1. Theo con số thống kê, tại cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" năm nay, tổng số tin nhắn bình chọn cho các thí sinh mỗi tuần khoảng trên dưới 20.000 tin nhắn. Thường thì người được bình chọn nhiều nhất giữ khoảng 5.000 tin thì những người còn lại trung bình chỉ còn được 1.000 tin nhắn. Số lượng này thua xa những lần tổ chức trước (lượng tin nhắn mỗi tuần lên tới con số hàng triệu). Ngoại trừ lý do năm nay, Ban tổ chức "Sao Mai điểm hẹn" cho phép mỗi số máy chỉ được nhắn bình chọn một tin (mọi năm, một số máy có thể thoải mái bình chọn). Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy sự kém hào hứng của khán giả trong cuộc chơi này. Bởi thực tế, số lượng thuê bao điện thoại của Việt
Chương trình "Vietnam Idol" lần thứ 3 cũng bớt thu hút khán giả, mặc dù đây là những chương trình được truyền hình trực tiếp, được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ngoài lượng khán giả có mặt trực tiếp ở sân khấu thì lượng khán giả quan tâm không nhiều. Điều này thể hiện ở tin nhắn, những phần bình luận trên các trang báo điện tử có dấu hiệu... hờ hững hơn. Đến nay, khi hai cuộc thi ca nhạc được đánh giá là có quy mô lớn nhất này đang bước vào giai đoạn quan trọng, chỉ còn trên dưới 10 thí sinh trong mỗi cuộc thi nhưng nhiều khán giả vẫn không thể nhớ nổi tên ca sĩ. Điều này khác xa với các lần thi trước, khán giả có thể đọc vanh vách tên tuổi ca sĩ, hào hứng cùng họ sau mỗi đêm diễn.
Việc khán giả có chiều hướng thờ ơ hơn với các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình bởi hiện nay có quá nhiều các cuộc thi tương tự vậy. Ngoài hai cuộc thi kể trên, còn có "Tiếng ca học đường", "Ngôi sao tiếng hát truyền hình", "Hát cho niềm đam mê", "Bệ phóng âm nhạc"... cũng cùng mục tiêu tìm kiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực ca nhạc. Trong bầu không khí lộn xộn chung của nhạc Việt thì hiếm có cuộc thi nào cũng như ít có nhân tố nào đủ sức gây bùng nổ, ấn tượng như thời các ca sĩ Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê, Phương Linh, Ngọc Anh, Anh Khoa… đi thi. Nhiều chương trình giống nhau lại tập trung vào cùng thời điểm, dẫn tới hậu quả thiếu "đầu vào" một cách trầm trọng. Các nhà đài và ban tổ chức các cuộc thi thì cứ phải làm thường niên để phát sóng nên chất lượng thí sinh các năm thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi. Năm nào, cuộc thi nào có được một, hai gương mặt mới đạt chất lượng thì coi như Ban tổ chức thở phào nhẹ nhõm. Nếu không, cũng đành chuẩn bị sẵn tâm lý "bó đũa chọn cột cờ".
2.Bắt nguồn từ việc nhiều cuộc thi đồng loạt tổ chức khiến cho các gương mặt thí sinh tham gia những cuộc đọ sức này trở nên quá quen thuộc, nhàm chán. Có không ít người trong số họ kinh qua hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, quyết tâm săn bằng được giải thưởng. Cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" năm nay là một ví dụ. Nhiều người bạo miệng còn gọi là những gương mặt "nát nhàu". Ngoài 3 thí sinh được đặc cách từ cuộc thi "Sao Mai" năm 2009 là Hoài Thu, Viết Quang và Mỹ Như quá quen thuộc, một số thí sinh còn lại cũng là những người đã từng "chinh chiến" tại nhiều cuộc thi hát trên truyền hình. Minh Chuyên, Pha Lê, Hoàng Anh, Ngọc Luân, Lan Trinh là các thí sinh từng trong top 10 cuộc thi "Vietnam Idol" 2008; Đinh Mạnh Ninh là người đoạt giải Nhất cuộc thi "Tiếng hát ca học đường". Điều đáng buồn là những nhân tố khá mới mẻ thì lại chưa tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Các thí sinh "nhẵn mặt" từ cuộc thi này đến với cuộc thi khác để mong có thứ hạng cao hơn và tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ công chúng. Sau "Vietnam Idol", Ngọc Minh, Hải Yến tiếp tục thử sức ở "Sao Mai điểm hẹn" và kết quả là hình ảnh có phần đi xuống. Ngược lại, sau khi thi thố tại "Sao Mai điểm hẹn" 2006, ca sĩ Cẩm Tú lại tiếp tục thử sức mình ở "Vietnam Idol" nhưng tình hình cũng chẳng mấy được cải thiện. Có một câu chuyện thú vị là tại vòng thi tuyển giọng cuộc thi "Vietnam Idol" 2010, ca sĩ Siu Black đã tròn xoe mắt ngạc nhiên nói với một thí sinh: "Nhìn em quen quá. Năm ngoái em thi rồi phải không". Thí sinh nọ nở nụ cười duyên công nhận "vì em muốn gặp chị"!
Thực tế, có những ca sĩ không chiến thắng ở cuộc thi này nhưng giành thắng lợi ở cuộc hi khác như Hạ Trâm. Thất bại ở "Vietnam Idol" 2007 nhưng lại thành quán quân "Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình" ngay sau đó. Tiêu Châu Như Quỳnh thất bại ở "Tiếng ca học đường", "Pepsi talent show" nhưng lại chiến thắng ở "Ngôi sao tiếng hát Truyền hình" 2009… Chuyện một người tham gia nhiều cuộc thi là chuyện bình thường và đó là quyền của họ. Tuy nhiên, phải công nhận một sự thật rằng, chính sự nhàm chán, quen thuộc về các thí sinh đã khiến cho các cuộc thi kém hấp dẫn, cuốn hút hơn. Biết vậy, nhưng điều này quả là "lực bất tòng tâm".
Thí sinh quen mặt, lại ít có đột phá trong diễn xuất là nguyên nhân quan trọng đưa chương trình rơi vào sự tẻ nhạt. Điều này đã ít nhiều bộc lộ trong các đêm diễn của thí sinh ở "Sao Mai điểm hẹn" năm nay. Để có lần, nhạc sĩ Tuấn Khanh phải nhận xét: "Tôi có cảm giác các em đang chọn bài để đối phó với thể loại nhạc và Hội đồng nghệ thuật. Trong khi đó giữ phong cách, khả năng của mình mới là điều quan trọng". Bên cạnh đó, qua những liveshow đầu tiên cho thấy cách tăng số lượng các thí sinh từ 12 lên 16 dường như khiến cho chất lượng thí sinh cũng như chất lượng nghệ thuật của chương trình giảm sút đi nhiều.
3.Một điều nữa khiến các cuộc thi ca nhạc, dẫu vẫn hấp dẫn với thí sinh ham mê săn tìm cơ hội để khẳng định mình nhưng có phần kém hấp dẫn với khán giả bởi cách tổ chức tương đối giống nhau. Nếu như trước đây, chỉ cuộc thi "Vietnam Idol" mới có việc sự thành bại của thí sinh phụ thuộc hoàn toàn vào tin nhắn bình chọn của khán giả thì năm nay, 3 vòng đầu của "Sao Mai điểm hẹn" cũng áp dụng phương thức tương tự. Không có giải thưởng dành riêng của Hội đồng nghệ thuật mà Hội đồng nghệ thuật chỉ có thể được phép vớt 2 thí sinh nằm trong số 6 thí sinh có phiếu bình chọn thấp nhất.
Chúng ta hiểu rằng, không phải cứ khán giả bình chọn là khách quan mà chứa đựng nhiều rủi ro cho những ca sĩ tài năng thực sự nhưng công tác PR không tốt. Sự dừng chân của Ngọc Luân và Hoàng Anh tại "Sao Mai điểm hẹn" 2010 khiến cho nhiều người bất ngờ. Bởi nếu theo dõi các đêm thi sẽ thấy đây không phải là 2 ca sĩ yếu nhất trong nhóm các thí sinh dự thi. Trước đây, đã có tình trạng, thí sinh bị cả Hội đồng nghệ thuật lẫn khán giả đánh giá thấp, vậy mà vẫn thản nhiên đi tiếp vào vòng trong vì số phiếu bầu chót vót. Điều này sẽ khiến những khán giả yêu sự công bằng, nghiêm túc ở mỗi cuộc thi thất vọng.
Không chỉ dừng lại ở hiện tượng khán giả kém hào hứng mà gần đây cũng xuất hiện tâm lý ngại ngần ở ngay bản thân các thí sinh dự thi. Hầu hết các cuộc thi hiện nay đều chỉ dừng ở việc trao cho người chiến thắng một danh hiệu và tiền thưởng, sau đó là họ tự bơi tiếp trên hành trình của mình. Và hành trình ấy chưa bao giờ dễ dàng. Những ngôi sao của nhiều cuộc thi như Hạ Trâm, Duy Khoa, Quốc Thiên, Hải Yến… vẫn đang loay hoay chọn lối đi cho mình. Chỉ một số ít may mắn trưởng thành từ những cuộc thi, nhanh chóng hòa nhập vào đời sống âm nhạc bằng những show diễn, những dự án âm nhạc, ra album hay trở thành ca sĩ độc quyền của một công ty âm nhạc nào đó. Thậm chí có nhiều ca sĩ đi hát mà cát sê không đủ để tái đầu tư, mua sắm quần áo, ra album. Nhưng buồn hơn khi có ca sĩ, sau cuộc thi, vì tham vọng nổi tiếng lại vướng vào scadal rẻ tiền. Chính vì vậy, để mỗi cuộc thi là bộ lọc tốt nhất có thể chọn ra được những tài năng ca nhạc thật sự, cần lắm sự đầu tư kỹ lưỡng của những nhà tổ chức và sự quan tâm, giám sát của khán giả.
Tác giả: Thảo Duyên
Ý kiến bạn đọc