Ngỡ ngàng, bởi các nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch và Điền Thanh dù xa quê và xa cải lương hơn 20 năm khi định cư ở Pháp và Úc, nhưng trở lại sân khấu vẫn tươi mới, vững vàng. Bạch Lê và Thanh Bạch ngày xưa là hai ngôi sao của cải lương tuồng cổ, bây giờ giọng hát vẫn khỏe khoắn lạ kỳ, vũ đạo vẫn đẹp đẽ, rộn ràng. Bạch Lê trở lại vai Điều Tam Xuân và Ỷ Lan của chị, còn Thanh Bạch vai Trịnh Ân, Lý Thường Kiệt, Điền Thanh vai Lý Ngân quen thuộc. Hai đêm cuối cùng, Thanh Bạch bị tắt tiếng, nhưng khán giả hoàn toàn thông cảm, bởi nghe cái giọng khàn khàn của anh cũng dễ chịu hơn là nghe... hát nhép. Thà cải lương cứ thật như vậy, để còn chỗ đứng trong lòng khán giả.
Và xúc động thật sự khi thấy nghệ sĩ ca diễn bằng cả trái tim, cả máu nghề truyền lại suốt 5 đời trong gia tộc. Trên sân khấu giờ còn thế hệ của Thanh Tòng, Trường Sơn, Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Sơn, Thành Lộc, Công Minh, Bạch Long... và Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo, Quế Trân..., đông đúc đến mấy chục người, dư sức làm nên một “đại bang” tuồng cổ. Để cho đông vui, nhiều vai diễn được hai người cùng chia sức, nên khán giả tha hồ được xem nhiều ngôi sao trong cùng một đêm diễn. Mà vai nào cũng thấy nghệ sĩ có sự gắn bó tuyệt vời.
Chẳng hạn Thượng Dương hoàng hậu của Xuân Yến và Thanh Loan phối hợp nhuần nhuyễn. Hay Điều Tam Xuân của Trinh Trinh và Bạch Lê, già trẻ chẳng kém cạnh, hứa hẹn một đội ngũ kế thừa cho tuồng cổ. Đặc biệt, Thành Lộc trong vai Triệu Khuông Dẫn và vai Lý Đạo Thành (chia vai với Trường Sơn), đã làm khán giả bất ngờ. Toàn những vai diễn để đời của bậc đàn anh, thế nhưng Thành Lộc đã mạnh dạn lao vào như một cách “gánh vác”, vừa là vì sức khỏe của các anh, vừa vì tên tuổi của mình đối với khán giả. Thành Lộc hát cải lương - nét tươi mới của anh thu hút khán giả một cách lạ kỳ. Còn vũ đạo thì khỏi nói... Khu nhà ở đình Cầu Quan đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao đứa trẻ của gia đình bầu Thắng - Minh Tơ, nên cả đại gia đình này ai cũng đã học từ trong máu.
Câu thơ yên ngựa lần này dựng lại có những thay đổi xem ra phù hợp. Đây là một vở hay, ghi lại giai đoạn nhà Lý rối ren vì vua Lý Thánh Tông mới băng hà, nguyên phi Ỷ Lan phải lên ngôi thái hậu để nhiếp chính cho vua Lý Nhân Tông vừa lên 7 tuổi. Tang chồng còn đó mà quân Tống lăm le xâm lược, Ỷ Lan cùng triều đình vắt sức bàn mưu chống giặc. Vậy mà nội bộ bên trong vẫn không yên, Thượng Dương hoàng hậu ghen tị, luôn tìm cách chiếm lại ngai vàng. Những xung đột đó đã làm đau đầu thái hậu và Lý Thường Kiệt. Nhưng điểm nhấn của vở diễn là hai bậc đại nhân đã vì đại cuộc mà tha tội cho thái sư Lý Đạo Thành, trân trọng nhân tài, để thêm người chống giặc, và tha tội cho Thượng Dương để nêu cao tinh thần đoàn kết. Bản dựng cũ, Thượng Dương bị Lý Đạo Thành xử tội chết, và bà bị mang án phản quốc vì âm thầm cấu kết với nhà Tống. Điều này chỉ có những tài liệu khác ghi lại chứ chính sử không ghi rõ, cho nên vở diễn đã gây tranh luận. Nay bản dựng mới đã thêm hai chi tiết.
Thứ nhất, cho Thượng Dương bị gian tặc Đỗ Mục lợi dụng, trong lúc bà mê sảng vì thuốc hắn đã cầm tay bà viết thư cầu Tống. Thứ hai, Ỷ Lan và Lý Đạo Thành tha tội, nhưng Thượng Dương đã tự uống thuốc độc mà chết, và câu cuối cùng của bà là xin đừng ghép tội bà phản quốc. Kết thúc vở với một chi tiết bi thương gây xúc động mạnh khiến khán giả vỗ tay vang dậy. Nghệ sĩ Thanh Loan diễn lại vai để đời của mình, thêm chi tiết mới nhưng càng vững vàng, nhuần nhuyễn.
Cũng không thể bỏ qua thiết kế trang phục của Câu thơ yên ngựa, đẹp và sang trọng hẳn lên với chất liệu vải hiện đại mà vẫn phù hợp với truyền thống. Trên một sân khấu lớn như Nhà hát Bến Thành, cải lương vừa hoành tráng, vừa mới mẻ và gần gũi lạ kỳ!
Tác giả: Hoàng Kim
Ý kiến bạn đọc