Kết cấu như sitcom của thế giới
Format của series truyền hình có kết cấu như loại hình sitcom (hài kịch tình huống) của thế giới. Gặp nhau để cười là một series gồm nhiều số. Một số gồm 2 phim. Mỗi phim dài khoảng 10 tập. Mỗi số có độ dài 45 phút, gồm 2 phim ngắn, mỗi phim 23 phút. Sau 10 tập series sẽ được đổi đề tài.
Trong giai đoạn đầu, mỗi số có hai phần xoay quanh hai chủ đề: Hàng xóm láng giềng và Việc làm. Đúng như tên gọi, chủ đề Hàng xóm láng giềng kể những câu chuyện quan hệ hàng xóm láng giềng, những xung đột trong đời sống thường nhật giữa hai cặp vợ chồng như chuyện ghen tuông lẫn nhau, chuyện sinh hoạt trong gia đình, chuyện mất con gà, lạc con chó, giành nhau từng cm hàng rào, chuyện trâu buộc ghét trâu ăn… Sự hài hước của câu chuyện chủ yếu là những câu thoại, những cử chỉ gây cười và những tình huống dở khóc dở cười.
Phần thứ hai mang chủ đề Việc làm. Chuyện xoay quanh ba nhân vật chính là những nông dân từ miền quê lên thành phố để kiếm kế sinh nhai. Họ làm đủ các loại nghề để kiếm cơm như thầy lang, bán dạo, cò mồi, đánh giày, xem bói... Chính vì nhiều nghề mà chẳng nghề nào ra hồn mà các nhân vật chính luôn phải nói dối về năng lực của mình và thường xuyên rơi vào nghịch cảnh, từ đó làm bật ra những câu nói, những tình huống tức cười. Xen vào câu chuyện kiếm sống là những câu chuyện rất đời khác khắc hoạ muôn màu cuộc sống ở cả nông thôn lẫn đô thị phồn hoa.
“Để giúp khán giả dễ theo dõi, các câu chuyện hài được kết cấu thành bộ” - đạo diễn Khải Hưng, Giám đốc hãng phim KH, từng nổi tiếng với Gặp nhau cuối tuần, cho biết - “Mỗi tập hài là một tình huống, nó không đòi hỏi tính lô-gíc cao nhưng khá xuyên suốt về nội dung, gần với phim sitcom của thế giới”.
Bật mí về nội dung phần 1, nhưng đạo diễn Khải Hưng xin phép giữ bí mật cho nội dung các phần tiếp theo.
Những cái tên nổi bật
Trong số các diễn viên ở phần Hàng xóm láng giềng đáng chú ý có các tên tuổi là Quang Thắng, Chiến Thắng, Phạm Bằng và Vân Dung thủ vai. Nổi bật nhất là Quang Thắng và cái mũi to đùng và lối nói lè nhè đặc trưng của anh. Không kém cạnh là Chiến Thắng với lối đặt vần lục bát “không lẫn vào đâu” của mình chẳng hạn như “Hỏi cung thì phải dùng roi / Đánh cho một trận mới lòi cái hư”.
Chủ đề Việc làm kể những câu chuyện liên quan đến 3 nhân vật làm thuê được thủ vai bởi Quang Thắng và Giang Còi, và đặc biệt là danh hài miền Bắc Công Lý.
Điểm nhất lớn nhất là các màn diễn xuất của Công Lý. Anh gây ấn tượng mạnh với những động tác mặt khôi hài, lối bật hơi rất “trúng”, cùng với những ngôn ngữ cơ thể hợp lý, và đặc biệt là những câu thoại sắc lem lẻm và bất ngờ khiến người xem không nhịn được cười. Anh khiến người xem bật cười khoái chí với những câu nói như “cặp môi như cá dọn bể” (làm người ta nhớ đến câu “lốp căng” bất hủ của anh)... Người xem cũng khó nhịn được cười khi xem anh vào vai một thầy lang băm hay một người bán dạo.
Giang Còi cũng nhập cuộc "ngọt" không kém. |
Tác giả: Lam Sơn
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc