Lê Quang Liêm. Ảnh: Chessdom.
Thể thao Việt Nam qua mỗi thời kỳ đều có những thế hệ VĐV đạt được những đỉnh cao, nuôi dưỡng niềm tự hào về trí tuệ và sức vươn lên của người Việt trên các đấu trường quốc tế.
Ở thời điểm này, Lê Quang Liêm, kỳ thủ hiện đứng thứ 31 thế giới, đã trở thành biểu tượng chiến thắng cho trí tuệ Việt Nam với hành trình 16 năm gắn bó bền chặt với bàn cờ.
Sinh ra trong một giai đình không có truyền thống về cờ vua, 7 tuổi Lê Quang Liêm làm quen với quân cờ sau khi được anh trai hướng dẫn. Lúc đó cả hai anh em coi cờ như một niềm yêu thích trẻ thơ. Có năng khiếu và lòng đam mê, Lê Quang Liêm nhanh chóng được phát hiện và chỉ 3 năm sau, cậu bé đã có mặt ở đấu trường quốc tế. Ngay ở những lần xuất ngoại đầu tiên, Liêm đã đạt HC bạc U10 thế giới năm 2001. Hai năm sau cậu giành HC bạc U12 thế giới và đến năm 2005 trở thành nhà vô địch thế giới U14.
Đánh cờ hay nhưng Liêm vẫn không quên việc học. Cậu bé liên tục là học sinh giỏi qua các năm dù nhiều lúc phải bỏ dở việc học hàng tháng vì bận đi thi đấu. Đó là nhờ kế hoạch học bù hiệu quả mà Liêm luôn thực hiện.
Lê Quang Liêm từng đứng giữa ngã ba đường để chọn trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp và đi học. Đó là vào tháng 6/2006, thời điểm Liêm phải thi tốt nghiệp cấp 2, đồng thời đội tuyển quốc gia gọi đi dự Olympiad cờ vua thế giới. Đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu, Liêm muốn tập trung vào việc học là chính, nhưng cũng muốn đáp lại thịnh tình của các bác, các chú trong Liên đoàn cờ Việt Nam với mong muốn đem lại vinh dự cho thể thao nước nhà nếu thi đấu thành công.
Bản thân gia đình Liêm cũng bị lay động giữa hai quyết định này. Cuối cùng thấy con quá đam mê cờ, cả nhà quyết định động viên Liêm thi đấu, đồng thời giấu Liêm gửi đơn xin ngành thể thao và Bộ Giáo dục cho Liêm được miễn thi tốt nghiệp.
Tại Olympiad cờ vua thế giới năm đó, Liêm thi đấu rất hay, thắng 5 đại kiện tướng quốc tế, hòa 5 đại kiện tướng quốc tế khác và được đặc cách phong đại kiện tướng quốc tế. Trong khi đó, ở nhà Thủ tướng Phan Văn Khải ký công văn đề nghị Bộ Giáo dục miễn thi tốt nghiệp cho Liêm để em tập trung thi đấu.
Hai năm sau, trở lại đấu trường Olympiad cờ vua, Liêm đạt 8 điểm / 11 ván (6 thắng, 4 hoà, 1 thua) góp phần đưa Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 10 tại giải với vị trí thứ 9/154 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, đồng thời đứng đầu nhóm B. Đến năm 2009, anh giúp đội tuyển Việt Nam vô địch đồng đội châu Á và cuối năm lần đầu tiên lọt vào Top 100 thế giới với vị trí thứ 93, đạt số điểm Elo cao nhất mà một kỳ thủ Việt Nam từng có - 2647.
Giai đoạn 2010-2011 chứng kiến sự thăng hoa của Lê Quang Liêm. Đây là quãng thời gian Liêm trở thành kỳ thủ đầu tiên hai năm liền vô địch Aeroflot - một trong những giải cờ vua mở rộng mạnh nhất thế giới. Anh là khách mời của rất nhiều giải đấu uy tín như Dortmund (Liêm hai lần giành ngôi á quân), Spice Cup (1 lần vô địch), giải tưởng niệm Campormanes (á quân)... Trong bảng xếp hạng tháng 7/2011 của FIDE, lần đầu tiên Lê Quang Liêm có mức Elo 2715, gia nhập nhóm siêu đại kiện tướng quốc tế và trở thành kỳ thủ trẻ số 1 thế giới. Cuối năm 2011 anh còn giành 2 HC vàng, đóng góp vào thắng lợi của cờ vua Việt Nam tại SEA Games 26.
Sau quãng thời gian đấu đâu thắng đó, Liêm trải qua năm 2012 trầm lắng với chuỗi thành tích không mấy ấn tượng. Anh thậm chí còn bị rớt ra ngoài nhóm siêu đại kiện tướng quốc tế có Elo từ 2700. Kỳ thủ số 1 Việt Nam đã kịp thời lấy lại được phong độ và trở lại với nhóm này trong giai đoạn cuối năm.
Sang năm 2013, Liêm khởi đầu ấn tượng ở giải Gibraltar, nhưng hụt chân ở giai đoạn cuối nên lỡ cơ hội giành vị trí cao.
Sau 16 năm đánh cờ, giờ Lê Quang Liêm đã là một tên tuổi có tiếng trong làng cờ thế giới. Giản dị, khiêm tốn, lao động nghiêm túc và đam mê cờ, Liêm là hình mẫu thành công của một kỳ thủ Việt Nam vươn lên tầm thế giới. Anh cũng là minh chứng cho thấy trí tuệ Việt Nam có thể sánh ngang với năm châu bốn bể, là nguồn cổ vũ, động viên cho giới trẻ Việt tự tin hơn bước chân vào thế giới cờ vua.
Cuộc phỏng vấn trực tuyến Lê Quang Liêm bắt đầu từ 9h00 ngày 11/3. Mời bạn đọc gửi trước câu hỏi về hộp thư thethao@vnexpress.net hoặc tại đây để trò chuyện với vị khách mời.
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc