- Tại sao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận phương án làm cầu vượt trên vành đai 1 qua Đàn Xã Tắc mà không đi trên tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng?
- Năm 2012, chúng tôi nhận được 5 phương án kiến trúc xây dựng cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa của Hà Nội. Bộ Văn hóa đã thống nhất chọn ra phương án 2C1 vì ảnh hưởng ít nhất đến Đàn Xã Tắc, đảm bảo giao thông, hạn chế tối đa đền bù giải tỏa qua nút Ô Chợ Dừa.
Qua phân tích của ngành giao thông, chúng tôi thấy rằng lưu lượng giao thông chính là nằm từ phía Xã Đàn sang Đê La Thành, cũng là tuyến chính vành đai 1. Còn từ Tôn Đức Thắng đi xuống Nguyễn Lương Bằng lưu lượng ít hơn, bề rộng đường không đảm bảo để xây cầu và ảnh hưởng tuyến giao thông từ Khâm Thiên vào nút Ô Chợ Dừa. Vì vậy, xây cầu vượt qua Xã Đàn sang Đê La Thành là phù hợp nhất.
Khi đã xác định hướng tuyến, chúng tôi xem xét phương án xây dựng cầu có ảnh hưởng Đàn Xã Tắc hay không. Qua bản đồ và thực tế, phương án cầu đã tránh tối đa việc xây dựng qua không gian Đàn Xã Tắc. Cầu vượt sẽ đi chính giữa đường cũ mà chúng ta đang đi từ năm 2007 đến nay, mố cầu ra ngoài khu bảo vệ di tích nên không ảnh hưởng các tầng văn hóa, hiện vật. Chúng tôi thấy rằng phương án này khả thi, Bộ Văn hóa cũng đồng ý.
- Khi xây dựng, móng cầu có thể phá hủy các tầng di tích còn chưa phát lộ tại đây, ông nghĩ sao về khả năng này?
- Qua đợt khai quật năm 2006 chúng ta mới biết có dấu vết của Đàn Xã Tắc, thấy đâu đó nền móng, gạch lát sân, hiện vật nằm rải rác, cho thấy Đàn Xã Tắc không còn nguyên vẹn hình hài, chưa biết trung tâm đàn ở đâu. Có thể người dân xây dựng nhà cửa trong quá khứ tại khu vực này đã làm ảnh hưởng di tích. Do vậy, phương án bảo tồn nguyên vẹn Đàn Xã Tắc là rất khó nên chúng ta phải lưu trữ bằng hiện vật, hình ảnh.
Chúng tôi cũng lo ngại việc làm hư hỏng các hiện vật nếu có trong lòng đất, nên yêu cầu trong quá trình thi công phải có giám sát của cơ quan văn hóa, phát hiện hiện vật cổ thì đưa về bảo tàng để bảo vệ lâu dài.
Phối cảnh cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa, Đàn Xã Tắc. Ảnh: ĐL |
- Ông nghĩ gì khi có nhà văn hóa cho rằng xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc nghĩa là "đi trên đầu các cụ"?
- Phạm vi của Đàn Xã Tắc là khá rộng, giới hạn từ Đê La Thành, Khâm Thiên, Xã Đàn, Kim Liên. Khu vực di tích được khoanh vòng chỉ là một phần rất nhỏ. Hiện đã có rất nhiều công trình giao thông, nhiều hộ dân nằm trên khu vực này.
Năm 2007, khi xây dựng đường vành đai 1, ý kiến tâm linh "đi trên đầu các cụ" đã được xem xét, nhưng xét thấy trong bối cảnh chung cần phải hài hòa với phát triển giao thông nên các nhà khảo cổ đã thống nhất cho xây dựng đường trên khu di tích. Và sắp tới cầu sẽ đi trên khoảng không và đi trên tuyến đường hiện có.
- Trong quá khứ, Đàn Xã Tắc rất được coi trọng, còn hiện các nhà bảo tồn đánh giá thế nào về di tích này?
- Năm 2006, các nhà khảo cổ đã lựa chọn khu vực để khảo cổ về khả năng là trung tâm Đàn Xã Tắc. Năm 2007, khi làm đường vành đai 1, các nhà quản lý và một số nhà khoa học đã thống nhất lấp một phần hố khai quật khảo cổ để xây dựng đường Kim Liên mới và giữ lại một phần của Đàn Xã Tắc, chính là đảo giao thông trồng cỏ bây giờ. Để bảo vệ di tích, Hà Nội đã phủ lớp vải địa kỹ thuật trên lớp khảo cổ, phủ cát lên trên để bảo vệ lớp khảo cổ bên dưới.
Trước đây từng có nhiều đề xuất, như đưa một số đàn bằng đá tế trời đất trong khu di tích nào đó vào đây để tái hiện, song chúng tôi cho rằng không phù hợp, nên Hà Nội chỉ đặt tảng đá ghi địa điểm. Trong tương lai có thể sẽ có một tấm bia hay tấm biển ghi lịch sử của Đàn Xã Tắc và Thăng Long Hà Nội.
Theo tôi, di tích cần được bảo tồn và phát huy, không nên để nó chỉ là một đảo giao thông bình thường. Bộ Văn hóa cũng đã trao bằng chứng nhận là di tích lịch cấp quốc gia cho Đàn Xã Tắc.
- Hà Nội thiếu quy hoạch khảo cổ nên chủ đầu tư thường gặp khó khăn khi xây dựng các công trình, vậy giải quyết việc này thế nào?
- Hà Nội là một di tích, để làm quy hoạch khảo cổ rất khó, cần có thời gian chứ không thể làm ngay. Quy hoạch khảo cổ liên quan đến nhiều vấn đề như đất đai, kinh phí khai quật, khoanh vùng cắm mốc giới bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, chính quyền còn phải giải quyết hiện trạng lịch sử như nhà dân đã tồn tại trong khu vực, nếu phát hiện khảo cổ thì dân cư sẽ phải dời đi, giải quyết hiện trạng này không đơn giản.
Tuy nhiên, việc làm quy hoạch khảo cổ vẫn tiến hành theo giai đoạn và theo từng địa phương. Luật di sản đã nêu rõ các tỉnh thành phải lập di sản khảo cổ. Tôi được biết Hà Nội đã có nhiều đề án bảo tồn di sản, trong đó có danh mục các hiện vật, công trình, biệt thự cổ phải bảo tồn. Đây có thể là một trong nhiều cách bảo tồn.
Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội. Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, Đàn tình cờ được các nhà khảo cổ phát hiện vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. |
Đoàn Loan thực hiện
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc