45 năm tìm nhân vật trong ảnh thảm sát Mỹ Lai

Thứ ba - 19/03/2013 01:31 810 0
Với quan niệm một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn, suốt 45 năm qua, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai, luôn đau đáu tìm gặp những nhân vật sống sót trong ảnh.
Suốt 45 năm qua, lúc nào ông Ronald Haeberle cũng đau đáu, day dứt về bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Trí Tín.
Suốt 45 năm qua, lúc nào ông Ronald Haeberle cũng day dứt về bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Trí Tín.

Sáng 18/3, ngồi trầm ngâm ở một quán cà phê bên dòng sông Trà (Quảng Ngãi), Ronald tâm sự, những năm qua ông day dứt mãi về bức ảnh người anh che đạn cho em trong vụ thảm sát Mỹ Lai sáng 16/3/1968. "Với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường, bằng mọi giá tôi đi tìm sự thật nhân vật trong bức ảnh này là ai, họ còn sống hay đã chết. Khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn", ông nói.

Lần thứ hai trở lại vùng quê Sơn Mỹ, trong thời gian ngắn 3 ngày, ông về thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) tìm gặp lại những nhân chứng sống sót nhằm thu thập thêm thông tin về nhân vật trong vài bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai. Chỉ tay vào hai bức ảnh màu in trên khổ giấy A4, ông Ronald kể, buổi sáng hôm ấy ông chụp tất cả 40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu. Trong đó, không hiểu sao có hai bức ảnh màu ông chụp nhưng lại được chú thích đứa trẻ mang tên Trương Năm ở hai bối cảnh khác nhau.

"Một Trương Năm bị bắn chết nằm bên ông Trương Nhị và cũng bé trai Trương Năm này lại ở trong bức ảnh người anh che đạn cho em trên đường làng. Điều này là vô lý, chú thích ảnh hoàn toàn không đúng sự thật. Qua thu thập thông tin, đối chứng, hiện chưa có đầy đủ bằng chứng về bức ảnh người anh che đạn cho em, nhưng tôi tin tưởng đó chính là Trần Văn Đức và Trần Thị Hà, hai nạn nhân còn sống sót", Ronald khẳng định.

Bức ảnh màu do Ronald chụp trong vụ thảm sát có chú thích ảnh đứa bé Trương Năm nằm bên ông Trương Nhị và Trương Thị Sáu. Ảnh: Trí Tín.
Bức ảnh màu do Ronald chụp trong vụ thảm sát có chú thích ảnh đứa bé Trương Năm nằm bên ông Trương Nhị và Trương Thị Sáu. Hiện bức ảnh này có chú thích là "Hai cha con ông Trương Nhị" đang trưng bày ở Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai còn nhớ thời điểm chụp hai bức ảnh màu này vào khoảng 8h30 sáng 16/3/1968, hai vị trí cách nhau khoảng 50 mét, thời gian chụp cách nhau khoảng 3 phút ở thôn Tư Cung, làng Sơn Mỹ.

Quay lại Sơn Mỹ lần đầu tiên vào tháng 10/2011, Ronald đã quyết định tặng 17 tấm ảnh màu và 30 ảnh trắng đen còn lại trong vụ thảm sát Mỹ Lai cho tỉnh Quảng Ngãi. Hiện tại Bảo tàng khu chứng tích Sơn Mỹ mới trưng bày khoảng 13 tấm ảnh về vụ thảm sát đau thương này.

Kể từ sau vụ thảm sát Mỹ Lai, cậu bé Trần Văn Đức khi đó được các tổ chức nhân đạo đưa ra nước ngoài sinh sống. Phải mất nhiều năm, qua các kênh truyền hình quốc tế, tạp chí và Facebook, anh Đức mới tìm được địa chỉ của Ronald Haeberle ở Mỹ và mời ông trở lại Sơn Mỹ vào tháng 10/2011. Gặp lại Đức, nỗi ám ảnh chiến tranh của Ronald giải tỏa đi nhiều và ông quyết cùng cậu bé sống sót ngày ấy trở lại Việt Nam.

"Tôi đã tặng Đức chiếc máy ảnh Nikon F và những bức ảnh chưa từng công bố về vụ thảm sát Mỹ Lai như lời xin lỗi với những nạn nhân sống sót, người dân ở vùng đất đau thương Sơn Mỹ", Ronald bộc bạch.

Bức ảnh người anh che đạn cho em được chú thích là Trương Bốn che đạn cho Trương Năm trên đường làng trong buổi sáng 16/3/1968. Ảnh: Trí Tín chụp lại.
Bức ảnh người anh che đạn cho em được chú thích là Trương Bốn che đạn cho Trương Năm trên đường làng trong buổi sáng 16/3/1968 hiện tại đã sửa lại chú thích là "Người anh che chở cho em" hiện trưng bày ở Bảo tàng Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bảo tàng Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết, chú thích của hai tấm hình đã được thay đổi thành "Người anh che đạn cho em" và "Hai cha con ông Trương Nhị". Có sự thay đổi này là vì trong một lần Trần Văn Đức về thăm quê đã đưa em gái Trần Thị Hà đến bảo tàng. Họ phản ánh bức ảnh "Người anh che đạn cho em" chính là anh em họ.

"Trong khi chờ xác minh thêm, ngày 1/6/2011, chúng tôi tạm sửa chú thích của bức ảnh từ nội dung "Anh Trương Bốn đang che đạn cho em là Trương Năm nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết" thành "Người anh che đạn cho em", đại diện bảo tàng nói.

Còn TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho rằng, hiện tại vẫn chưa xác minh rõ tên nhân vật bức ảnh "Người anh che chở cho em". Trước đây, tạp chí Life chú thích tấm ảnh này là "Người anh che chở cho em tuy nhiên cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết". Nhưng sau khi đưa ảnh về trưng bày, Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ đã đi xác minh thì người dân địa phương cho rằng đó là hai đứa trẻ Trương Bốn và Trương Năm.

Về việc ông Ronald công bố bức ảnh về nhân vật bé Trương Năm trong bối cảnh khác (lính Mỹ bắn chết nằm bên ông Trương Nhị và Trương Thị Sáu), TS Vũ cho rằng cần đưa bức ảnh này về xã Tịnh Khê để thu thập, dò hỏi thông tin thêm từ người dân địa phương để xác định tên, tuổi nhân vật trong ảnh cho chính xác. "Khi xác minh rõ ràng tên nhân vật trong hai bức sẽ chỉnh sửa chú thích cho phù hợp với bối cảnh lịch sử", TS Vũ nhấn mạnh.

Trí Tín

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây