt nghiệp khá - giỏi. Gần 80 em đạt giải cao ở các cuộc thi học thuật và năng khiếu như Olympic Các tỉnh phía Nam, học sinh giỏi các môn văn, sinh, toán... cấp quận và thành phố.
- Con tôi sẽ vào lớp 5 năm sau, nếu cho cháu vào Việt Úc mà không có Cambridge Checkpoint Tiểu học thì có được không? Cháu có phải thi lại để có chứng nhận này không? Nếu sau này tôi cho cháu du học sớm thì có phải học lại một năm không? (Nguyễn Hằng, 35 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Hầu hết học sinh đăng ký nhập học đều chưa có chứng nhận học thuật nào của Cambridge nên trường hợp như con của bạn là tình hình chung khi chưa có nhiều trường giảng dạy chương trình quốc tế Cambridge xuyên suốt từ cấp Tiểu học ở Việt Nam. Để vào học tại trường, con bạn cần làm kiểm ra đầu vào các môn toán, văn, tiếng Anh và nộp bảng điểm Tiểu học để nhà trường hiểu rõ trình độ hiện tại và khả năng tham gia chương trình Cambridge của học sinh. Tùy theo kết quả của cháu, nhà trường sẽ cung cấp chương trình bổ trợ thêm về các kỹ năng tiếng Anh nếu cần thiết hoặc vào thẳng lớp Cambridge mà không cần phải thi lấy chứng nhận Cambridge Tiểu học.
Chương trình quốc tế Cambridge được thiết kế đặc biệt dành cho các học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, có tính tương thích cao để kết hợp với chương trình của các nước. Nhờ vậy các em học sinh đủ khả năng có thể tham gia các giai đoạn học thuật độc lập của chương trình này mà không bắt buộc đã học những giai đoạn trước, có những bằng cấp cuốc tế Cambridge của giai đoạn trước, hoặc hoàn tất hết cả lộ trình Cambridge.
Khi đã học chương trình quốc tế Cambridge, học sinh có thể được nhận vào học tại bất kỳ trường nào trên thế giới tiếp theo cấp lớp các em đang học vì chương trình và các chứng chỉ của chương trình này được công nhận trên toàn cầu. Các trường hợp bị lùi lớp là do cách tính tuổi khác với ở Việt Nam, hoàn toàn không phải do kiến thức hoặc kỹ năng ngôn ngữ. Ví dụ trường nước ngoài tính tuổi từ mốc tháng 8 thay vì tháng 1 như ở Việt Nam.
- Con tôi đang học lớp 5 trường quốc tế. Tôi đang lo không đủ tài chính cho con tiếp tục theo học cũng như du học nên dự định chọn trường song ngữ. Cô Thủy vui lòng cho biết định hướng này có phù hợp với con tôi vào lúc này không? Khi tốt nghiệp cấp 3 thì cháu có thể thi đại học tại Việt Nam được không? (Nguyễn Trang, 30 tuổi, TP HCM).
- Bà Phan Hà Thủy:
Học sinh trường quốc tế có thể chuyển qua học song ngữ tại Việt Úc với điều kiện phải đạt yêu cầu các bài kiểm tra tiếng Việt và có bảng điểm đầy đủ của các năm học trước.
Chương trình song ngữ đang phát triển mạnh ở những nước phát triển mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Tính ưu việt của chương trình song ngữ là học sinh vừa tiếp cận được với chương trình quốc tế từ nhỏ, vừa đảm bảo việc theo học chương trình văn hóa quốc gia. Việc học văn hóa quốc gia là bắt buộc cho phần lớn học sinh ở rất nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Mô hình trường song ngữ là lựa chọn an toàn hơn về mặt tài chính và linh động hơn về đầu ra so với các trường đơn ngữ. Chi phí tại các trường song ngữ thường ở mức phân nửa so với chi phí học tại các trường quốc tế đơn ngữ dạy bằng tiếng Anh hoặc chi phí đi du học ở giai đoạn phổ thông. Các em học sinh học trường song ngữ có thể chuyển sang các trường công lập hoặc đi du học bất cứ lúc nào mà gia đình lựa chọn.
Với hệ song ngữ tại Việt Úc, học sinh được học song song hai chương trình và lấy được hai bằng phổ thông trung học của hệ Việt Nam và Cambridge. Đối với học sinh có định hướng luyện thi vào đại học Việt Nam, các em có thể lấy IGCSE sau lớp 10 (bằng này có giá trị vào đại học trên thế giới) mà không cần lấy tiếp bằng AS và A-level ở lớp 11 và 12 (AS và A-level là bằng THPT ở cấp độ cao hơn, tương đương dự bị đại học). Hai năm học cuối tập trung học chương trình Việt Nam và luyện thi để chuẩn bị cho các kỳ thi vào đại học ở Việt Nam.
Bà Phan Hà Thủy. |
- Trường Việt Úc có quảng cáo về Chương trình Phổ thông Quốc tế Cambridge bắt đầu dạy từ năm học 2013 – 2014. Chương trình này có gì tốt hơn so với chương trình hiện tại của trường. (Mai Mai, 25 tuổi, Hà Đông-Hà Nội)
- Ông Huỳnh Đức Nguyện:
Chào bạn! Chương trình phổ thông quốc tế Cambridge có những ưu thế như:
- Có sự chuẩn bị ưu việt cho các bậc học cao hơn và đời sống thực tế, đặc biệt cho việc làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Các môn học bằng tiếng Anh tại trường trước đây chủ yếu chú trọng ngôn ngữ, giúp các em có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh và sở hữu các chứng chỉ tiếng Anh (language oriented). Với chương trình quốc tế Cambridge, các em còn có hiểu biết chuyên sâu về học thuật bằng tiếng Anh và có khả năng tư duy, cái nhìn quốc tế khi tiếp cận vấn đề, quan trọng là các em học một chương trình phổ thông chuẩn chứ không phải là chỉ học tiếng Anh (subject oriented).
- Các em được tiếp cận với một chương trình có tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới về các mặt toàn diện, từ mỗi giai đoạn học tập của các em đến giáo trình, giáo viên, kiểm tra đánh giá, bằng cấp, ngôn ngữ. Các chuẩn mực này được quản lý và giám sát bởi Hệ thống khảo thí Quốc tế Đại học Cambridge (CIE).
- Hưởng các lợi thế của 1 chương trình chuẩn quốc tế xuyên suốt từ tiểu học đến hết phổ thông trung học với bằng cấp được thế giới công nhận ngay tại Việt Nam mà không phải đối mặt với những khó khăn về tâm lý hoặc tình thế ‘chưa hòa nhập đã hòa tan’ nếu đi du học từ nhỏ.
- Học sinh nhận được các chứng chỉ có giá trị công nhận quốc tế khi hoàn tất từng giai đoạn học thuật: Cambridge Checkpoint 1 (cuối lớp 5), Cambridge Checkpoint 2 (cuối lớp 8), IGCSE (cuối lớp 10), AS Level (Lớp 11) và A-Level (cuối Lớp 12).
- Học sinh các chương trình song ngữ còn đem lại cho học sinh một lợi thế đã được chứng minh là não bộ được rèn luyện tốt hơn so với việc học theo mô hình đơn ngữ.
- Nhà trường có những ưu đãi học phí hoặc chương trình học bổng nào không? (Trần Thị Hằng, 35 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Hiện tại, mức học phí của Việt Úc chỉ khoảng 50% so với các trường có đầu ra là bằng quốc tế tại Việt Nam. Nhà trường có chính sách tài chính với các lựa chọn đóng phí theo cả năm, học kỳ, hoặc theo quý để phụ huynh có thể lựa chọn theo khả năng của gia đình. Chính sách này có các mức hỗ trợ ưu đãi cho các gia đình ghi danh đóng phí sớm và các gia đình có anh chị em ruột học tại trường.
Ngoài ra, trường còn giành ra 1 tỷ đồng cho chương trình học bổng tài năng ở cấp Trung học phổ thông năm học 2013-2014 để khuyến khích các em học sinh phát huy tiềm năng của bản thân và phấn đấu đạt thành tích nổi bật trong học tập, rèn luyện thể thao và các hoạt động đóng góp tích cực khác.
Thông tin chi tiết, phụ huynh có thể liên hệ các văn phòng tuyển sinh theo số điện thoại: 08.38641770-38641772-3999 0112. Hoặc truy cập website nhà trường www.vas.edu.vn.
- Cảm ơn các vị khách mời đã tham dự chương trình. Tôi có hai con trai sinh đôi. Một cháu khao khát học trường quốc tế, cháu kia lại thích học trường Việt Nam nên hai cháu thường xuyên tranh cãi. Vợ chồng tôi lại mong hai cháu học cùng trường. Các chuyên gia cho chúng tôi lời khuyên về trường hợp này? Xin cảm ơn! (Hạnh Chi, 38 tuổi, Hà Nội)
- Bà Phan Hà Thủy:
Cám ơn câu hỏi của Hạnh Chi. Đây là một câu hỏi thú vị vì hiện nay ngay cả trong các gia đình cũng có khuynh hướng lựa chọn học trường Việt Nam và chương trình quốc tế với những tranh luận khác nhau.
Tôi hy vọng hệ đào tạo song ngữ sẽ giải quyết được những khác biệt về khuynh hướng chọn trường của con bạn. Các trường song ngữ là nơi học sinh vừa được tiếp cận với chương trình quốc tế vừa duy trì chương trình Việt Nam với những kiến thức căn bản về khoa học xã hội, giá trị văn hóa truyền thống mà các chương trình quốc tế không đáp ứng được.
Khi chọn trường song ngữ, phụ huynh nên cân nhắc kỹ:
- Nguồn gốc, bộ khung chương trình và giá trị công nhận của chương trình đang được kết hợp với chương trình của Bộ
- Giáo trình và các phương pháp đánh giá học sinh
- Đội ngũ giáo viên được tuyển dụng đúng tiêu chuẩn, đúng chuyên môn và được đào tạo bài bản. Kinh nghiệm, năng lực, và quan điểm giáo dục của ban lãnh đạo nhà trường
- Cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học, vui chơi giải trí
- Cách thức thông tin liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh, chi phí, các dịch vụ ăn uống và hỗ trợ khác
Do thời gian buổi phỏng vấn có hạn nên chúng tôi không thể giải đáp tất cả các thắc mắc của bạn đọc. Nếu có thắc mắc, phụ huynh có thể gửi câu hỏi đến e-mail: headofschool@vas.edu.vn. Chân thành cảm ơn!
VnExpress.net
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc