Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh kể lại giây phút giành giật sự sống trên tàu cá bị Trung Quốc bắn cháy cabin. Ảnh: Trí Tín. |
Trở về trên tàu cá bị Trung Quốc bắn cháy rụi cabin ở Hoàng Sa, thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (quê ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bảo, vẫn chưa dám tin mình và các ngư dân may mắn sống sót.
Lúc đó là bình minh ngày 20/3, vùng biển Hoàng Sa lặng sóng. Sau bữa ăn sáng đạm bạc, các ngư dân trên tàu cá của ông Bùi Văn Phải chia từng tốp bắt đầu ngậm dây hơi lặn biển khai thác hải sâm và các loại ốc biển ở khu vực gần đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngư dân Hùng và Lâm xung phong lặn xuống biển lúc 7h, mở đầu cho ngày lao động mới.
Chừng một giờ sau, mọi người bỗng thấy con tàu màu trắng xám (to gấp 9 lần tàu cá) của Trung Quốc bất ngờ áp sát, xua đuổi. Đoán có chuyện chẳng lành, các ngư dân vội kéo dây đưa anh Hùng và Lâm lên khỏi mặt nước. Thuyền trưởng Thạnh rồ máy tàu tìm hướng chạy. Tàu Trung Quốc rượt theo, chặn trước mũi tàu cá khoảng 30 mét.
"Đùng... đoàng! Sau 4 phát súng phụt ra từ tàu Trung Quốc, cabin tàu cá lửa cháy ngùn ngụt hơn 3 mét. Tôi hô to, anh em múc nước biển dập lửa kẻo chết chìm hết", thuyền trưởng Thạnh kể lại. Anh bảo hơn 22 năm hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, chưa bao giờ anh trải qua những giây phút hãi hùng như vậy. Lúc đó, anh Thạnh chạy vội lên cabin kêu mọi người cấp tốc dùng mọi vật dụng trên tàu múc nước biển chuyền lên dập lửa. Các ngư dân sau đó chia thành hai nhóm dùng xoong nồi, can nhựa, xô, thau... cúi rạp người bên mạn tàu múc nước đưa lên cho thuyền trưởng.
"Trong khoảnh khắc ấy, anh em chúng tôi sợ nhất là 4 bình gas dự trữ nấu ăn để trên cabin không chịu nổi sức nóng sẽ phát nổ. Nếu vậy thì tan xác cả tàu và mọi người", chủ tàu Bùi Văn Phải kể. Nghe thuyền trưởng Thạnh thét to 'có sống thì sống chung, chết thì chết chung', ai nấy đều hì hục múc nước đưa lên với hy vọng lửa tắt sớm thì còn có cơ may sống sót.
Hơn 30 phút nỗ lực dập lửa, 9 ngư dân kiệt sức, ai cũng ướt sũng, người đầy than tro đen nhẻm ôm nhau mừng vui mà nước mắt chảy dài. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi lương thực, thực phẩm, toàn bộ quần áo, ngư lưới cụ, điện thoại của các ngư dân. Ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Ngày 22/3, tàu cá của ông Phải đã trở về đến huyện đảo Lý Sơn an toàn.
Cabin tàu cá của ông Phải bị bắn cháy tan hoang ở vùng biển Hoàng Sa. 4 bình gas dự trữ trên nóc cabin tàu không phát nổ nên 9 ngư dân đã thoát chết. Ảnh: Trí Tín. |
Theo các ngư dân tàu ông Phải, đây không phải lần đầu tàu cá của họ bị tàu Trung Quốc uy hiếp, rượt đuổi vô cớ trên vùng biển Hoàng Sa. Trước đó, ngày 13/3, tàu cá của ông Phải và tàu của ông Dương Văn Giàu (trên tàu có 12 lao động quê ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) đang lặn tìm hải sản ở ngư trường truyền thống này cũng bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 262 và 263 dùng thế "gọng kìm" uy hiếp rồi dùng vòi rồng xịt vào mạn tàu. Sau nhiều giờ rồ ga chạy trên biển, hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mới thoát nạn.
Trao đổi với VnExpress, ông Phùng Đình Toàn, Phó chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi khẳng định, tàu của Trung Quốc bắn tàu cá của ngư dân địa phương vào ngày 20/3 không phải là lần đầu tiên. Trước đây, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc bắn, rượt đuổi. Cách đây khoảng 3 ngày, tàu cá của ông Phạm Phước ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cũng bị tàu Trung Quốc tịch thu 42 bộ bóng đèn hành nghề lưới nên phải bỏ ngang chuyến biển trở về.
Cũng theo ông Toàn, từ đầu năm 2013, gần 20 trường hợp tàu cá Quảng Ngãi hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc quấy rối, dùng vòi rồng gây vỡ kính, hỏng máy, bắn đạn lửa làm cháy tàu... gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân.
"Hành động này của Trung Quốc là phi nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam", ông Toàn nhấn mạnh và cho biết Hội Nghề cá Quảng Ngãi đã kiến nghị Hội Nghề cá Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam phản đối mạnh mẽ mọi hành động của Trung Quốc gây cản trở hành nghề hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Hôm 25/3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm "hành động sai trái và vô nhân đạo". Ông Nghị khẳng định, hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tác giả: Trí Tín
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc