Cách tạo cháy nổ trong phim của 'Phương khói lửa'

Thứ hai - 25/02/2013 06:19 783 0
Sử dùng lưu huỳnh, than, thuốc nổ... sau đó đấu dây với bình ắc quy để kích hoạt kíp nổ là cách mà nghệ sĩ Lê Minh Phương thường sử dụng tạo cảnh quay có cháy, khói. Cả gia đình ông đã tử nạn sau tiếng nổ lớn sáng 24/2.

Bất ngờ khi cả nhà nghệ sĩ "Phương khói lửa" cùng nhiều người khác tử nạn trong vụ nổ sập nhà sáng 24/2, đạo diễn - chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascader Quốc Thịnh cho biết, đã hợp tác với ông Phương từ năm 2003. Công việc đa phần là liên quan đến những cảnh quay cháy nổ nhưng chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Theo đạo diễn Quốc Thịnh, để thực hiện cảnh quay có hình ảnh này, ông Phương sẽ mang một số loại chất nổ đến hiện trường. Sau đó, đạo diễn phim sẽ quyết định vị trí đặt nổ, còn việc thực hiện như thế nào là do nghệ sĩ phụ trách khói lửa. Thông thường ông Phương sẽ sử dụng các chất như lưu huỳnh, than, thuốc súng... sau đó nối dây từ vị trí gây nổ với bình ắc quy để kích hoạt tạo nên vụ nổ. Nguồn gốc của những vật liệu này, ông Phương lấy ở đâu thì vị đạo diễn này không nắm được.

Vụ nổ được xác định xuất phát từ nhà ông Phương. Ảnh: Quốc Thắng.

"Trên phim trường, lượng chất nổ mà anh Phương sử dụng rất ít, thường chỉ ở mức độ cách xa 3 đến 4 m là đã đảm bảo đủ độ an toàn", anh Thịnh nói. Vị đạo diễn này cũng nhìn nhận "vụ nổ xảy ra tại nhà của anh Phương có thể do lượng chất nổ lớn, trong một không gian chật hẹp của gia đình nên sức công phá mới lớn như vậy".

Còn theo cô con gái của Phan Thị Kim Sang - vú nuôi gắn bó hơn 10 năm với gia đình, trong nhà ông Phương có một phòng riêng biệt chuyên để đạo cụ, thiết bị sử dụng trong việc tạo cảnh cháy nổ cùng với máy quay... Phòng chứa này nằm giữa phòng khách và phòng bếp ở tầng trệt.

Sống với gia đình ông Phương một thời gian dài, cô gái này cho hay, căn phòng này ông Phương không cho phép ai bước vào. "Ai cũng biết đây là phòng cậu Phương đựng các đồ dùng cho công việc làm phim nên mọi người trong nhà đều tự ý thức không bao giờ đụng tới. Cũng không ai biết được là trong phòng làm việc của chú có chứa chất nổ", cô gái cho hay.

Nguyên nhân chính thức của vụ nổ làm sập nhiều căn nhà khiến 10 người chết đang được cơ quan công an điều tra, tuy nhiên tại nhà nghệ sĩ này có trữ những loại vật liệu cháy nổ. Lực lượng cứu hộ đã phát hiện tại nhà ông một số đạn mã tử, vỏ đạn (đã tháo thuốc) cùng các đạo cụ như súng, lựu đạn.

Một cảnh khói lửa trong phim do ông Phương thực hiện.

Theo công an TP HCM, ông Phương là giám đốc Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt, được Sở Kế hoạch - đầu tư TP cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giải trí nhưng nghề nghiệp lại là dàn dựng hiện trường khói lửa cho các hãng phim. "Việc để chất nổ ở khu dân cư như vậy là sai. Hành vi ông này đã có biểu hiện vi phạm pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ", Chánh văn phòng công an TP Lê Anh Tuấn nói.

Liên quan đến việc sử dụng các hóa chất gây cháy nổ làm đạo cụ, vũ khí khi đóng phim, đạo diễn Nguyễn Phước cho hay, các chuyên viên khói lửa làm việc cho đoàn phim thường tự mua hóa chất gây nổ tại địa phương mà đoàn phim lưu lại để về pha trộn phục vụ cho công việc. "Việc pha trộn này đòi hỏi phải cực kỳ cẩn trọng và tỉ mỉ bởi vì chỉ chất một chút sơ sẩy nhỏ như khi TNT gặp lưu huỳnh thì có thể gây phát nổ dẫn đến hậu quả khôn lường", ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, hiện tại, do lực lượng của các chuyên viên phụ trách khói lửa trên phim trường còn khá mỏng nên khi không tìm được người, các đoàn phim thường đến liên hệ với các đơn vị quân đội xin hỗ trợ các cảnh quay này.

Còn việc tiến hành thực hiện những cảnh quay trên phim trường, tùy theo mức độ là đại cảnh hay tiểu cảnh đoàn phim sẽ phải cử chủ nhiệm chuyên viên về mảng khói lửa xin phép địa phương có bối cảnh được quay, và xin phép đơn vị quân đội nơi đoàn phim thực hiện. Nếu chỉ là tiểu cảnh thì xin phép từ huyện đội, thành đội hay quân khu, đơn vị quân đội nơi đoàn làm phim để đơn vị quân đội cử thêm một chuyên viên ở đơn vị của họ tư vấn và giám sát thêm quá trình thực hiện, liều lượng thuốc nổ như thế nào cho phù hợp để tránh gây sát thương.

"Nếu là đại cảnh có cả xe tăng, thiết giáp, máy bay thì cần chủ nhiệm và chuyên viên làm công văn gửi lên Bộ quốc phòng, khi được sự đồng ý thì cũng cần có người bên quân đội hỗ trợ, tư vấn về mặt chuyên ngành", ông Phước thông tin.

Về quản lý chất nổ trong quá trình quay phim, đạo diễn Tường Phương - người làm nhiều bộ phim có sử dụng các cảnh quay khói lửa cho biết, thường thì chuyên viên cháy nổ phải đảm bảo mọi khâu từ quản lý, cất giữ dùng liều lượng chất nổ như thế nào. Đạo cụ là chất nổ, vũ khí khi di chuyển chung với đoàn phim đều phải hết sức cẩn thận, được chở bằng xe riêng và chuyên viên chịu trách nhiệm giữ gìn chúng.

>> Khởi tố vụ nổ sập nhà làm 10 người chết
>> Đêm định mệnh cướp 10 sinh mạng ở Sài Gòn

Bình Nguyên - Chi Mai

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây