Bộ trưởng Y tế: 'Giải quyết quá tải bệnh viện phải từ từ'

Thứ hai - 27/05/2013 23:15 961 0
Khẳng định Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để giảm tải tại các bệnh viện trung ương, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định trong bối cảnh đất nước còn nghèo, việc giải quyết cần thời gian.

Bên lề cuộc họp tổ của các đại biểu Quốc hội ngày 27/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao đổi về vấn đề giảm tải bệnh viện vốn được người dân quan tâm.

- Từ nhiều kỳ họp trước, cử tri rất bức xúc về tình trạng giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng đã trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề này. Từ đó đến nay, tình trạng này đã được giải quyết ra sao?

- Chúng tôi đã triển khai nhiều chứ. Thời gian qua, Bộ Y tế đã khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế, ví dụ cơ sở 2 của Bệnh viện K ở Tân Triều (Hà Nội), Bệnh viện Nội tiết cơ sở 2 ở Thanh Trì, mở rộng khoa khám bệnh tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai… Các cơ sở này đã tạo sự khác biệt so với cơ sở cũ, điều kiện khám chữa bệnh rất rộng rãi.

Chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh thành phố về các chuyên khoa đang quá tải trầm trọng như ngoại chấn thương, tim mạch, ung bướu, sản và nhi) để giảm tải. Khi hoàn thành, bệnh viện tuyến tỉnh sẽ làm tốt công nghệ hiện nay của bệnh viện tuyến trên, tương đương như Bạch Mai, Việt Đức chẳng hạn, bệnh nhân ung bướu, tim mạch, chấn thương các tỉnh sẽ ít phải lên tuyến trên hơn, chắc chắn sẽ giảm tải rất tốt. Song việc này cần có thời gian.

Cùng với đó, tuyến trên cũng phải mở rộng xây thêm bệnh viện nữa, đơn cử như Hà Nội, từ lúc giải phóng đến nay mới chỉ xây thêm được Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Phụ sản. Trong khi đó, dân số thì tăng gấp đôi, vì thế quá tải là chắc chắn. Số giường bệnh/bệnh nhân của Việt Nam là rất thấp, chỉ 22,5, trong khi của các nước là 40-80-150.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp tổ ngày 27/5. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Nếu cử tri yêu cầu cam kết của Bộ trưởng đến thời điểm nào có thể khắc phục được tình trạng quá tải thì Bộ trưởng sẽ trả lời thế nào?

- Câu hỏi đó phải dành cho Nhà nước. Chúng tôi rất chia sẻ với bức xúc của cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với nỗi đau của bệnh nhân, của nhân dân phải chịu cảnh nằm ghép, chờ đợi lâu. Tôi cũng biết trong tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 này, cử tri rất bức xúc với vấn đề giảm tải bệnh viện, trong đó có yêu cầu Nhà nước tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế.

Nhưng giải quyết quá tải bệnh viện phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ngành y tế không thể một mình làm nổi. Bộ Y tế không có tiền xây bệnh viện, không có tiền mua trang thiết bị, trong khi ngân sách thì bị cắt giảm, giá dịch vụ y tế thì suốt 17 năm không cho tăng. Vừa rồi có tăng nhưng chỉ tăng được 4/7 yếu tố chi phí trực tiếp, còn các khoản khấu hao tài sản, lương bác sĩ, đầu tư xây dựng cơ bản đều chưa được tính.

- Trong khi thụ động chờ nguồn vốn ngân sách để xây dựng bệnh viện, ngành y tế có sáng kiến nào để huy động đầu tư từ nguồn xã hội hóa nhằm giảm tải nhanh hơn?

- Vừa rồi chúng tôi trình cơ chế điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Giá dịch vụ y tế thực chất không phải dành để xây dựng, vì đó mới chỉ tính vào 4 trong 7 chi phí trực tiếp. Nhưng vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hầu hết giám đốc các bệnh viện đều dành những khoản tiền chi phí để mở rộng thêm khoa khám bệnh. Thể hiện rõ ở nhiều nơi hiện nay, khoa khám bệnh được kê thêm ghế ngồi, thực hiện khám bệnh điện tử để giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, mua thêm giường bệnh.

- Bộ Y tế có kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu để có vốn xây dựng thêm các bệnh viện, tương tự như Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội phát hành trái phiếu để làm quốc lộ 1A?

- Hiện nay trong bối cảnh đất nước còn nghèo, dự án quốc lộ 1A phải ưu tiên làm. Còn trong lĩnh vực y tế, Chính phủ cho biết sẽ đề nghị Quốc hội cho cơ chế này để làm, còn được chấp thuận hay không thì chưa biết.

Có một khó khăn là vừa qua do kinh tế suy thoái nên nhiều dự án xây dựng bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh phải dừng lại do không được cấp đủ vốn. Bệnh viện tuyến tỉnh chỉ được cấp khoảng 30%, còn bệnh viện tuyến huyện chỉ khoảng 80%. Tổng thể chỉ được 50%, tuyến trung ương thì chưa được bố trí.

- Người dân bức xúc quá tải bệnh viện vì đó là khởi đầu phát sinh hiện tượng phong bì” làm chi phí chữa trị đội lên cao và y đức của lương y thì méo mó. Bộ trưởng có giải pháp nào mạnh mẽ hơn?

- Tôi hiểu những bức xúc đó, nhưng giải quyết thì phải từ từ. Hầu hết các nước đều thiếu bác sĩ chứ không riêng Việt Nam. Hiện Chính phủ đã có quy định về nghĩa vụ luân phiên, bác sĩ nam - nữ đều phải về cơ sở 6-12 tháng; bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi xung phong tình nguyện về cơ sở từ 2-3 năm thì được hưởng rất nhiều quyền lợi. Dần dần sẽ bảo đảm được lượng bác sĩ luân phiên, còn hiện nay với cơ chế thị trường, rất khó để kêu gọi bác sĩ về cơ sở công tác.

Bộ Y tế hy vọng quy định về nghĩa vụ xã hội tới đây khi được thực hiện sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải (lần lượt các bác sĩ tuyến trên sẽ phải về làm việc ở tuyến dưới từ 6-12 tháng). Cộng với mạng lưới bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình... tôi tin là sẽ giảm tải được, nhưng phải có bước tiến dần dần.

Nguyễn Hưng ghi

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây