Trong thời kì đỉnh cao của mình, Lee Hendrie kiếm hơn 30,000 bảng một tuần khi chơi cho Aston Villa tại giải Ngoại hạng. Anh từng một lần được triệu tập lên tuyển Anh và được coi là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá xứ sương mù, cùng thế hệ với Frank Lampard, Rio Ferdinand, Steven Gerrard.
Nhưng ở tuổi 35 hiện nay, những ngày tháng đi xe xa xỉ, đắt tiền, sống trong ngôi nhà triệu đô đã không còn. Vào tháng 1/2012, sau khi đối mặt với vòng xoáy nợ nần và bị tịch thu nhà, Hendrie đã tuyên bố mình phá sản. Trước đó, Hendrie từng hai lần tự sát nhưng không thành.
Cựu cầu thủ sinh năm 1977 của Aston Villa đã mất sạch tài sản. |
Theo tổ chức từ thiện thể thao XPro, Hendrie chỉ là một trong rất nhiều cầu thủ đang rơi vào những rắc rối tài chính nghiêm trọng. Tổ chức này cũng khẳng định cứ 5 cầu thủ chơi ở giải Ngoại hạng, thì 3 người sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản chỉ 5 năm sau khi giải nghệ
Gordon Taylor, giám đốc điều hành PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp), thì cho rằng số liệu này chưa chính xác. Theo ông, tỷ lệ đó chỉ khoảng 10 - 20%. Nhưng có một thực tế không phải bàn cãi là rất nhiều cầu thủ giàu có đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Cũng thật khó để thông cảm cho những cầu thủ này, đặc biệt khi họ có lối sống và tiêu xài vô cùng hoang phí. Trường hợp của Hendrie lại khác. Chia sẻ với chương trình BBC Radio 4's You and Yours, cựu tiền vệ Aston Villa cho biết chính khả năng quản lý tài chính yếu kém và cuộc hôn nhân đổ vỡ đã dẫn anh đến tình trạng khánh kiệt hiện nay.
“Tôi từng kiếm được rất nhiều tiền lúc còn thi đấu, từ năm 21 tuổi đến khi giải nghệ ở tuổi 33. Một tuần khi đó tôi thường nhận được 30,000 bảng. Tôi đã tự hỏi bản thân sẽ quản lý đống tiền kiếm được như thế nào. Tôi cho rằng mình phải có được những điều mà người bình thường không có được. Cầu thủ bóng đá thì phải có: xe đẹp, nhà đẹp, quần áo đẹp, những kỳ nghỉ xa xỉ. Khi bạn có tiền, mọi thứ đều trở nên dễ dàng đạt được”, Hendrie cho biết.
Cha của Hendrie, một cựu cầu thủ chuyên nghiệp người Scotland, đã khuyên anh nên đầu tư những khoản kiếm được một cách khôn ngoan. Và nhờ sự tư vấn của nhiều người, Hendrie đã tích góp được hơn 10 triệu bảng. Nhưng đến năm 2010, tất cả tài sản của anh đều bốc hơi.
“Nếu như ai đó nói rằng tôi đã tiêu hết tiền vào cờ bạc hay tôi không hề quan tâm đến tài sản của mình thì đều không đúng”, Hendrie bổ sung thêm. “Tôi đã dùng tiền để chăm sóc gia đình và đầu tư. Nhưng cuộc ly hôn đã lấy đi của tôi rất nhiều, sau đấy tôi lại mua những ngôi nhà mà không thể bán được, đó thực sự là những khoản đầu tư tồi”
“Khi đó có vẻ như những người thường đưa ra lời khuyên cho tôi cũng không tìm được giải pháp nào. Tôi thực sự đã mất tất cả”.
Cuộc đời của Hendrie đã chạm đáy khi anh hai lần cố gắng tự sát, kết quả là anh phải sống nhờ máy trợ sinh một thời gian. Hiện anh cố gắng làm lại từ đầu với người bạn đời mới của mình. Hendrie đã mở trường đào tạo bóng đá cho thiếu nhi tại Midlands.
Peter Kelsey, nhà tư vấn cho những người giàu có, bao gồm cả cầu thủ và giới showbiz, thường khuyên khách hàng của mình rằng danh tiếng và tiền bạc có thể chỉ là nhất thời.
“Tôi đã nói với nhiều cầu thủ rằng sự nghiệp của họ không thể kéo dài mãi mãi, nên những kế hoạch tài chính cho tương lai là vô cùng quan trọng”, Kelsey cho biết. "Những cầu thủ này có thể coi là một nhóm người giàu có nhưng lại không có được sự giáo dục tốt như những người thành đạt khác trong xã hội. Họ thường noi theo những hình mẫu không tốt. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề giống như Lee Hendrie từng phải đối mặt”
Danh sách những cầu thủ rơi vào cảnh phá sản còn có hai cựu cầu thủ của Manchester United, Keith Gillespie và Eric Djemba-Djamba, cựu hậu vệ Newcastle Celestine Babayaro. Hai cựu thành viên Liverpool, John Barnes và John Arne Riise cũng từng tuyên bố phá sản nhưng sau đó đã rút lại thông tin này
Trao đổi với BBC Radio 5 Live, giám đốc điều hành PFA Gordon Taylor cũng đặt câu hỏi về vai trò của những người đại diện khi cầu thủ của họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông nói: “ Có vẻ như những người đại diện này luôn có mặt khi cầu thủ của họ trong giai đoạn đỉnh cao, nhưng khi cầu thủ khốn đốn thì họ đã không còn ở đấy nữa rồi. Khi gặp khó khăn, tất cả các thủ đều tìm đến PFA để xin tư vấn”.
“Vấn đề không phải là tiết kiệm, hay chi tiêu cẩn thận, mà là lối sống của các cầu thủ hiện nay. Không phải tất cả các cầu thủ đều thực hiện lối sống tốt. Vì thế, tìm ra “lối thoát hiểm” cho những cầu thủ rơi vào hoàn cảnh khó khăn là rất quan trọng”.
Mạnh Phạm
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc