Đôi mắt dịu dàng, NSƯT Lệ Thủy chia sẻ, khi còn trẻ, ta thấy rằng người bạn đồng hành là tất yếu, nhưng bước sang một lứa tuổi nào đó, mọi thứ trở nên khó khăn đến đau đớn.
Dù thường vào các vai đào thương với số phận éo le, trắc trở và diễn đến đâu được khán giả nhớ đến đấy, nhưng giọng ca của NSƯT Lệ Thủy không nhuốm màu bi lụy, buồn thương. Chị nói, một phần tại cuộc đời chị phẳng lặng, phần nữa vì chị luôn đặt nhân vật vào sự khao khát hạnh phúc mãnh liệt để ca lên nỗi lòng của họ, nên các nhân vật của chị thường tạo những cảm giác vui buồn vừa đủ cho người xem.
Dù tuổi đời chưa được sắp xếp vào diện “cây già lá rụng” nhưng tuổi nghề của NSƯT Lệ Thủy đã bước sang con số 52. Giờ đây, thanh lẫn sắc đều còn, nhưng chị phải chấp nhận nỗi cô đơn trên sân khấu khi các bạn diễn viên nam vì nhiều lý do không thể tiếp tục đồng hành cùng chị. Ở cái tuổi không thể hóa thân thàng công chúa, thiếu nữ, chị tiếp tục vào vai người mẹ, người chị, nhưng hiếm khi tìm được “người cha”, được “người anh” trên sân khấu để thỏa sức vẫy vùng…
Khán giả đã gán cho tôi với nghệ sĩ Minh Vương
- Chị từng nói, để giữ hạnh phúc gia đình, chị phải xác định ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nhưng trong quá trình diễn chung với nghệ sĩ Minh Vương, hai bên rất ăn ý nhau, nói là không hề rung cảm, có khó tin lắm không?
- Trời ơi, nếu cứ hát chung với ai đều rung cảm, tôi sẽ có biết bao nhiêu chồng? Bao nhiêu bồ? Tôi từng hát chung với Trọng Hữu, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Sang… nhưng thường hát với Minh Vương vì anh ít đi tỉnh, tôi cũng vậy. Nếu đi tỉnh, tôi hát với Trọng Hữu, còn về thành phố thì tôi hát với Minh Vương.
Những năm 80-90, nhiều Việt kiều về nước làm video, tôi là người đầu tiên được đặt vấn đề. Tôi làm 100 tuồng và phải hát với Minh Vương, họ mới bán được. Hát liên tục như thế và đi nước ngoài người ta cũng yêu cầu phải hát chung với anh ấy. Nếu Minh Vương từ chối hát với Lệ Thủy hay Lệ Thủy từ chối hát với Minh Vương cũng không được.
Trước đó, tôi hát với Minh Phụng rất hợp nhưng từ năm 80, người ta yêu cầu nghệ sĩ diễn chung phải là Minh Vương. Tình yêu của khán giả đã “ghép” chúng tôi với nhau trên sân khấu, còn ngoài đời, đời ai người ấy sống và ai cũng có hạnh phúc của mình.
Ngoài đời, chúng tôi là những người bạn bình thường. Sau này, khi cả hai lớn tuổi, không đi đoàn nữa nên bàn với nhau đứng ra chịu trách nhiệm mời một nhóm hát để biểu diễn quyên góp tiền làm từ thiện, mua một số căn nhà tình thương. Chúng tôi đã hát và quyên góp được tiền xây dựng một số căn nhà tình thương cho chị em phụ nữ nghèo ở các tỉnh miền Tây.
- Thời gian này, thấy chị và nghệ sĩ Minh Vương ít hát chung với nhau trên sân khấu, vì sao vậy?
- Minh Vương bị bệnh bao tử, mổ mắt cườm, mắt sưng không thấy rõ nên phải xa sân khấu một thời gian. Mà không chỉ anh ấy, các kép xưa tôi thường hay hát cùng giờ cũng có nhiều lý do để không thể đứng chung sân khấu được nữa. Hiện giờ anh Thanh Sang cũng bệnh, anh Minh Phụng đã mất. Anh Thanh Tuấn, anh Trọng Hữu thường đi tới đi lui biểu diễn ở tỉnh. Bây giờ khan hiếm bạn diễn, muốn diễn một vai người mẹ mà cũng không có ai đóng vai người cha. Giờ tôi mới thấm nỗi cô đơn của mình trên sân khấu. Biết bao nhiêu chương trình người ta mời Minh Vương – Lệ Thủy đi hát nhưng cuối cùng phải hủy show.
Bạn diễn càng ngày càng cạn kiệt, buồn lắm. Là nghệ sĩ thì phải diễn trên sân khấu, còn ca ở đại nhạc hội, chương trình nọ kia đâu thể thỏa niềm đam mê nghiệp diễn của người nghệ sĩ. Cố gắng ca hay ca tròn, cũng đâu diễn được khóc cười đau khổ, vui sướng, điên dại… Niềm vui nỗi buồn để ở trên sân khấu, sân khấu đang tạm giữ mà giờ không biết được trả vào lúc nào. Không ai cho tôi nghỉ hưu mà tự dưng tôi hưu. Nghệ sĩ không được diễn trên sân khấu mới là hưu thực sự.
Sợ bị…tạt a-xit nên mới giữ được hạnh phúc riêng
- Cái tên của chị gợi nên suy nghĩ về sóng gió và nước mắt. Không biết trên đường đời, cái tên đó có đồng nghĩa với số phận chị?
- Phải nói là số phận ngược với cái tên. Từ nhỏ, nhiều người đã cảnh báo về cái tên này nên tôi sợ và cố gắng sống sao để những chuyện không hay đừng xảy ra. Hồi còn nhỏ đi hát, dì tôi luôn đi theo. Bà nghiêm khắc lắm, cả giới cải lương ai cũng biết bà canh tôi đến mức nào. Dì dạy bảo tôi những điều rất tỉ mỉ: “Đứa nào đưa thơ (thư) tay, con không được nhận vì như thế không thành thật, phải đưa thơ có dấu bưu điện kìa. Còn người nào cho tiền, quà, những đồ giá trị thì không có gì người ta cho không, phải đổi bằng một cái gì đó. Tên tuổi con đã có, tiền có, suy cho cùng con không thiếu gì, nếu con nhào vô cướp chồng người ta, vợ người ta tạt a-xit, con khỏi hát được nữa đó”.
Từ đó tôi sợ lắm, người nào cho cái gì giá trị cũng không dám nhận. Tôi sợ bị tạt a-xít. Dì còn nói, nghệ sĩ ai cũng tự ái cao, con không nên lấy chồng trong giới, lấy chồng nghệ sĩ không bền. Nếu con thấp hơn nó thì nó sẽ bồ bịch, còn con cao hơn nó, con coi nó không ra gì thì cũng tan vỡ, vì vậy phải có ranh giới rõ ràng.
Khi đi hát, tôi đặt trọn tâm tư mình là nhân vật, có nắm tay âu yếm nhưng đó là sân khấu và giữ ranh giới, không bao giờ để họ thành… chồng hay người yêu mình được. Tôi sợ gãy đổ. Mà hạnh phúc của người nghệ sĩ mong manh lắm. Nữ nghệ sĩ hay được các ông giàu, ông lớn săn đón. Nam nghệ sĩ thì được các bà có tiền chiều chuộng. Họ dễ sa ngã. Thực tế đó càng làm tôi cảm thấy phải lấy một người ngoài giới.
Một nghệ sĩ xuất thân từ xóm lao động, đi hát lúc 13 tuổi, và trình độ học vấn không cao, từ khi ý thức lập gia đình, tôi muốn có được một người chồng có trình độ để sau này dìu dắt các con. Thêm nữa. người đó không phải đi lính vì đi lính, người vợ có thể thành góa phụ bất cứ lúc nào.
- Người ta nói người tính không bằng trời tính. Vậy phép tính chọn chồng của chị có thuận với phép tính của trời không?
- Nói chung là tương đối, dù có lúc ông trời cũng thử lòng kiên nhẫn của tôi. Ông xã tôi khi đó là cử nhân kinh tế, chúng tôi quen nhau cũng thật tình cờ. Lúc đó, cả hai đều ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (TP. HCM). Đi lên, đi xuống, biết nhà bên kia có một nghệ sĩ tên tuổi nên anh để ý. Anh người gốc Quảng Ngãi, nhìn dễ mến và rất ý nhị trong việc làm quen nên dù thấy nhau hàng ngày mà vẫn chưa tiến tới.
Một lần tôi bị té gãy tay, anh viết thơ hỏi thăm và xin được làm quen. Tìm hiểu hơn 1 năm, anh vừa đậu cử nhân, tính làm đám cưới thì anh phải đi lính. Tôi cũng không ngờ có cuộc chia ly này. Nhưng may mắn là anh được về Long An, có bằng cấp nên chỉ làm công việc văn phòng chứ không phải ra trận.
- Là một nghệ sĩ tên tuổi, hẳn máu nghệ sĩ trong chị cũng khá mạnh? Để giữ được sự yên ấm của gia đình, nếu vẫn khư khư tính nghệ sĩ thì khó vẹn đường hạnh phúc. Có lúc nào chồng chị phải chịu đựng tính nghệ sĩ của vợ chưa?
- Không. Tôi rất tỉnh táo trong việc giữ hạnh phúc gia đình. Tôi biết, là nghệ sĩ, rất dễ lung lay, nên tôi càng ý thức không để xảy ra điều gì. Nếu ở ngoài được khán giả yêu quý, về nhà khinh khỉnh với chồng sẽ rất dễ gãy đổ. Chồng tôi không rành cải lương nhưng lại là người săn sóc, khuyến khích vợ rất nhiều trong nghề rồi thay tôi chăm sóc, răn dạy các con. Anh hiền lành và mẫu mực, nhiều người có ý này ý nọ với tôi nhưng anh luôn tin tưởng vợ. Tuy tôi xuất thân là con nhà nghèo nhưng nề nếp đàng hoàng, tuy học ít nhưng tôi biết cái gì mình cần và cái gì bền vững.
Khi có gia đình, tôi nói với lãnh đạo đoàn sắp xếp người hát thay tôi ngày chủ nhật. Thứ hai được nghỉ, thế là tôi có hai ngày dành cho gia đình. Cuộc sống của tôi lúc đó đi hát như một công nhân viên và dành thời gian lo cho chồng con. Sáng hai vợ chồng đưa con đi học, rồi đi ăn sáng và vẫn có những bữa cơm bình thường. Đến tối anh chở tôi đi hát. Có lúc cũng cãi nhau nhưng huề nhanh lắm. Chúng tôi ngoài tình vợ chồng còn như người bạn, nên rất dễ chịu, dễ cư xử.
- Nghe chị kể hạnh phúc của mình bằng phẳng là thế, nhưng được biết anh chị từng trải qua nhiều thử thách. Nghe nói anh có dính đến một vụ án kinh tế lớn và từng ngồi tù. Lúc đó, cuộc sống của chị thế nào? Có bị xáo trộn nhiều trong tình cảm không?
- Tôi quan niệm, chồng mình dù có thế nào cũng là chồng, mình đã yêu thì hãy tin và chờ đợi. Nói chung tôi không nhìn vấn đề một cách bi lụy. Trong thời gian anh ra tòa, tôi có đến xem các phiên xử. Lúc đó, tôi phải che mặt để cánh ký giả không chĩa ống kính vào mình. Vì đó là vụ án lớn nên xử rất nhiều ngày. Trước khi phải đi tỉnh diễn 2 ngày, tôi đến tòa nhìn anh, đưa hai ngón tay lên rồi vẫy tay cười chào tạm biệt. Anh cười lại và như thế anh biết tôi sẽ phải đi xa 2 ngày. Thế đấy, mọi thứ rất nhẹ nhàng nên cuộc sống của tôi chẳng có gì xáo trộn lớn cả. Tôi không đòi hỏi gì hơn ở một người đàn ông như thế. Với một người nghệ sĩ, vậy là quá đủ rồi. Các đồng nghiệp của tôi, không ai muốn mình có nhiều chồng cả, nhưng có nhiều lý do cho mọi sự thất bại và đau khổ.
- Được biết, các con của chị đều đi du học nhưng rồi một người con là Đình Trí, sau khi học xong lại quyết định theo nghề của mẹ. Anh chị có ủng hô sự lựa chọn này cúa con trai không?
- Tôi không muốn nhưng vẫn phải ủng hộ. Trí học ngành kiểm toán ở nước ngoài, sắp ra trường tự dưng bảo thích hát và theo nghề hát. Trí mê quá, nó bảo nó theo nghệ thuật, còn kiểm toán Trí đã hoàn tất cho ba mẹ vui.
Làm cha làm mẹ, con lớn rồi, phải tôn trọng sự lựa chọn của con. Trí làm nghệ thuật cũng lương thiện. Mà con đã lớn, dù mình không muốn nhưng vẫn thấy nó đúng. Trí đã theo cứ cho nó theo, bây giờ nhiều ca sĩ ôm cột điện hoài. Tôi nghĩ, khi nếm trải thất bại, con sẽ trở về học thêm một năm nữa để ra làm việc (sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải thực tập 1 năm mới có thể đi làm). Hồi xưa, ai tài nghệ được nhà sản xuất quan tâm, còn nghệ sĩ giờ tự lăng-xê mình, tốn kém chật vật lắm, chua lắm, nên thầm nhủ con thích cứ để nó đi. Bây giờ Trí làm sản xuất và tổ chức chương trình là chính.
Chồng tôi không ủng hộ 100%, không động viên ra mặt, không đi coi chương trình của con làm nhưng vẫn coi lén (cười). Ông nói: “Con thích thì thích, nhưng ba không thích. Ba thích con ngồi văn phòng được người ta gọi ông này ông nọ, còn nghệ sĩ, cứ thằng này, con này hát hay quá ha!”. Đó, vậy đó. Nói vậy chứ con cần gì anh vẫn giúp.
Hai “nỗi oan” của Lệ Thủy Nhiều chuyện Năm 2008, vì muốn hát Lá sầu riêng nên Lệ Thủy đến nhờ nghệ sĩ Kim Cương nói thêm về vở này. Kim Cương nói, để dựng, thì phải lấy DVD Lá sầu riêng mới nhất của Trung tâm ca nhạc hải ngoại. Sang Mỹ biểu diễn, chị nhờ nghệ sĩ Phương Liên tìm giúp đĩa đó, hăm hở mang về “dâng nạp” cho nghệ sĩ Kim Cương. Và cuối cùng là chuyện nghệ sĩ Kim Cương muốn kiện Trung tâm ấy vì vi phạm bản quyền. Về vấn đề này, nghệ sĩ Lệ Thủy kể: “Họp báo, Kim Cương còn nói: “Dụ con Thủy chơi vậy, nó đem về cho có bằng cớ”. Tức muốn chết à. Tôi đâu có nhiều chuyện mà giờ tự dưng thành người nhiều chuyện”. Cờ bạc Năm 2007, Lệ Thủy sang Mỹ hát vở Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng nghệ sĩ Phương Liên. Thế rồi một tờ báo của người Việt ở đó viết rằng, Lệ Thủy là chuyên gia cờ bạc, lãnh được đồng tiền hát nào, vừa tay mặt sang tay trái vào casino thua hết trơn”. Chị than vãn: “Đời tui mà biết thêm cờ bạc chắc nhà trôi lâu rồi”.
Tiếng hát từ xóm lao động nghèo NSƯT Thủy họ Dương, sinh năm 1948, nhưng từ nhỏ đổi thành họ Trần. Từ đó, tên chị là Trần Thị Lệ Thủy. Gia đình chị từ quê lên Sài Gòn, tá túc trong một xóm lao động nghèo ở Khánh Hội (Q.4), sống chủ yếu nhờ vào việc bán bánh dạo của người mẹ. Người cha thất nghiệp, thỉnh thoảng đi làm mướn. Lệ Thủy là chị cả của 8 người em. Việc đổi họ Trần, giấy tờ gặp nhiều rắc rối, nên chị không đi thi được, gặp lúc gia đình khó khăn nên nghỉ luôn, thành người học hành không tới nơi tới chốn. Giọng hát của Lệ Thủy được chắp cánh ngay trong xóm lao động nghèo của chị. Xóm có một ban văn nghệ, dù bận bịu mưu sinh, nhưng thỉnh thoảng ngồi lại với nhau, đi hát đám và ca tài tử. Rồi chị được các anh trong ban văn nghệ gửi đi học ca. Người thầy dầu tiên của chị là Năm Truyền, mê ca biết nhạc nhưng nghề chính là thợ hớt tóc. Bên cạnh đó, chị còn được học nhạc bài bản ở thầy Tám Đen, một nhạc công đàn kìm danh tiếng ở Khánh Hội. Thấy con gái mê hát, mẹ chị đưa đến đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn, nhưng đoàn đã có đồng ấu đóng vai đào con rồi. Cuối cùng, anh rể của nghệ sĩ Út Trà Ôn gửi chị tới đoàn Trâm Vàng, giới thiệu với vợ chồng nhạc sĩ Mười Của, để vừa làm con nuôi vừa học ca. Cùng lúc ấy, ông Bảy Viễn Châu đang tìm một đồng ấu, thế là chị được vào vai dầu tiên trong vở Quan Âm Thị Kính. Từ vai này, các hãng đĩa mời chị thu băng. Có thể nói, chị nổi tiếng trên băng đĩa trước khi ra sân khấu. Rồi từng bước, chị nhanh chóng trở thành đào nhì, rồi đào chính. 14 tuổi, chị đã là đào nhì, phải mang giày cao gót và…độn ngực để vào vai chín chắn. Ban đầu, chị thường đóng tuồng Kiếm hiệp. Sau này khi đã trở thành diễn viên của Đoàn 284, chị bắt đầu vào những vai tuồng xã hội, được biết nhiều với vai Kim Anh trong Đời Cô Lựu và Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt. Năm 1964, đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm. Tuy nhiên, tên tuổi của chị trở thành hiện tượng trên sân khấu cải lương từ những năm sau của thập kỷ 80, khi xuất hiện đều đặn cùng nghệ sĩ Minh Vương trong các vở cải lương tâm lý xã hội như Đêm lạnh chùa hoang, Thiên Kiều công chúa, Lá sầu riêng… Lệ Thủy kết hôn với anh Nguyễn Dương Trúc năm 1972, có 1 con gái và 2 con trai. Trong đó, Đình Trí, con trai thứ 2 của chị, sau khi tốt nghiệp ngành kiểm toán ở Úc đã theo nghề của mẹ. Biết mẹ sợ mình ở lại Úc như chị gái nên Đình Trí sáng tác bài tân cổ giao duyên Tha hương cho Lệ Thủy hát để yên lòng là anh sẽ trở về Việt Nam với mẹ. |
Nguồn tin: Mốt & Cuộc sống
Ý kiến bạn đọc