Thanh Bùi: Tôi muốn làm 'thịt kho'!

Thứ năm - 07/06/2012 01:09 5.318 0

Ca sĩ Thanh Bùi -  Ảnh: Gia Tiến

Ca sĩ Thanh Bùi - Ảnh: Gia Tiến
Một trung tâm dạy nhạc riêng dành cho trẻ tại Việt Nam sẽ được mở cửa vào ngày 1-7. Đây là dự án được ấp ủ lâu nay của ca sĩ Việt kiều Úc Thanh Bùi.

Đến chỗ hẹn với áo thun trắng, quần ngố trẻ trung, gương mặt có vẻ... gầy hơn trước, ca sĩ Thanh Bùi (Bùi Vũ Thanh) mở đầu câu chuyện một cách rất tự nhiên: “Không thể tưởng tượng được Thanh hồi xưa đâu: đeo mắt kính dày cộp tới 4 độ, răng hô kinh dị, nặng 95kg và mặc quần size 36, khi mình nhìn vào gương và nói: Tôi muốn trở thành ca sĩ! Tự mình nhủ với mình chắc mình bị... khùng!”. Thế nhưng Thanh Bùi đã khẳng định ước mơ của một ca sĩ Việt nơi đất khách quê người, vào top 8 cuộc thi thần tượng âm nhạc của nước Úc năm 2008, rồi đi đi về về giữa Úc và Việt Nam.

Đến một ngày, ngồi giữa thênh thang phố phường trời Tây, bỗng dưng những âm thanh xe cộ chen chúc nhau của một Sài Gòn tấp nập, chật chội cứ ong ong trong đầu làm Thanh da diết nhớ... Nhớ hơn cả là cảm giác... ung dung băng qua đường mà không sợ...chết khi lần đầu tiên bước chân ra phố Sài Gòn. Bao nhiêu nhung nhớ ấy đủ lớn để anh góp nhặt và đi đến một quyết định “to đùng”: “Về thôi!”, bỏ ngoài tai cả những lời mời mọc hấp dẫn. Và quyết định ấy đã kéo theo những ấp ủ thầm lặng mà anh đang rút ruột gan biến chúng thành sự thật ở một thị trường âm nhạc còn đầy bấp bênh như Việt Nam.

* Dạo gần đây, anh kết hợp với những ca sĩ tên tuổi trong khu vực châu Á (như Tata Young của Thái Lan) hát và phủ sóng các ca khúc do chính anh viết trên các kênh quốc tế như Channel V, MTV Asian... Chắc hẳn anh đang có nhiều kỳ vọng từ những sự hợp tác này?

- Tại sao không, khi VN đang là một thị trường quá béo bở! Không thiếu những nhà sản xuất lớn trên thế giới từng nói với tôi họ có quan tâm đến VN - thị trường có số đông dân số trẻ, thích nghe nhạc trẻ. Nhưng họ không biết “vào” bằng cách nào. Đây là một trong những cách mang âm nhạc của Việt Nam đến gần với họ hơn. Trước mắt, tôi muốn kết hợp với những ngôi sao châu Á có tên tuổi, dù gì thì văn hóa và âm nhạc của họ cũng gần gũi và tương đồng ít nhiều với chúng ta. Chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, khi tôi chuẩn bị xong phòng thu âm đạt chuẩn quốc tế, mọi người sẽ thấy những sự kết hợp này rõ ràng và liền mạch hơn.

* Cá tính ở thị trường nhạc Việt vẫn được xem là thứ quý hiếm, hầu như không thể tìm ra trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân, theo anh, là từ đâu?

- Có lẽ là vì khái niệm ca sĩ của chúng ta dễ dãi quá. Ở nước ngoài ca sĩ đồng nghĩa với việc: bạn biết hát và phải hát ổn, bạn biết chơi và phải chơi giỏi một vài nhạc cụ, bạn biết nhạc lý và phải biết dùng nốt nhạc đó để sáng tác, tự viết ca khúc cho mình. Còn ở VN, tôi thấy bất công một điều: người muốn làm bác sĩ, luật sư thì phải học 5-7 năm, ra trường thực tập khốn khổ mà chưa chắc đã làm được, trong khi muốn trở thành ca sĩ có khi chỉ cần học vài tháng là xong. Làm sao bạn có thể tồn tại với một cái nghề nếu như bạn không có nền tảng, không thật sự chuyên nghiệp về nó.

* Thời gian ở Úc, anh đã có trong tay hai cơ sở dạy nhạc dành cho trẻ nhỏ, một ở Sydney, một ở Melbourne. Hơn nửa năm qua lại nghe nói “thầy Thanh” bạc đầu vì Việt hóa giáo trình dạy nhạc cho phù hợp với trẻ nhỏ VN. Tin anh sắp có một trung tâm dạy nhạc riêng dành cho trẻ tại VN, dù vậy hơi bất ngờ. Có thể hình dung nó giống một... nhạc viện thu nhỏ không?

- Ồ, dĩ nhiên là không! Tôi gọi Soul Academy là một không gian âm nhạc sáng tạo, một sân chơi để... dụ con nít đến chơi với tôi sau mỗi buổi học của chúng. Nhạc viện nghe có chút gì đó hơi hàn lâm, mà không gian nhạc của tôi thì không hàn lâm chút nào. Trẻ nhỏ bước vào và chúng sẽ thấy “Woaaa! So cool (Tuyệt quá!). Chúng sẽ có những phòng học nhạc với tên gọi rất “kêu”: phòng màu đỏ (phòng đam mê), phòng màu vàng (phòng sáng tạo)... và đến đây là để đàn hát với thầy cô. Chúng sẽ được dạy chơi nhạc cụ theo sở thích cá nhân, được giải trí trong âm nhạc. Chúng ta cần phải “nuôi” một thế hệ căn bản từ bây giờ. Tôi luôn kỳ vọng Soul Academy sẽ làm được điều đúng như câu “slogan” mà tôi dành riêng cho nó: Where music fullfills you (Nơi âm nhạc làm bạn trọn vẹn).

* Và có lẽ anh sẽ không chỉ dừng lại ở Soul Academy?

- Soul cũng chính là linh hồn của tôi. Từ không gian này, chúng tôi sẽ có những buổi biểu diễn âm nhạc tốt. Một phòng thu chuẩn quốc tế. Và sau một thời gian nữa, từ những lứa học trò này, tôi sẽ chọn ra một hoặc vài em có kỹ năng khá, có tố chất nhất để cống hiến cho âm nhạc Việt, nếu như họ thật sự thích. Đây không phải là lò đào tạo ca sĩ đâu (cười). Chỉ là nơi nuôi dưỡng để bạn có thể sáng tạo trong âm nhạc, vậy thôi!

Chọn thịt kho hay mì gói?

Đến thời điểm này, khi tiếng Việt đã không còn là rào cản ngôn ngữ đối với Thanh, trong câu chuyện về âm nhạc, anh luôn cố gắng ví von hoặc tìm những hình ảnh thú vị, dí dỏm để “minh họa” cho suy nghĩ của mình. Như khi nói về những dự án âm nhạc đang đeo đuổi, Thanh nheo mắt: “Nó cũng giống như món thịt kho và mì gói vậy. Mở nồi thịt kho ra sẽ có người nhìn và nói: Ồ, nhìn hơi... ghê ghê đó! Nhưng nếu nếm thử lại nghĩ: chà, miếng thịt sao mà thấm và mềm vậy. Càng kho lâu, kho đi kho lại nhiều lần, miếng thịt càng ngon hơn. Còn mì gói thì chỉ cần hai phút là có ngay tô mì vàng ươm. Ấn tượng đầu tiên là: nhìn hấp dẫn quá! Nhưng ăn nhiều lần thì càng không thể nuốt nổi nữa... Vậy bạn chọn thịt kho hay mì gói?”. Rồi cười: “Tôi thì muốn làm thịt kho!”.

Say sưa với những câu chuyện về âm nhạc, chỉ còn ít phút trước khi chia tay, người viết mới dám thay đổi không khí chút xíu để “tám” cùng anh về chủ đề ”tim mạch”. Anh cười khà khà: “Kể ra thì cũng thấy... kỳ nên chỉ dám nói mình đang có một tình yêu đẹp với một cô gái Việt 100%. Chưa dám nói trước điều gì nhưng có thể nói trước là mình sẽ có bốn đứa con. Chắc chắn! Ở nhà mình cũng lên chức uncle (chú) rồi chứ bộ. Mỗi lần đứa cháu nhỏ gọi: “Chú! Chú” là người lại muốn tan chảy ra...”.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây