'Công viên 23/9 ồn ào, không thích hợp để xây nhà hát'

Thứ năm - 21/03/2013 05:42 756 0
"Người ta đang chơi bản nhạc giao hưởng, chỉ cần một tiếng kèn xe cũng đủ làm hư cảm nhận âm nhạc cao cấp", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét về vị trí xây nhà hát ở công viên 23/9, nơi mật độ giao thông cao.

UBND TP HCM đã đồng ý với đề xuất xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại công viên 23/9 và giao các sở ngành bắt đầu thực hiện. Nhà hát được thiết kế với 2 khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2 ha (hơn 1/10 công viên 23/9) giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.

Là một trong những người đề xuất xây dựng nhà hát này ở công viên 23/9, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho biết, việc xây dựng nhà hát là cần thiết cho đời sống tinh thần của người dân thành phố. Chuyện này không thể trì hoãn mãi bởi thành phố đã dự định xây nhà hát giao hưởng từ hơn chục năm trước. Vì vậy, việc chọn vị trí xây dựng bây giờ phải là nơi khả thi nhất, có sẵn đất và thi công ngay.

Công viên 23/9, vị trí được cho là phù hợp nhất để xây dựng Nhà hát giao hưởng. Ảnh: H.C.
Công viên 23/9, vị trí được cho là phù hợp nhất để xây dựng Nhà hát giao hưởng. Ảnh: H.C.

Theo ông Hòa, khu vực công viên 23/9 ở ngay trung tâm thành phố (đầu tiếp giáp với chợ Bến Thành, cuối công viên gần chợ Nguyễn Thái Bình), lại có không gian xung quanh khá rộng, quang đãng và là một trong những đầu mối giao thông (ga metro, xe buýt), trung tâm thương mại quan trọng của thành phố. "Không gian công cộng như thế rất thích hợp để xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch. Người dân có thể đến đây thưởng thức âm nhạc, dạo mát xung quanh khu quảng trường của nhà hát hay đến các trung tâm thương mại", ông Hòa nêu quan điểm.

Trước ý kiến lo ngại việc xây dựng nhà hát sẽ làm mất mảng xanh của thành phố, ông Hòa cho biết công viên 23/9 vốn không phải là một công viên cây xanh đúng nghĩa mà trước đây là ga xe lửa. Sau đó, một dự án của nước ngoài chiếm gần hết diện tích của công viên, nhưng sau đó họ rút lui nên thành phố mới cho phép trồng cây xanh để giữ đất.

Đồng quan điểm, KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP HCM cho biết, việc lựa chọn vị trí để xây dựng nhà hát giao hưởng đã được bàn bạc rất kỹ và lý tưởng nhất vẫn là ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Tuy nhiên, đợi khu đô thị này hoàn thành để xây thì còn rất lâu. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng nhà hát đã có cách nay hơn chục năm, nhạc cụ đều đã được chuẩn bị nên không thể chờ đợi thêm được nữa.

"Trước đây, thành phố chọn vị trí của công ty Xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn, quận 1) để xây nhà hát, nhưng khu đất này nhỏ quá, không phù hợp. Nếu xây dựng ở công viên 23/9 thì nhà hát sẽ được gắn kết với công viên chung nên sẽ rất thuận lợi. Vị trí này là phù hợp nhất trong tình hình hiện nay", ông Năm khẳng định.

Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhà hát sẽ là điểm nhấn cho cả khu vực nên phải xây dựng ở vị trí đẹp. "Khu vực công viên 23/9 nhà cửa xung quanh rất lộn xộn, nhiều nhà cao tầng và khá ồn ào. Điều này sẽ làm giảm giá trị của nhà hát", ông Sơn nói và cho biết có 2 vị trí lý tưởng để xây nhà hát và đều ở cạnh bờ sông là khu vực nhà máy đóng tàu Ba Son (quận 1) và khu Thủ Thiêm (quận 2).

Bộ mặt công viên 23/9 đang bị "xẻ" nhỏ bởi nhiều hoạt động, trong đó nhiều khu vực được trưng dụng làm bãi giữ xe máy và xe buýt. Ảnh: H.C.

Với khu Thủ Thiêm, KTS Sơn cho rằng, khu này mới bắt đầu được xây dựng nên sẽ phải chờ khá lâu. Song, chọn vị trí này cũng là một điểm mạnh vì nó sẽ thu hút dần các công trình trọng điểm, giúp Thủ Thiêm khởi động tốt hơn. Còn nếu cần làm gấp và tốn kém ít hơn thì có thể làm ở khu Ba Son vì nhà máy đóng tàu và cảng Sài Gòn đang chuẩn bị di dời. Khu vực này sẽ có cả quần thể văn hóa như bảo tàng Ba Son, nhà hát và quanh đó cũng nhiều công trình văn hóa... Về kết nối với bên ngoài, nhà hát đặt ở khu Ba Son sẽ có nhiều thuận tiện về mặt quy hoạch và kết nối với những khu vực khác như Thảo cầm viên, bến Bạch Đằng...

Cũng theo ông Sơn, nhà hát giao hưởng là công trình rất tinh tế về âm thanh nên việc cách âm phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nếu xây nhà hát ở công viên 23/9, mật độ giao thông khu vực này khá cao sẽ là một trở ngại lớn. "Người ta đang chơi một bản nhạc giao hưởng, chỉ cần một tiếng kèn xe cũng đủ làm hư cảm nhận âm nhạc cao cấp. Việc chọn một khu ồn ào xây nhà hát rồi thiết kế cách âm cũng giống như xây một cái nhà kiếng rồi mở máy lạnh thay vì dùng giải pháp chắn nắng", KTS Sơn chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress, một kiến trúc sư có thâm niên trong ngành kiến trúc cũng cho rằng không nên xây nhà hát giao hưởng ở công viên 23/9. Bởi với một đô thị đang phát triển, thiếu mảng xanh như TP HCM thì phải giải tỏa bớt công trình để làm mảng xanh, chứ không nên làm ngược lại. "Thành phố có quá ít công viên, khả năng giải tỏa các công trình để làm công viên là vô cùng khó. Khu đất trống này lâu nay đã dành cho mảng xanh thì nên giữ nguyên, xây nhà hát nơi khác sẽ hay hơn nhiều", vị KTS này đề nghị.

Tác giả: Hữu Công

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây