Câu cá đêm ở cảng biển

Thứ ba - 14/05/2013 23:45 1.031 0
"Cái cảm giác cá cắn cần rùng rùng dưới nước, mình vừa giỡn, vừa dụ để kéo lên bờ là sướng nhất. Ăn con cá do mình săn cũng không có gì khoái bằng", ông Hồ Anh Tuấn, 59 tuổi, nói về thú câu cá đêm của mình.

Mặt trời vừa khuất đèo Hải Vân, gần hai chục thợ câu mang theo đồ nghề gồm cần, máy tời cước, lưỡi, mồi… tiến về phía cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bắt đầu chuyến câu đêm. Có người cầu kỳ chế "bình lọc khí" bằng môtơ chạy pin để giữ những con mồi (cá tôm nhỏ) luôn tươi sống; hay gắn thêm đèn nhỏ lên đầu cần, buộc vào vài chuông nhỏ khiến nó phát ra âm thanh khi có lực tác động.

Mỗi thợ câu tìm một góc để thả mồi, mắt không rời phía đầu cần để đợi cá cắn câu. Ảnh: Nguyễn Đông
Mỗi thợ câu tìm một góc để thả mồi, mắt không rời phía đầu cần để đợi cá cắn câu. Ảnh: Nguyễn Đông

Soạn ba cần câu lắp vào máy tời, ông Tuấn bảo nhà ở phường Thanh Bình (Hải Châu), sau cả ngày phụ vợ bán hàng tạp hóa, ông lại xách cần sang cầu cảng. Đi câu cho vui nhưng ông Tuấn sắm gần 20 cần, mỗi chiếc giá trung bình 2 triệu đồng. "Ngốn cả đống tiền cho cần cầu, bà xã không cản nhưng nói đùa rằng ông đi câu nhớ mang cần về", ông Tuấn chia sẻ.

Mắc con tôm rảo còn nhảy tanh tách vào lưỡi câu, ông Tuấn hướng dẫn: "Mỗi loại cá thường dùng một loại cần, lưỡi và con mồi. Như cá hồng thì dùng mồi tôm sống, hay thịt cá nục nhỏ thái lát mỏng để câu cá hanh". Vung tay tung mồi câu xuống nước chừng 5 m, gác phần có máy tời cước lên thành cầu cảng, mắt ông Tuấn không rời đầu cần nơi có chiếc phao gắn điện sáng. Mỗi cần câu đặt cách nhau chừng vài mét để tránh khi cá cắn mồi kéo rê dưới nước sẽ quấn vào các dây câu khác.

Hướng mắt về phía thành phố ven biển lấp lánh ánh điện, cần thủ Nguyễn Long Vân (45 tuổi, Công ty Điện lực Đà Nẵng) bảo hiếm nơi đâu vừa đi câu vừa có cảm giác khoan khoái như ở cảng biển này. Cứ tan việc ở công ty, ông lại phóng xe máy gần 5 km đi câu đêm. "Câu đêm hên xui là chính, chứ ít có người sát cá", ông Vân nói.

Cách mắc cũng như mồi câu khá phong phú, có thể là tôm cá nhỏ còn sống hay dùng mồi câu bằng bột để dụ cá. Ảnh: Nguyễn Đông
Cách mắc cũng như mồi câu khá phong phú, có thể là tôm cá nhỏ còn sống hay dùng mồi câu bằng bột để dụ cá. Ảnh: Nguyễn Đông

Chiếc chuông nhỏ gắn tạm trên cần câu của ông Vân lắc mạnh. Biết cá cắn mồi, ông cầm nhẹ máy tời, kéo cước lên. "Con này nhỏ, chứ gặp cá lớn là nó vùng vẫy có cảm giác giật rừng rừng ở tay", ông Vân giải thích. Bằng những động tác chậm rãi đầy thận trọng, cần thủ này nhấc con cá nhỏ chừng bốn đầu ngón tay lên khỏi mặt nước, một tay giữ cần, tay còn lại dùng chiếc vợt lưới nhỏ đưa cá lên bờ.

Tìm một góc câu ngay sát bờ kè, anh Linh (36 tuổi, ở quận Sơn Trà) nói câu đêm giúp giải khuây và quan trọng hơn là… trốn nhậu. Không có tiền sắm đồ nghề, song biết anh mê câu cá nên bạn bè mua cần tặng. "Làm việc cho một công ty cao su trên địa bàn, hôm nào làm ca sáng là tối đến tôi lại vác cần đi câu đến 23h đêm mới về nhà. Nhiều hôm vợ không nói gì, nhưng khi có chuyện buồn là càm ràm dữ lắm. Nghe miết thành quen, nhưng vợ vẫn thích mình đi câu hơn là đi nhậu", người đàn ông có 15 năm đi câu thật thà.

Anh Linh cho biết, ngày trước nhiều người thường ra các bãi đá ở khu vực Bãi Bụt để câu. Nhưng nơi vắng vẻ cũng lắm hiểm nguy, sợ bị nhóm thanh niên quấy rối, hay trộm vặt nên gần đây hầu hết cần thủ chọn cầu cảng. Muốn có một vé câu ở đây phải làm thẻ qua cửa bảo vệ. Người câu nhiều nhưng mỗi người chọn một loại cá để buông câu nên không sợ "đụng hàng".

"Chiến lợi phẩm" của ông Vân sau một đêm đi câu chỉ là con cá nhỏ nhưng ông vẫn vui vẻ. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo các cần thủ, câu đêm ít ai nghĩ đến chuyện kiếm được nhiều cá mang bán. Cá thường theo nước, nhiều hôm trúng luồng thì được nhiều, nhưng có khi cả tuần cũng không nổi một con. Kinh nghiệm của họ là khi trời mưa, nước mát, cá cắn câu nhiều, bởi thế cánh thợ chẳng dại gì ở nhà.

"Cái cảm giác cá cắn cần rùng rùng dưới nước, mình vừa giỡn, vừa dụ cá dính câu để kéo lên bờ là sướng nhất", ông Tuấn bộc bạch và cho hay nhiều cá nhỏ hám ăn, mải ngậm mồi câu đến khi bị kéo lên bờ vẫn chưa chịu nhả. Những lúc đó hầu hết cánh thợ câu đều thả cá xuống, ráng đợi khi cá lớn mới bắt.

Theo ông Tuấn, nhiều người thuê thuyền đi câu ngoài biển mới bắt được cá lớn, còn thợ câu ở cảng biển này thường bắt được con nhỏ. "Tôi mới câu được con cá hồng nặng 3 kg. Có hôm trúng thì bắt được gần chục con tầm hơn 1 kg. Câu được cá lớn, anh em không mang bán mà đem về hấp, hay nướng cho vợ con ăn. Đôi khi cánh thợ câu rủ nhau đến nhà lai rai vài lon bia với cá biển. Không gì khoái bằng ăn con cá do chính tay mình săn được", ông tâm sự.

Tin liên quan:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây