'Chỉ tiểu thương mới quan tâm đến đổi tên nước'

Thứ hai - 27/05/2013 04:49 842 0
"Không cần đổi tên nước vì nếu đổi tốn kém trăm bề, tốn kém ngân sách rất lớn. Trong lúc khó khăn như này, đó là một gánh nặng rất lớn cho nhân dân", Phó giám đốc Công an Quảng Nam Phạm Trường Dân phát biểu.

Sáng 27/5, góp ý sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề tên nước, dù trong bản dự thảo trình Quốc hội, không có phương án thứ hai nào ngoài tên nước hiện tại.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, dù có ý kiến góp ý đổi tên nước nhưng đa số người dân thành phố nhất trí với tên nước hiện nay và như vậy là hợp lý. "Cũng có người phân tích yếu tố Xã hội chủ nghĩa chưa có hoặc đang có nhưng chưa rõ nét, nhưng rõ ràng đường lối này là nhất quán, chúng ta đang xây dựng đất nước theo định hướng này. Do vậy ý thức của người dân thành phố mà thống nhất tên gọi nước Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng thực tế chúng ta đang xây dựng", bà Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu sáng 27/5. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu sáng 27/5. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Huy Hùng nhìn nhận, tên nước hiện tại không gây cản trở sự phát triển, hội nhập. "Tên nước hiện nay đã đi vào cuộc sống, quen thuộc với người dân, bạn bè quốc tế, cần giữ để đảm bảo ổn định", ông Hùng nói.

Phân tích ở khía cạnh ngược lại, đại biểu Đào Văn Bình cho rằng, tên nước hiện tại phản ánh định hướng của Việt Nam. Nếu quay trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì dễ dẫn tới hiểu nhầm, không kiên trì con đường Xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, trở lại tên nước cũ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan con dấu, quốc huy, đổi tiền. "Trong bối cảnh hiện nay nếu đổi tiền sẽ thành loạn", ông Bình lập luận.

Trong khi đó, theo đại biểu Phạm Trường Dân, đa số người dân "không quan tâm tên nước như thế nào, chỉ một số tiểu thương quan tâm".

"Không cần đổi tên nước vì nếu đổi sẽ tốn kém trăm bề, tốn kém ngân sách rất lớn. Trong lúc khó khăn như thế này, đó là một gánh nặng rất lớn cho nhân dân. Tên hiện tại là một ấn tượng, dấu ấn rất lớn khi ra đời trong thời điểm thống nhất 2 miền Nam Bắc", Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam bày tỏ.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thủy lại nêu lên một luồng ý kiến khác. Theo bà, qua tiếp xúc cử tri và thảo luận tại Vĩnh Phúc, nhiều người bày tỏ mong muốn lấy lại tên và hầu như cuộc tiếp xúc nào cũng nói tới vấn đề này.

"Nói không sửa để khỏi tốn kém là không thuyết phục vì nếu đúng, cần thiết thì tốn kém cũng vẫn phải làm", bà Thủy nêu quan điểm và cho rằng, nếu giữ tên nước thì cần giải thích với cử tri một cách thỏa đáng, thuyết phục.

Sáng 27/5, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề trong bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, người dân rất quan tâm tới vấn đề thu hồi đất, bồi thường. "Lần này sửa Hiến pháp nên mạnh dạn quy định trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thì thu hồi đất, còn vì mục đích phát triển kinh tế thì trưng mua quyền sử dụng đất theo quy hoạch, tránh việc thu hồi đất tràn lan", ông Thiện nói.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Dung cho rằng, vấn đề thu hồi đất như trong điều 58 của dự thảo là chưa hòa toàn phù hợp. Nữ đại biểu này đề nghị nên trưng mua tài sản trên đất vì đất gắn với tài sản. "Phải trưng mua tài sản trên đất để thể hiện quyền sở hữu tài sản đó, vì quyền sở hữu này được Hiến pháp bảo hộ", bà Dung góp ý.

Đối với vấn đề hiến định các thành phần kinh tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị chọn phương án ba vì nếu chỉ nói kinh tế nhà nước chủ đạo thì dễ gây mặc cảm với các thành phần khác. "Nếu theo phương án một thì còn đâu nữa mà bình đẳng", bà Tiến bày tỏ. Quan điểm của bà Tiến được doanh nhân Đặng Thành Tâm và tiến sĩ Trần Du Lịch ủng hộ.

Ngày 3-4/6, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại hội trường. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Theo dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội, điều 54 đưa ra 3 phương án. Theo đó, Phương án 1 quy định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Phương án 2: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Tác giả: Nguyễn Hưng - Đoàn Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây