Sau cơn bão tiêu cực năm 2005, hàng chục trọng tài nằm trong diện điều tra của công an, trong đó nhiều người đã bị bắt giam. Ai cũng nghĩ sau cú sốc lớn đến thế, đội ngũ trọng tài sẽ được làm sạch và bầu không khí trong lành sẽ trở lại nhưng cuối cùng tất cả đều nhầm. Có thể trọng tài không còn là những "ông vua con", thoải mái yêu sách các đội chủ nhà như thời điểm trước năm 2005 nhưng nhiều người vẫn sẽ không từ chối nếu được gí phong bì vào túi.
Tiêu cực trong giới trọng tài Việt Nam đang là khu vực bất khả xâm phạm. Ảnh: Đức Đồng. |
Từ vài năm nay, chuyện đội bóng quà cáp với trọng tài được người trong làng bóng nói đến nhiều. Có đội bóng còn lập cả "ban chống xuống hạng" mà mục đích chính là "chăm lo" cho các trọng tài. Thế nên, đã có nhiều trường hợp sai sót được chính người phụ trách chuyên môn đội ngũ trọng tài nói rằng "không thể lý giải bằng chuyên môn". Đây chỉ là một cách nói tránh của việc nghi vấn có tiêu cực đằng sau.
Nếu VFF mời C45 Bộ Công an vào cuộc sớm hơn, không loại trừ có những vụ việc đình đám hơn nhiều. Chẳng hạn như đằng sau việc hai trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết liên tiếp mắc sai sót nặng trong hai trận cầu quyết định suất trụ hạng của Hải Phòng mùa giải 2011 là gì. Vì sao khi VFF treo còi vĩnh viễn mà họ lại không một lời oán thán.
Rồi chuyện Ban trọng tài liên tục phê phán các đội bóng, cầu thủ, HLV hành xử thiếu chuyên nghiệp khi bất cứ quyết định nào của trọng tài cũng nhảy bổ vào phản ứng. Thế nhưng, chưa khi nào chúng ta đặt câu hỏi ngược lại là vì sao các đội bóng lại thiếu tôn trọng trọng tài đến thế. Ở V-League, có nhiều trọng tài vẫn được các đội bóng tôn trọng, thậm chí không mảy may nghi ngờ khi họ mắc sai sót. Những trọng tài đó không bị phản ứng không phải vì họ có uy mà còn vì họ sạch, không chấp nhận "đi đêm" với đội bóng. Vậy có thể đặt câu hỏi ngược lại là đội bóng phản ứng trọng tài vì họ không sạch. Rất có thể.
Một khi trọng tài đã nhận quà của một đội bóng, vĩnh viễn trong mắt các thành viên đội bóng đó, ông trọng tài đó không còn đáng được tôn trọng. Và nếu trong một trận đấu khác, trọng tài đó có quyết định bất lợi cho đội bóng đó vì lỡ "thân" với đội khác hơn thì chuyện HLV, cầu thủ của đội bóng kia phản ứng quyết liệt, thậm chí bất chấp luật lệ cũng là điều đương nhiên.
Ngay Trưởng ban tổ chức giải Trần Duy Ly cũng thừa nhận có hiện tượng nhiều đội bóng "có điều kiện" vẫn gây tình cảm cho trọng tài bằng cách bồi dưỡng gọi là để bù đắp đường sá xa xôi. Số tiền này thường nằm trong khoảng 5-10 triệu đồng như một cái lệ nếu không muốn bị trọng tài làm khó. Và chính những người trong giới từng nghe khá nhiều câu chuyện về các trọng tài đang trong vòng nghi án từng được các đội bóng "o bế". Chẳng hạn, liệu có phải ngẫu nhiên khi một loạt sai sót nặng nhất ở V-League thời gian qua đều rơi vào hai trợ lý trọng tài Đỗ Mạnh Hà, Phạm Đắc Chiến và cũng đều diễn ra ở sân Lạch Tray, nơi vốn có tiếng về vấn đề trọng tài.
Chỉ cần VFF và Ban tổ chức giải hợp tác tích cực khi C45 vào cuộc, dám chắc sẽ còn nhiều vụ động trời được lôi ra ánh sáng.
Nguyễn Tùng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc