HLV Michael Baroch. Ảnh: VTF.
Từng đến Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái trong một khoảng thời gian ngắn để làm việc với Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF), đồng thời làm quen với lực lượng VĐV quần vợt đỉnh cao, sau 5 tháng, HLV kỳ cựu người Australia Michael Baroch đã quay trở lại TP HCM.
Giống như lần trước sự có mặt của HLV nổi tiếng thế giới này tại Việt Nam là kết quả của chương trình làm việc giữa VTF và Liên đoàn quần vợt Australia, trong đó phía Australia mời HLV Baroch làm chuyên gia cho hoạt động hợp tác đào tạo VĐV Việt Nam trong môi trường chuyên nghiệp.
Dự kiến trong năm 2013 ông sẽ dành thời gian 7 tuần để huấn luyện cho đội tuyền và các vận động viên năng khiếu quần vợt trẻ trong độ tuổi U10. Theo đó, thời gian dành cho đội tuyển quần vợt quốc gia là 5 tuần và 2 tuần dành cho các vận động viên trẻ. Trong ngày 12/3, ông đã tiến hành kiểm tra sân bãi ở một số CLB tại TPHCM cùng lãnh đạo Liên đoàn quần vợt Việt Nam và bước đầu góp ý về việc cần xây dựng thêm các trung tâm rèn thể lực bổ trợ để hoàn thiện mô hình đào tạo chuyên nghiệp.
Sự có mặt của ông Baroch tại Việt Nam là một sự kiện. Xét về danh tiếng, Baroch là một trong những HLV nổi tiếng trên thế giới, người là học trò của HLV huyền thoại Tony Roche và là thày trực tiếp của hai ngôi sao thượng thặng Maria Sharapova, Mark Philippoussis.
Khi còn trẻ, ông từng thi đấu chuyên nghiệp, là bạn tập chính của Ivan Lendl, Stefan Edberg, Monica Seles và Martina Navratilova. Chính HLV Tony Roche đã đưa Baroch vào đội tuyển Australia dự Davis Cup và mời ông tham gia công việc trong thời kỳ nhận lời huấn luyện Roger Federer. Được học với Tony Roche từ bé và làm việc nhiều với vị HLV gạo cội này nên phong cách cũng như tư duy của Michael Baroch chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thày.
Trong sự nghiệp huấn luyện trực tiếp, đỉnh cao của ông là tham gia đào tạo hai học trò giỏi là Maria Sharapova và Mark Philippousis. Nói về Sharapova, ông Baroch nhớ lại: "Tôi là HLV của cô ấy trong lần đầu dự Wimbledon 2003. Vũ khí lớn nhất lúc đó của cô ấy là sức mạnh tinh thần. Cô ấy rất ngoan cường, không bao giờ nản chí hay bỏ cuộc. Có thể lúc đó Sharapova chưa phải là ngôi sao, nhưng cô ấy đã có tinh thần mạnh mẽ của một tay vợt kỳ cựu. Huấn luyện Sharapova rất vui. Cô ấy có thái độ rất đáng yêu và là học trò mà tôi cảm thấy dễ làm việc cùng nhất".
Ở thời điểm đó, Baroch dẫn Sharapova đi thi đấu 3 giải: ở Birmingham cô thua ở vòng 1/16. Đến Wimbledon cô dừng chân ở vòng 4 và sau đó vô địch WTA lần đầu trong đời tại Nhật Bản mở rộng.
Theo Baroch, chính ông đã giúp Sharapova tìm được cách thi đấu cũng như chuẩn bị tốt nền tảng thể lực để giành chức vô địch Wimbledon năm 2004.
“Cô ấy chưa từng thi đấu trên sân cỏ trước đó, còn mặt sân yêu thích nhất của tôi chính là sân cỏ. Tôi thích tin tưởng rằng chính những bài học của tôi dạy cô ấy cách thi đấu trên sân cỏ đã góp phần tạo nên lối chơi của cô ấy. Chỉ một năm sau lần đầu dự Wimbledon, cô ấy đã vô địch".
Nói về quãng thời gian ngắn từ năm 1997-98 làm việc với Philippoussis, ông nhận xét: "Cậu ấy là một tài năng nhưng hơi lười. Đó là lý do khiến cậu ấy không thể trở thành một nhà vô địch"
Hiện nay Baroch là giám đốc học viện quần vợt quốc tế Melbourne (MITS). Việc mời ông đến Việt Nam là một nỗ lực rất lớn của VTF bởi vấn đề chi phí. Dù ông chỉ nhận mức thù lao tượng trưng vì được Liên đoàn quần vợt Australia giới thiệu, nhưng theo tiết lộ của VTF đó cũng là một mức rất cao so với điều kiện của Liên đoàn.
Trong quãng thời gian làm việc ngắn ở Việt Nam, ông Baroch sẽ có những tư vấn quan trọng để cải thiện và bước đầu chuyên nghiệp hóa môi trường đào tạo quần vợt đỉnh cao theo hướng phù hợp với quốc tế.
Anh Hoàng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc