Cũ... như liên hoan sân khấu

Thứ năm - 02/08/2012 22:38 4.356 0

Cảnh trong vở Tội ác và quyền lực - một trong ba vở đoạt huy chương vàng - Ảnh: Tiến Long

Cảnh trong vở Tội ác và quyền lực - một trong ba vở đoạt huy chương vàng - Ảnh: Tiến Long
Dù sân khấu đã đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn, dù các nghệ sĩ của gần 20 tỉnh thành hầu hết đến Huế bằng ôtô của đoàn và tàu hỏa, dù trị giá giải thưởng rất khiêm tốn...; liên hoan sân khấu kịch vừa diễn ra tại Huế (từ ngày 14 đến 29-7) vẫn mang dáng dấp một cuộc... tổng kiểm kê tốn kém.
 

Ngay từ nhiều tháng trước khi diễn ra liên hoan, rất ít người hi vọng một điều gì đó đột phá, mới mẻ, lạ lẫm từ liên hoan này. Bởi các nghệ sĩ đang ăn khách nhất, đang bận chạy sô hằng đêm đã quen với việc khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp và vỗ tay, chẳng liên quan gì đến đánh giá của các hội đồng nghệ thuật râu tóc bạc phơ; còn các nghệ sĩ nhà nước ăn lương công chức của các đoàn nghệ thuật phía Bắc cũng đã từ lâu quên mất khái niệm "ăn khách". Những hệ tiêu chí khác nhau đặt chung trong một mặt bằng hội diễn khó mà có được một tiếng nói chung. Nhưng, kể cả người bi quan nhất cũng khó có thể ngờ được những gì đang diễn ra tại Huế lần này lại... cũ đến thế.

Hình thức cũ gói nội dung rất cũ

 

Không có giải cho đạo diễn

Bế mạc liên hoan, duy nhất hạng mục đạo diễn không có giải nào. “Vớt vát” cho các đạo diễn lần này chỉ là danh hiệu đạo diễn trẻ xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam dành cho đạo diễn Xuân Bắc (vở Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ).

Theo ông Nguyễn Đăng Chương - trưởng ban tổ chức, tất cả các giải đều được bỏ bằng phiếu kín. Có một đạo diễn không tham gia bỏ phiếu bầu đạo diễn xuất sắc là NSND Trần Ngọc Giàu (vì là thành viên ban giám khảo) nên ban giám khảo chỉ còn sáu thành viên bỏ phiếu. Ba đạo diễn gồm NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trần Ngọc Giàu và NSƯT Nguyễn Anh Tú được giới thiệu nhưng không ai có số lượng phiếu bầu quá bán để đưa vào khung giải.

T.LONG

"Anh cả đỏ" lừng lẫy một thời của sân khấu kịch nước nhà là Nhà hát Kịch VN mang đến hai vở diễn đều được dựng và diễn cách đây...7 - 20 năm. Vở "trẻ" hơn là Ði tìm điều không mất của Lê Quý Hiền - đề tài hậu chiến, có thêm chút thời sự là chuyện nhân sự trước đại hội Ðảng - đã công diễn lần đầu cách đây bảy mùa. Vở nổi tiếng hơn nhưng "tuổi tác" cũng cao hơn - Chia tay hoàng hôn của tác giả lão thành Sỹ Hanh - cách đây tròn hai thập kỷ từng gây sóng gió trên sàn gỗ nhiều nhà hát; nay xem lại mới thấy có những điều từng gây thổn thức, nhưng nếu nhắc lại không đúng lúc chỉ có thể... gây cười.

Nhà hát Kịch Hà Nội mang đến hai vở không cũ bằng (về thời điểm viết kịch bản), nhưng vẫn là đề tài hậu chiến, và cách dàn dựng - vẫn lên gân và hô khẩu hiệu - cũng gây hiệu ứng mệt mỏi không kém. Những mặt người thấp thoáng (kịch bản Xuân Ðức, đạo diễn Doãn Hoàng Giang) hoàn toàn mang không khí của những năm 1980 khi chiến tranh qua chưa lâu, và những thân phận người lính, người yêu của lính, con rơi của lính... với ngòi bút xót xa, trăn trở của những nhà văn từng là lính tràn ngập văn đàn và sân khấu. Cộng thêm với những nghệ sĩ như Trần Vân, Ðam Ka, Hoàng Cúc, Minh Trang, Minh Hòa... đang ở thời hoàng kim lúc đó đủ sức kéo khán giả khóc cười cùng vai diễn. Còn giờ đây diễn viên cứ quần quật diễn trên sân khấu, ở dưới khán giả cứ nhai xoài chua chấm muối tôm rau ráu, không chút giao cảm nào.

Vở thứ hai - Huyết lệnh - gọn gàng hơn, ít giao đãi vô nghĩa hơn, thời lượng cắt ngắn hơn nên ít "phô" hơn. Nhưng sự non nớt và kém cỏi của nữ diễn viên chính bên cạnh một NSND Hoàng Dũng từng trải và dày dặn kinh nghiệm lại cho thấy một lỗ hổng chết người khác của sân khấu kịch Hà Nội: thiếu trầm trọng những diễn viên kế cận, hội đủ thanh, sắc và duyên sân khấu.

Một vở diễn được đồng nghiệp sân khấu và khán giả Huế chờ đợi và nhiệt tình vỗ tay chia sẻ là Mùa hạ cay đắng của Trường ÐH Sân khấu điện ảnh lại là vở có "tuổi đời" cao nhất liên hoan: 25 năm đã qua từ ngày nhà văn Nguyễn Quang Lập bàn giao kịch bản cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Dù đạo diễn Anh Tú và các diễn viên Kim Oanh, Quang Ánh... đã cố hết sức để mang đến một Mùa hạ cay đắng phiên bản 2012 nhiều hơi thở thời đại hơn, không thể không cay đắng thừa nhận một sự thật: những vấn đề đặt ra của 25 năm trước đã là của quá khứ. Và sân khấu thiếu kịch bản trầm trọng đến mức 25 năm sau, một vở kịch cũ (không phải cổ điển) vẫn được coi là điểm sáng của một liên hoan sân khấu - một ngày hội nghề của những người yêu sàn gỗ.

Ðó là mới điểm qua những vở "chắc tay" của những đơn vị sân khấu "có nghề", còn với những vở "mang đi cho có mặt" của đoàn kịch các tỉnh, một cảm giác rất khó nói dâng lên khi ngồi trong khán phòng đến một tiếng đồng hồ rồi vẫn chưa hiểu vở kịch định nói gì và sẽ dẫn đến đâu.

Cũ, nhưng được lòng khán giả

Ở một cực khác là những vở diễn cũng... xưa cũ về hình thức lẫn nội dung, nhưng được khán giả chia sẻ hồn nhiên, được nghệ sĩ diễn hằng đêm nên không hề có cảm giác ngượng ngập, "kịch" hóa: các vở diễn của các đoàn từ TP.HCM mang ra.

Ðông người xem nhất - rạp 1.000 chỗ có hàng trăm người phải đứng đằng sau và dọc hai bên khán phòng là Ðôi bờ của nhà biên kịch Lê Duy Hạnh do đạo diễn Trần Minh Ngọc và Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần dàn dựng. Kịch bản cũng đã được dựng từ nhiều năm trước, vấn đề cũ: đi hay ở, bờ bên này (quê nhà VN) hay bờ bên kia (thiên đường phù hoa)? Và sân khấu cũng chẳng có mấy cách tân: vẫn chỉ là hai khung cửa sổ, đổi màu tùy hoàn cảnh. Nhưng cách tiếp cận vấn đề dung dị và diễn xuất hết sức nhuần nhuyễn, đầy bản lĩnh của dàn diễn viên gạo cội Việt Anh, Mỹ Uyên, Thanh Hoàng... chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem.

Lấy nước mắt và tiếng cười nhiều không kém - tuy chủ yếu từ các bà nội trợ - là vở Tình cha của sân khấu Nụ Cười Mới. Mỗi lần nghệ sĩ Hoài Linh bước ra sân khấu là một lần khán giả vỗ tay, dù anh chọc cười hay làm người ta khóc. Hiệu ứng ngôi sao mà từ lâu các nghệ sĩ kịch miền Bắc đã đánh mất, nay có thể thấy trọn vẹn trong vở diễn "của Hoài Linh", dù rõ ràng đó chỉ là một vở "mêlô" được cắt tỉa gọn gàng để tiện mang đi lưu diễn. Kịch bản cũng đã rất cũ, nội dung như từ thời Hồ Biểu Chánh, cách dàn dựng sân khấu cũng tối giản, đạo diễn thậm chí chẳng phải gia cố thêm chút nhấn nhá nào, tất cả đã có sự biến hóa tài tình của dàn diễn viên cực kỳ quen chiều khán giả.

Cũng như vậy, với Làm..., rõ ràng nhiều người đã thuộc lòng nội dung vì biết đó là kịch phóng tác từ tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, nhưng xem cái cách mà NSND Hồng Vân và các nghệ sĩ của chị "chiều" khán giả, mới thấy khoảng cách của sân khấu kịch Hà Nội và sân khấu kịch TP.HCM đã xa nhau biết chừng nào.

Giải thưởng cũng... cũ

Tuy nhiên giữa tất cả những cái cũ được lòng khán giả và những cái cũ nhàm chán ấy, ban giám khảo đã chọn trao giải cho những cái cũ "sạch sẽ". Cả hai vở mang đến hơi thở mới đầy sinh khí cho hội diễn là Cầu vồng lục sắc và Âm binh (Tuổi Trẻ ngày 27-7) đều bị gạt ra khỏi danh sách ba huy chương vàng. Với ba huy chương vàng dành cho Tội ác và quyền lực của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Lũ quét của đạo diễn Hoàng Mai và Những mặt người thấp thoáng của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, một lần nữa ban giám khảo cho thấy tiêu chí an toàn cả ở nội dung lẫn hình thức (có Nam có Bắc, có già có trẻ, có quân đội có nhân dân...) đã được đặt lên trên những trăn trở tìm tòi của nghệ sĩ. Một đạo diễn có ba vở dựng theo ba phong cách hoàn toàn khác nhau như Anh Tú, hay như cách mà diễn viên Kim Oanh tự bỏ tiền dựng Mùa hạ cay đắng, cách mà Trường ÐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM mang Ám ảnh đến liên hoan đã không được ghi nhận xứng đáng.

Cuộc liên hoan - tổng kiểm kê tài sản sân khấu kịch đương đại, vì vậy, tuy tốn kém nhưng hình như cũng đã không đạt được mục tiêu cần thiết: để các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ biết mình đang thật sự là ai? Ðang đứng ở đâu? Ðang cần cho ai? Sau một trận mưa giải thưởng với 107 giải các loại thì đúng là nhìn ra các giá trị thực cũng không phải là điều đơn giản.

THU HÀ

Phải đẩy nhanh xã hội hóa sân khấu kịch

Ông NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG (cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL, trưởng ban tổ chức):

Thành công nhất của liên hoan lần này chính là sự góp mặt hài hòa giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và các đơn vị xã hội hóa. Có 20 đơn vị thì đã có tám đơn vị xã hội hóa với 10 vở diễn. Ngay cả ở miền Bắc, từ trước tới nay đa số là các đơn vị công lập, được Nhà nước bao cấp toàn bộ, nhưng lần này cũng xuất hiện một lần ba đơn vị xã hội hóa tham diễn tại liên hoan. Qua việc này có thể đánh giá xu hướng xã hội hóa nghệ thuật sân khấu kịch nói là xu hướng tất yếu, con đường duy nhất để thúc đẩy nghệ thuật sân khấu kịch phát triển. Chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa mới có thể tạo ra được thị trường nghệ thuật lành mạnh.

NSND NGUYỄN NGỌC BÌNH (giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế):

Phải ghi nhận một điều rằng trong liên hoan lần này chúng ta đã thật sự ghi nhận sự tìm tòi, đổi mới của các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Có những vở diễn của những đơn vị này dài tới ba tiếng nhưng khán giả vẫn say sưa xem, không thấy chán. Nói như vậy không phải phủ nhận các đơn vị nghệ thuật công lập không có sự tìm tòi, nhưng ở mức độ nào đó họ chưa vượt qua được thói quen và cách làm cũ, phong cách dàn dựng và phong cách biểu diễn khiến khán giả có cảm giác nhàm chán. Từ sự so sánh trên có thể thấy rằng trong cơ chế thị trường, khi các hoạt động nằm trong dạng xã hội hóa thì các đơn vị phải bằng mọi cách đổi mới mình nhằm mục đích thu hút công chúng. Công chúng chính là người nuôi dưỡng nghệ sĩ và tái tạo tác phẩm cho đơn vị nghệ thuật.

TIẾN LONG - PHAN THÀNH ghi

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây