Theo thông tin từ người phụ trách truyền thông của đơn vị tổ chức (Công ty Cát Tiên Sa), đó là quy định mới của ban tổ chức, cụ thể: nghệ danh của ca sĩ tham gia chương trình phải được xưng rõ bằng tiếng Việt. Còn Nathan Lee, ca sĩ biểu diễn trong chương trình Album vàng hôm đó, chia sẻ: “Lee cũng chưa hiểu vấn đề như thế nào, nên hôm đọc tên mình như vậy, mình hơi ngạc nhiên. Vì Nathan Lee là nghệ danh đã gắn với Lee bấy lâu nay. Lee sống ở nước ngoài từ nhỏ, khi về VN, Lee vẫn dùng nghệ danh đó mấy năm nay để hoạt động nghệ thuật”. Tuy nhiên anh khẳng định: “Khi tham gia chương trình nào, mình phải chấp nhận yêu cầu của ban tổ chức. Còn lại, mình vẫn là Nathan Lee”.
Thật ra, lâu nay, đã có không ít những phản ánh, ý kiến trái chiều của khán giả về việc nghệ sĩ ta chuộng tên nước ngoài, hoặc thích gây sốc bằng những nghệ danh nửa Tây nửa ta, hay đặt tên album bằng tiếng Anh (dù nội dung đa số tiếng Việt hoặc hoàn toàn tiếng Việt). Chuyện chẳng có gì đáng ầm ĩ (bởi nghệ danh thuộc về quyền của mỗi cá nhân), nếu những nghệ danh mà ca sĩ chọn đặt cho mình khi đọc lên nghe hợp lý, thuận tai và chấp nhận được. Đằng này, nhiều nghệ sĩ là người Việt 100%, nhưng nghe tên gọi thì cứ tưởng ở nơi nào xa lắm, chẳng hạn như Chan Than San, Wanbo hay Baby J.
Song phản ảnh, lên án là một chuyện, còn nghệ sĩ có tiếp thu, rút kinh nghiệm hay không lại là chuyện khác, bởi chưa có văn bản luật nào cấm cả. Thế nên, có lẽ cùng với xu hướng hội nhập (như nhiều nghệ sĩ giải thích khi đề cập chuyện nghệ danh, đặt tựa album hoặc hát ca khúc có tiếng nước ngoài), ngày càng nhiều cái tên ca sĩ phối hợp giữa ta và Tây xuất hiện (và lý giải như thế mới sành điệu, hợp thời): Brother A Tuấn Anh, Akira Phan, Takej Minh Huy… Không chỉ vậy, cả các diễn viên trẻ cũng không cưỡng lại được mốt đặt nghệ danh “song ngữ hợp bích” này: Tùng Min, Hạnh Sino, Cường Seven, Huyền Baby… Dù ai cũng có lý do riêng khi đặt tên để bước vào giới giải trí, nhưng chính vì những nghệ danh nghe cứ “nửa nạc nửa mỡ” không giống ai như thế mới dẫn đến những làn sóng phản đối trên các diễn đàn âm nhạc, rằng nghệ sĩ ta chuộng Tây bỏ ta, lai căng…
Cấm cũng phải có luật
Việc một số ca sĩ có nghệ danh bằng tiếng nước ngoài bỗng dưng bị gọi tên thật trên truyền hình cả nước khi tham gia Album vàng như đã đề cập ở trên đã khiến các nghệ sĩ, nhất là những ai lấy nghệ danh tương tự, xôn xao lẫn “nhìn lại, chỉnh sửa”. Một ca sĩ, xin được không nêu tên, tỏ vẻ bức xúc: “Chuyện nghệ danh, hay đặt tên album, ca khúc có tiếng nước ngoài, đối với một số ca sĩ còn là bước đệm để họ tiếp cận thế giới. Miễn những cái tên ấy, nội dung ấy không vi phạm thuần phong mỹ tục nước mình. Còn nếu đã cấm thì phải cấm ngay từ đầu, hoặc có luật rõ ràng, chứ không thể tự nhiên muốn đổi là đổi được”. Ca sĩ Noo Phước Thịnh bộc bạch: “Noo là tên thân mật ở nhà, giai đoạn đầu đi hát mình ghép vào tên thật nghe cho lạ, nhưng tương lai mình cũng muốn nghệ danh được gọi bằng tên chính thức. Nếu hiện nay đã có quy định về điều này thì chắc sẽ đổi lại thành Phước Thịnh thôi”.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những thông tin và việc cấm hay hạn chế tối đa (hoặc đổi thành tên thật như trong chương trình Album vàng) đều chưa được cụ thể hóa trên văn bản nào, mà có thể đó chỉ là những nhắc nhở được truyền miệng. Bởi vậy, đa số các ca sĩ đều cho rằng: nếu chỉ đổi - dùng tên thật của mình trong một chương trình như vậy thì cũng chẳng sao, dù trong lòng (tất nhiên) không thấy phục.
“Bộ luật Dân sự quy định: bí danh, nghệ danh hay bút danh mà không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác thì không ai hay tổ chức nào được thay đổi. Trường hợp một đơn vị tổ chức ca nhạc không ghi nghệ danh của ca sĩ bằng tiếng nước ngoài là do quy định riêng của đơn vị đó với ca sĩ đó, còn về luật thì đơn vị tổ chức đó không được phép tự tiện thay đổi nghệ danh nếu không có sự đồng ý của ca sĩ” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng văn phòng Luật sư Hậu và cộng sự (TP.HCM) Đ.T (ghi) |
Tác giả: Nguyên Vân
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc