Tranh cãi về tuổi bắt đầu dùng smartphone

Thứ hai - 19/08/2013 13:18 941 0

Khác với điện thoại cơ bản vốn chỉ có vai trò duy trì liên lạc và giải trí như nghe nhạc và chơi game đơn giản, smartphone mở ra một thế giới đầy mới mẻ và hấp dẫn như duyệt web, truy cập mạng xã hội, chat... nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường trước.

Michael Moyer, một người bố, cho hay ông cố gắng để iPhone khuất tầm mắt cậu con trai 2 tuổi. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này cũng phát huy tác dụng trong một số trường hợp như khi họ phải đi khám bệnh. "Nó sợ bác sĩ và việc sử dụng điện thoại khi chờ đến lượt khám giúp nó giảm căng thẳng", Moyer cho hay. Ông định khi con được 6-7 tuổi sẽ mua cho con một smartphone riêng, nhưng vẫn lo lắng liệu thiết bị này sẽ được phát huy như một công cụ học tập, hay lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

smartphone-1376908542.jpg
Nhiều ông bố bà mẹ băn khoăn vì không muốn con dùng smartphone, nhưng đây cũng là một công cụ học tập hiệu quả.

Một khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ di động Zact (Mỹ) cho thấy 56% trong số trẻ em từ 10 đến 13 tuổi sở hữu smartphone và một con số bất ngờ là 25% trẻ từ 2 đến 5 tuổi có điện thoại thông minh. Số liệu này có thể không đúng ở Việt Nam bởi Việt Nam vẫn được xếp ở nhóm thị trường mới nổi trong khi tại Mỹ, doanh số smartphone đã vượt qua điện thoại cơ bản đã khá lâu. Tuy nhiên, câu hỏi chung cùng được đặt ra là liệu bọn trẻ có nên sở hữu smartphone sớm và tuổi nào là phù hợp?

Thử hình dung tình huống, trong bữa ăn tối, cô con gái 10 tuổi đề nghị bố mẹ mua smartphone (không phải điện thoại cơ bản). Nhiều người lập tức phản đối không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, trước khi nói không, họ nên hỏi vì sao cô bé lại muốn có smartphone.

"Vấn đề cần đặt ra là smartphone dùng cho mục đích cụ thể gì, chứ không phải là bọn trẻ nên sử dụng smartphone ở tuổi nào", Tiến sĩ Pamela Rutledge, Giám đốc Trung tâm Media Psychology Research Center, nhận định trên LaptopMag. "Nếu đứa trẻ chơi một môn thể thao nhóm và tham gia nhiều vào khâu hậu cần, chúng có thể được phép dùng điện thoại thông minh".

Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng muốn sở hữu vì có nhu cầu nhất định. Đôi khi chỉ là chúng thấy nhiều bạn trong lớp dùng thiết bị nên cũng muốn một chiếc.

Tiến sĩ Sherry Turkle thuộc Viện công nghệ MIT lại cho rằng smartphone không có "tội", nhưng lo ngại bọn trẻ sẽ giảm dần việc tương tác mặt đối mặt - thứ vốn giúp chúng phát triển cảm xúc và kỹ năng giao tiếp. "Nói chuyện với người khác là quá trình để bọn trẻ học cách nói chuyện với chính mình, học cách ở một mình. Học cách ở một mình là một trong những cơ sở của sự phát triển giai đoạn đầu đời và không phụ huynh nào muốn bọn trẻ bỏ qua điều đó chỉ bởi vì chúng được lấp đầy khoảng trống bằng một thiết bị", Turkle cho hay. "Trẻ cần suy nghĩ độc lập mà không cần dựa vào một thiết bị nào hết. Chúng cần khám phá trí tưởng tượng, khám phá bản thân để một ngày nào đó chúng hình thành mối quan hệ với người khác mà không ngại việc phải ở một mình. Nếu không dạy bọn trẻ ở một mình (mà để chúng giết thời gian bằng việc chơi với thiết bị), rồi chúng sẽ chỉ luôn cảm thấy mình đơn độc".

Turkle chỉ ra rằng mỗi khi ở một mình, khi đang rảnh rỗi hay chờ đợi ai đó, nhiều người lại có thói quen tìm đến điện thoại, trong khi trước đây họ từng có thể ngồi hàng giờ suy nghĩ, ngắm nghía cảnh vật xung quanh mà không cần đến sự hỗ trợ của smartphone để giết thời gian.

"Tôi không nghĩ có một thời điểm cụ thể, tuổi cụ thể cho việc dùng smartphone. Quyết định tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ. Nhưng đây là quyết định nên trì hoãn càng lâu càng tốt", Turkle nhấn mạnh.

Còn Pamela Rutledge cho rằng các bậc phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn về mục đích sử dụng với bọn trẻ thay vì đơn giản áp đặt và từ chối, khiến chúng chỉ càng có thái độ tiêu cực. "Không đứa trẻ nào được phép dùng smartphone hay tiếp cận với Internet khi chưa được bố mẹ hướng dẫn kỹ càng về các nguy cơ bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, sự tồn tại vĩnh viễn của các dữ liệu được đưa lên Internet, rằng mọi thứ chúng chia sẻ đều có thể được tìm kiếm và đôi khi, phản ứng trên mạng trước một vấn đề rất khác với ngoài đời", Rutledge nhấn mạnh. "Nó giống như sử dụng xe hơi vậy: vừa hữu ích, vừa nguy hiểm. Bạn không thể đơn giản trao cho chúng chìa khóa, bạn phải dạy chúng nhiều bài học và phải đảm bảo là chúng hiểu rõ vấn đề".

Châu An

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây