Phóng đại dường như đang trở thành thói quen ở Anh. Một nghiên cứu xã hội học mới đây của công ty thống kê Ipsos Mori cho thấy khoảng cách rất lớn giữa những gì người Anh nghĩ với thực tế. Ví dụ, người Anh nghĩ rằng tỷ lệ trung bình các bé gái dưới 16 tuổi có thai hằng năm là 16%. Nhưng theo Ipsos Mori, tỷ lệ này chỉ là 0,6%. Tương tự, người Anh lâu nay vẫn nghĩ 31% dân số nước họ là dân nhập cư, hoặc có gốc nhập cư, dù tỷ lệ thực tế chỉ là 13%.
Bóng đá Anh cũng được phóng đại theo cách tương tự. Nhờ sự phổ thông của ngôn ngữ, bộ máy truyền thông hùng mạnh cũng như việc các ông chủ ngoại quốc xuất hiện ồ ạt, Ngoại hạng Anh nhiều năm qua vẫn tự vỗ ngực là giải vô địch số một thế giới về tính cạnh tranh và sức hấp dẫn, là điểm đến mơ ước cho mọi siêu sao.
Rooney, Wilshere đều được lăng xê là thần đồng, là thiên tài của Ngoại hạng Anh, nhưng tuyển Anh với họ là trụ cột vẫn chơi đì đẹt ở các giải đấu lớn. |
Những cầu thủ bản địa có chút tài năng đều nhanh chóng được ca tụng, gắn mác thần đồng, siêu sao tầm thế giới. Nhưng tuyển Anh, từ sau Euro 1996 trên sân nhà đến nay, chưa hề lọt vào tới bán kết một giải đấu lớn. Các lứa trẻ của họ liên tục thảm bại nặng nề ở các giải trẻ gần đây như U21 châu Âu và U20 thế giới.
Mà ngay cả những cầu thủ bản địa tài năng giờ cũng thuộc diện hàng hiếm, khi các đội bóng đều thích mua và sử dụng những món hàng ngoại. Thống kê cho thấy chỉ 38% số cầu thủ được đăng ký dự Ngoại hạng Anh mùa vừa qua đủ điều kiện được HLV Roy Hodgson gọi lên tuyển - tỷ lệ cho thấy rõ sự lép vế giữa các cầu thủ Anh với những đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng tỷ lệ trên có lẽ còn giảm xuống thấp hơn ở mùa tới, nếu nhìn vào diễn biến phiên chợ hè năm nay.
Tính đến ngày 10/7, 20 đội bóng dự Ngoại hạng Anh đã mua 52 cầu thủ. 36 trong đó là những người nước ngoài được mua thẳng từ các giải vô địch bên ngoài. Bốn người khác là những cầu thủ ngoại quốc được mua bán giữa nội bộ các CLB Anh. Điều đó đồng nghĩa với việc gần 80% các vụ chuyển nhượng trong sáu tuần qua tính từ khi phiên chợ hè Anh mở cửa chỉ đơn thuần là nhập khẩu cầu thủ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khác xa với cái danh xưng mà họ tự nhận - điểm đến hấp dẫn nhất cho những siêu sao hàng đầu thế giới, Ngoại hạng Anh hè này vẫn chưa thu hút được một tên tuổi lớn nào. Những ngôi sao sáng giá nhất đều đã bỏ qua đề nghị từ các CLB Anh.
Falcao gia nhập Monaco, trong khi việc Cavani ra mắt ở PSG chỉ còn là vấn đề thời gian. Lewandowski, như cả Bayern lẫn Dortmund thừa nhận, chỉ thích đầu quân cho "Hùm Xám" và sẽ làm điều đó từ hè 2014. Ngay cả một ngôi sao sắp hết thời như David Villa, người được Tottenham và Arsenal theo đuổi, cũng từ chối sang Anh khi thất sủng ở Barca - tiền đạo này chọn sang Atletico Madrid. Neymar thì chọn Barca thay vì Chelsea, đại gia từng săn đón anh. Henrikh Mkhitaryan, một ngôi sao người Armenia mới nổi lên ở Shakhtar Donetsk, cũng bơ phớt đề nghị của Liverpool để đi theo tiếng gọi từ Dortmund.
Navas là nhà vô địch châu Âu và thế giới duy nhất đến Ngoại hạng Anh hè này, nhưng anh chưa vươn tới tầm siêu sao. |
Thay cho những ngôi sao có "số má", Ngoại hạng Anh chỉ đón các cầu thủ loại hai, ngay cả với những cái tên được chú ý nhất, gồm Razvan Rat (West Ham), Ricky van Wolfswinkel (Norwich), Andrea Schurrle (Chelsea), Jesus Navas (Man City), Modibo Diakite (Sunderland), Guillermo Varela (Man Utd), Aleksandar Tonev (Aston Villa), Jose Canas (Swansea) và Fernandinho (Man City).
Dù cũng có chút tiếng tăm, độ phủ của những cái tên trên ở Anh vẫn tương đối hạn chế. Chiếu cố lắm, có lẽ chỉ mình Navas xứng đáng được gắn mác siêu sao, nhờ việc chuyên gia chạy cánh phải từng đứng trong hàng ngũ tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 rồi Euro 2012. Nhưng con số 14,9 triệu bảng phí chuyển nhượng mà Man City trả cho Sevilla để đổi lấy Navas cho thấy đây không xứng đáng gọi là thương vụ bom tấn, chưa kể việc Man City gần như không có đối thủ tương xứng cỡ Real, Barca hay PSG trong cuộc đua tranh chữ ký tiền vệ này.
Nếu xét theo những tiêu chuẩn khắt khe hơn chẳng hạn như số danh hiệu mà các tân binh có được trước khi sang Anh, trong 20 năm lịch sử, Ngoại hạng Anh có lẽ chỉ có bốn cái tên xứng đáng được gọi là siêu sao tầm cỡ thế giới từng đến thi đấu. Họ gồm có Hernan Crespo, Juan Veron, Andriy Shevchenko và Marc Overmars. Trong số này, Overmars là trường hợp hiếm hoi có thể được xem là một bản hợp đồng bom tấn mang lại thành công.
Những cái tên đáng chú ý khác đến từ bên ngoài biên giới Anh trong thời gian này phần lớn đều nằm ở ba nhóm. Đó hoặc là những sao trẻ triển vọng (Cristiano Ronaldo, Cesc Fabregas, Van Persie), hoặc những cầu thủ đến từ các giải đấu thấp kém hơn hoặc đã có chút danh nhưng cần bước lên một nấc thang mới trong sự nghiệp (Cantona, Van Nistelrooy, Mutu, Kezman, Torres, Nasri, Silva, Suarez, Aguero, Mata) hoặc những cầu thủ từng thất bại ở các giải đấu khác (Dennis Berkamp, Patrick Vieira, Thierry Henrry).
Hình ảnh Ronaldo, Fabregas, Van Nistelrooy năm xưa có thể tái hiện ở những gương mặt trẻ đến với Ngoại hạng Anh hè này như Varela (Man Utd), Iago Aspas (Liverpool) hay Andrea Schurrle, Marco Van Ghinkel (cùng Chelsea). Họ chưa hề là sao số ngày mới sang Anh, nhưng có thể đạt tới tầm cỡ đó một khi ra đi.
Ngoại hạng Anh hè này bất lực nhìn những con cá lớn như Falcao, Cavani tìm sang các giải đấu lớn khác. |
Tuy nhiên, ngay cả niềm hy vọng gửi gắm vào những cái tên trẻ trung, mới mẻ và giàu tiềm năng này vẫn không đủ che khuất thực tại đau lòng với Ngoại hạng Anh. Sức hấp dẫn mà họ từng tự hào vỗ ngực là số một thế giới của Ngoại hạng Anh đã không còn.
Về mặt tiền bạc, Ngoại hạng Anh giờ thậm chí còn ít hấp dẫn hơn cả Ligue 1, nơi hai đại gia mới nổi là Monaco và PSG vung tiền theo cách mà những đại gia lâu nay nổi tiếng mạnh vì gạo bạo vì tiền ở Anh như Chelsea hay Man City cũng phải chào thua. Trong khi đó, việc Neymar chọn sang Barca, Lewandowski ở lại Đức, nơi Mkhitaryan cũng hào hứng đến từ Ukraine cho thấy La Liga và Bundesliga rõ ràng có sức hấp dẫn lớn hơn Ngoại hạng Anh.
Phương My
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc