Chi tiền thông minh - bí quyết sống còn ở Ngoại hạng Anh

Thứ hai - 24/06/2013 22:15 675 0
Các đội bóng Ngoại hạng Anh đã đến lúc cần kiểm soát tiền lương cầu thủ dựa trên phong độ và thành tích thi đấu, tờ Guardian phân tích trong bối cảnh luật công bằng tài chính sẽ được áp dụng từ mùa tới.
Financial-Fair-Play_1371001496[149608258
Luật công bằng tài chính do Chủ tịch UEFA khởi xướng sẽ tước bỏ một phần sức mạnh của các đội bóng nhà giàu.

Báo cáo tài chính thường niên của hãng Deloitte gần đây đã chỉ ra một vấn đề của bóng đá Anh: tiền lương dành cho các cầu thủ ngày một tăng cao. Tính cả 4 giải đấu chuyên nghiệp ở xứ sở sương mù, tiền lương cầu thủ tổng cộng là 1,6 tỷ bảng, tăng 12% so với mùa trước. Đây là một vấn đề gây đau đầu, vì đã có hơn 120 CLB khắp châu Âu rơi vào cảnh phá sản kể từ năm 2007. Số phận hẩm hiu đó thậm chí không tha những đội bóng giàu truyền thống như Glasgow Rangers, Leed United, Parma...

Tuy nhiên, trong trường hợp trả lương quá ít, chính CLB phải nhận lấy hậu quả xấu. Giới chuyên gia từng chỉ ra rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa việc chi trả lương và thành tích thi đấu của đội bóng. Bởi vậy, quan trọng là ban lãnh đạo CLB phải tìm cách trả lương thật thông minh.

Theo Guardian, trả lương theo thành tích là một chiến lược được áp dụng rất thành công trong kinh doanh. Bóng đá hoàn toàn có thể áp dụng được chiếc lược này. Các CLB không cần phải chi quá nhiều. Thay vào đó, họ có thể kích thích động lực thi đấu của cầu thủ bằng cách tạo sự gắn kết với đội bóng.

Trả lương theo thành tích là một biện pháp tốt cho đội bóng, vậy các cầu thủ có đồng ý với điều này? Guardian đã thử thảo luận với những đại diện cầu thủ hàng đầu nước Anh và đa số đều nói rằng thân chủ sẵn lòng ký hợp đồng với mức lương được trả theo thành tích. Vì như vậy, các cầu thủ sẽ nhận được những mức thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra, đôi khi có thể vượt mức giá trị thị trường nếu họ thi đấu với phong độ ấn tượng.

Ferran Soriano, cựu giám đốc tài chính của Barcelona từng áp dụng chính sách trả lương theo thành tích cho đội bóng xứ Catalan. Trong cuốn sách "Goal", Soriano đề cập: "Rất nhiều người cho rằng các cầu thủ chẳng bao giờ chấp nhận đề nghị trả lương theo thành tích". Thế nhưng tại Barca hiện nay, chính sách của Soriano vẫn được áp dụng. Theo đó, 2/3 tiền lương là cố định và 1/3 được trả dựa trên thành tích đội bóng. Cầu thủ phải ra sân ít nhất 60% tổng số trận đấu của mùa giải mới được nhận thêm. Sau những thành công được áp dụng tại Barca, Soriano đã được những ông chủ của Manchester City mời về giữ vị trí Giám đốc điều hành.

Ferran-Soriano-Manchester-010[1496082585
Ferran Soriano, giám đốc điều hành của Manchester City

Dưới quan điểm của Soriano, trả lương theo thành tích trong bóng đá có khác biệt so với kinh doanh. Các CLB không thể quy định một mức lương thành tích cho mỗi cá nhân riêng biệt mà phải gắn liền với tập thể. Một trong những đội bóng hàng đầu tại Premier League hiện nay thưởng thành tích cho toàn đội bóng 950.000 bảng nếu giành quyền tham dự Champions League. Con số này sẽ chia đều cho tất cả cầu thủ. Vậy tại sao các CLB không trả tiền thành tích theo cá nhân? Soriano lý giải nếu tiền thưởng được tính theo số bàn thắng thì các cầu thủ có thiên hướng chơi ích kỷ, muốn tự ghi bàn hơn là chuyền cho đồng đội đang ở vị trí thuận lợi. Nếu tiền thưởng tính trên số pha kiến tạo, các cầu thủ lại muốn chuyền cho đồng đội ghi bàn hơn là tự dứt điểm. Ở tuyến dưới, các hậu vệ cũng sẽ chăm chăm lo phòng ngự mà không dám dâng cao tấn công nếu thưởng tiền theo thành tích giữ sạch lưới.

Từ ý tưởng của Soriano, một số ít các CLB bóng đá ở Anh hiện nay đang tính toán cách trả lương dựa trên hiệu quả thi đấu của từng cá nhân. Vấn đề quan trọng là tìm ra tiêu chí đánh giá. Dựa trên thành công của triết lý "Moneyball" trong môn bóng chày, các nhà quản lý bóng đá tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề chính là hệ thống phân tích tổng hợp đánh giá đóng góp của từng cầu thủ vào thành tích đội bóng. Gần đây, Arsenal, một đội bóng có cách chi tiêu rất khoa học, cũng đã trả lương cho các cầu thủ dựa vào con số phân tích rất chặt chẽ của ban huấn luyện. Từ đó, đủ để thấy, việc phát triển một hệ thống phân tích có thể giúp CLB trả lương hiệu quả hơn trong tương lai.

"Cái gì không mua được bằng tiền có thể mua bằng nhiều tiền hơn". Triết lý này đã dẫn đến thành công ngắn hạn của nhiều CLB châu Âu dựa trên túi tiền vô tận của các ông chủ Nga, Ả Rập. Nhưng trong kỷ nguyên của Luật công bằng tài chính, nhiều tiền không phải lúc nào cũng tốt. Malaga là một ví dụ khi họ bị cấm thi đấu ở châu Âu mùa tới. Đã đến lúc, các CLB bóng đá phải chi trả một cách thông minh để hướng đến sự phát triển bền vững.

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây