Rối mù tác quyền cải lương

Thứ hai - 29/03/2010 19:53 2.126 0

Các nghệ sĩ Tuấn Thanh, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu (từ trái qua) trong trích đoạn vở Má hồng phận bạc - Ảnh: Hoàng Dũng

Các nghệ sĩ Tuấn Thanh, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu (từ trái qua) trong trích đoạn vở Má hồng phận bạc - Ảnh: Hoàng Dũng
Trong làng cải lương hiện nay, cứ dăm ba bữa lại nghe tác giả này cảnh cáo tác giả kia chuyện cướp hoặc lờ tác quyền... Chuyện đạo, cướp tác phẩm hầu như ở lĩnh vực nào cũng có, thế nhưng có thể nói không nơi nào chuyện giật tác quyền, lờ tác quyền, đạo tác phẩm lại... sôi nổi như lĩnh vực cải lương!
Cướp tác quyền: có rất nhiều cách... cướp!

Hiếm kiện ra tòa

Bà Hồng Dung, phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Chuyện xâm phạm, lờ tác quyền cải lương hiện diễn ra rất nhiều và trên diện rộng, nhưng lạ một điều là rất hiếm vụ nào lôi ra tòa kiện cáo. Chung quy do tác giả cải lương khá hiền lành, xuề xòa và ngại va chạm.

Có người lại cho rằng kiện cáo chỉ vì mấy trăm ngàn đồng tác quyền tự nhiên thấy mình... nhỏ mọn! Điểm yếu này đã bị một số đơn vị, bầu sô, nghệ sĩ... lợi dụng khiến chuyện cướp giật công sức của người khác đang ngày càng công khai một cách trắng trợn!”.

Tranh chấp tác quyền do cướp công của người khác đơn giản chỉ vì lòng tham, nhưng lắm khi có trường hợp các bên tranh chấp tác quyền nhưng không hề biết mình sai hoặc do lầm lẫn.

Cải lương ngày nay sử dụng rất nhiều tác phẩm kinh điển, tác phẩm xưa, nhiều thứ theo thời gian dễ bị lẫn lộn... Những nhân chứng liên quan đến sự ra đời của mỗi tác phẩm lần lượt về cõi vĩnh hằng, không ai am hiểu về xuất xứ tác phẩm để phân định, chuyện đôi khi bị làm lớn bởi những người thừa kế của tác giả.

Soạn giả Ðăng Minh (tác giả những vở cải lương khá tiếng tăm như Vụ án Mã Ngưu, Lệnh truy nã, Tình không biên giới...) cho biết vào thời cực thịnh của cải lương, người viết tuồng thường rất phóng khoáng và sống với nhau đầy ân tình. Có những tác giả thấy hạp ý nhau có thể phối hợp thành liên danh để cho ra đời những tác phẩm ăn ý.

Dựa vào nghĩa tình là chính nên nhiều khi các tác phẩm viết chung thường là "khẩu ước" (giao ước bằng miệng - như cách nói của NSND Thanh Tòng) chứ rất hiếm khi có giấy tờ, văn bản phân định rõ ràng... Lại có soạn giả khi viết đã để tên học trò nhằm giúp học trò một khởi đầu thuận lợi. Có người thầm cảm ơn thầy nhưng có người trắng trợn lật lọng cướp luôn công của thầy...

Chuyện đạo diễn tiếp nhận một kịch bản, trong quá trình đưa lên sàn tập có chỉnh sửa là lẽ thường tình, nhưng nhiều đạo diễn mặc nhiên xem đó là cách viết lại tác phẩm nên đường hoàng điền tên chung với tác giả, thậm chí còn đứng trước tên người chấp bút. Không dừng lại ở đó, có đạo diễn còn bất chấp gạt phăng tên tác giả với luận điệu: "Kịch bản đó tao sửa bét nhè là của tao chứ!".

"Um sùm" nhiều có thể kể đến lĩnh vực cải lương tuồng cổ. Bởi lĩnh vực này chủ yếu khai thác những tích xưa, sử Việt, sử Tàu... nên cùng một cốt truyện nhưng bài ca, văn phong khác nhau đã có thể thành hai tác phẩm khác nhau. Lâu dần đâm ra dễ nhầm lẫn tên tác giả. Thế nhưng có tác giả đã lợi dụng sự nhầm lẫn đó để cướp luôn công của người khác.

Chẳng hạn, có đoàn nọ hát tuồng của tác giả A nhưng cứ ngỡ là của tác giả B, thế là cả chục năm trời chỉ trả tiền cho ông B. Ông B dù biết người ta không hát tuồng của mình nhưng vẫn im lặng. Chuyện đổ bể, tác giả nọ "giả nai": Ai biết họ hát tuồng của ông A đâu? Cũng lại có trường hợp nghệ sĩ hát tuồng của ông A nhưng thấy có một lớp của ông B (viết một vở khác cùng đề tài) hay hơn nên ghép lớp đó vào vở của ông A, rốt cuộc chỉ mình ông A đứng tên và nhận tác quyền nên ông B đâm ra cự nự, thế là lại có chuyện...

Nói về vấn đề này, ông Ðăng Minh chua chát: "Tác giả cải lương mà không bị giật tiền tác quyền, không bị ăn cắp tác quyền thì chắc... không phải là tác giả cải lương!?".

Lờ tác quyền: ai cũng có thể... lờ!

Câu chuyện cướp tác quyền xem ra còn thống kê được, chứ chuyện lờ tác quyền trong làng cải lương dường như là việc không thể vì xảy ra như cơm bữa!

Bà Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, người đại diện thừa kế những tác phẩm của soạn giả Năm Châu - cho biết: "Ða số tác giả cải lương đều ở thế thụ động, hầu như rất khó kiểm soát được tác phẩm của mình ai đang sử dụng, diễn ở đâu. Nghệ sĩ nào thơm thảo thì sau khi diễn còn gửi ít tiền bản quyền, không thì đành chịu".

NSND Thanh Tòng mặc dù không nhận mình là người viết chuyên nghiệp nhưng những tác phẩm cải lương tuồng cổ của ông đã lên đến con số 500. Vì những lý do tế nhị hiện ông chỉ chính thức đứng tên được khoảng 200 tác phẩm. Ông được mọi người trong làng ghi nhận là người bị xâm phạm tác quyền nhiều thuộc hàng... kỷ lục! Ông cười buồn cho biết thậm chí có chương trình truyền hình trực tiếp mà cũng chẳng ghi tên tác giả chứ nói gì đến tiền tác quyền.

Tác giả Ðăng Minh cho biết thêm hiện có HTV là một trong những đài truyền hình chịu khó nhớ tới tác giả bằng cách trả tiền tác quyền, còn một số đài tỉnh rất tùy tiện. Khi tác giả gọi đến, họ hoặc cười trừ hoặc "hành" theo kiểu bắt tác giả đi lên đi xuống tỉnh nhiều lần, đùn đẩy trách nhiệm cho đến khi... được vạ thì má đã sưng!

Cách nào tìm lại công bằng?

Soạn giả Ngô Hồng Khanh nhìn nhận đa số tác giả cải lương hiện nay vẫn làm việc theo kiểu "truyền thống" nên chuyện đăng ký bản quyền tác phẩm là rất hiếm. Bà Hồng Dung nói thêm: "Nhiều tác giả cải lương không biết và thậm chí không quan tâm đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm vì họ cho rằng nhiêu khê".

Ðạo diễn Mộng Long (con cố soạn giả Quy Sắc) sau vụ tranh chấp tác quyền kịch bản Má hồng phận bạc với con của một nhạc sĩ cải lương hồi trong tết đã quyết định sẽ thống kê lại hết những tác phẩm của cha mình để chuẩn bị đăng ký bản quyền. Trong khi xúc tiến công việc, ông bộc bạch: "Nhiều soạn giả ngán ngại có lẽ do việc đăng ký nhiều tác phẩm cùng một lúc đâm ra số tiền phí quá lớn mà theo họ thì quyền lợi của tác giả chưa biết sẽ ra sao...".

Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình khi xảy ra tranh chấp, cách phổ biến hiện nay của các tác giả cải lương là trưng ra bản thảo gốc của tác phẩm. Ngoài ra, còn có thêm nhân chứng là những người có uy tín trong làng có liên quan hoặc nắm rõ lai lịch ra đời của tác phẩm.

Ðối với chuyện lờ tác quyền, NSND Thanh Tòng cho biết tác giả cải lương chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của nghệ sĩ, sự tôn trọng của nghệ sĩ đối với người viết. Nhiều khi tiền bạc chẳng đáng là bao nhưng điều một số tác giả cải lương như ông cần là sự công bằng.

Nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn, giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chi nhánh phía Nam, cho biết năm vừa qua trung tâm đã nhận thu tác quyền cho soạn giả Viễn Châu với số tiền lên đến vài chục triệu đồng.

Ông nhấn mạnh đáng lý ra Hội Sân khấu phải có trung tâm riêng của mình để thực hiện việc này, nhưng vì hội chưa có nên hiện trung tâm sẽ nhận thu tác quyền cho tác giả cải lương ở những sản phẩm tân cổ giao duyên - nghĩa là cải lương nhưng có dính tới tân nhạc. Ông cho biết thủ tục khá đơn giản, chỉ cần tác giả làm các thao tác ủy quyền cho trung tâm, thời gian mất chỉ 10-15 phút, khoản phí sẽ được trích phần trăm theo số tiền trung tâm thu được cho tác giả.

Tác giả: Linh Đoan

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây