Trên thị trường hiện nay, phần lớn các TV tầm trung và cao cấp sử dụng loại tấm nền màn hình (Panel) In-Plane Switching (IPS) hoặc Vertical Alighment (VA), trong khi các sản phẩm giá rẻ sử dụng cấu trúc tấm nền Twisted Nematic (TN).
Cùng sử dụng công nghệ LCD LED, nhưng các mẫu TV này cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, thể hiện màu sắc sống động hơn, góc nhìn rộng hơn mẫu TV khác. Sự khác biệt trong cấu trúc của tấm nền tinh thể lỏng là yếu tố quyết định khá nhiều đến chất lượng hình ảnh thể hiện trên TV.
Màn hình cấu trúc tinh thể lỏng dạng xoắn - Twisted Nematic (TN)
Đây là cấu trúc màn hình tinh thể xuất hiện đã khá lâu trên thị trường và phổ biến trên các dòng TV tầm thấp. Ưu điểm là giá rẻ nhưng khuyết điểm của loại tấm nền màn hình TN chính là ở góc nhìn rất hẹp. Nếu người dùng không ngồi đối diện thẳng với TV, hình ảnh và màu sắc thấy được trên màn hình sẽ trông bị nhạt đi. Lợi thế duy nhất là công nghệ cho tốc độ phản hồi nhanh nhất nếu so với VA và IPS, tuy nhiên, sự chênh lệch này không thể hiện rõ rệt đối với người dùng.
Cấu trúc cơ bản của màn hình LCD. |
Để có thể nhận biết ra TV sử dụng cấu trúc tấm nền TN, người dùng có thể tham khảo thông số kỹ thuật của sản phẩm. Phần lớn với loại TV sử dụng cấu trúc màn hình này có thông số góc nhìn khá hẹp.
Màn hình cấu trúc tinh thể lọc xếp dọc - Vertical Alignment (VA)
Xét về góc nhìn, màn hình cấu trúc tấm nền VA tốt hơn nhiều TN. Nó cho phép người xem có thể thưởng thức được hình ảnh với màu sắc tốt ngay cả khi ở vị trí không phải là trung tâm của màn hình TV. Sự cải tiến hơn của VA là Super Pattern Vertical Alignment (gọi tắt S-PVA), được Samsung và Sony ứng dụng nhiều trên TV của họ, cho góc nhìn rộng và thể hiện màu đen sâu hơn.
Sharp cũng phát triển một phiên bản riêng của cấu trúc tấm nền VA và gọi tên là Axially Symetric Vertical Alignment (viết tắt là ASV), và về cơ bản vẫn sử dụng các tinh thể lỏng xếp dọc.
Sự khác biệt về chất lượng hình ảnh và tuổi thọ của IPS và VA nằm ở sự sắp xếp các tinh thể lỏng ngang hay dọc. |
Cho góc nhìn rộng hơn và khả năng thể hiện màu đen sâu, nhưng với cấu trúc cơ bản là các tinh thể lỏng được xếp dọc, vuông góc với màn hình nên màn hình VA dễ bị tổn thương hơn, có thể dễ dàng nhận ra khi người dùng gõ vào bề mặt thì màn hình sẽ bị loé sáng lên, khiến hình ảnh đang hiển thị sẽ bị lưu lại trong một thời gian ngắn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tuổi thọ của loại màn hình tinh thể lỏng dạng VA không dài, và màu sắc có thể bị thay đổi sau một thời gian sử dụng nhất định.
Màn hình cấu trúc tinh thể lỏng chuyển hướng trong mặt phẳng - In-Plane Switching
IPS là cấu trúc tấm nền được phát triển từ LG Display, một công ty sản xuất tấm nền màn hình của LG. Thực tế, trên thị trường hiện nay chia làm 2 nhánh khác nhau của IPS bao gồm S-IPS, phổ biến và xuất hiện nhiều hơn trên các dòng TV LED của LG, Philips cũng như ở các thiết bị cầm tay của Apple như iPhone, iPad hay các loại smartphone khác, được đánh giá cao về màu sắc. Loại còn lại là IPS-alpha, thường thấy trên các dòng TV LED của Panasonic với lợi thế là về độ tương phản và độ sáng cao hơn S-IPS.
IPS cho chất lượng hiển thị tốt nhất nhưng giá thành cao hơn TN. |
Với cấu trúc tinh thể lỏng có thể linh hoạt chuyển hướng khi hoạt động, màn hình IPS nói chung cho góc nhìn rộng và khả năng đảm bảo màu sắc tốt nhất, hơn TN và VA. Ngoài ra, cấu trúc tinh thể lỏng trên IPS cũng giúp cho màn hình LED trở nên bền và có tuổi thọ và khả năng giữ màu tốt hơn các loại khác, không gặp phải hiện tượng loé sáng hay cháy hình khi gõ vào. Tốc độ phản hồi của IPS cũng là tốt nhất, nhờ vậy giúp cho hình ảnh chuyển động nhanh luôn rõ ràng.
Video so sánh màn hình VA và IPS
Tuy vậy, điểm hạn chế của màn hình IPS là khả năng thể hiện độ sâu đen không bằng được VA.
Sự phổ biến của ba cấu trúc màn hình tinh thể lỏng hiện nay
Thương hiệu | Loại tấm nền sử dụng phần lớn |
LG | S-IPS |
Panasonic | IPS-alpha |
Philips | S-IPS |
Samsung | S-PVA |
Sharp | ASV |
Sony | S-PVA |
Toshiba | VA |
Nguồn: Cnet |
TN chỉ còn xuất hiện hạn chế trên các dòng TV màn hình tinh thể lỏng giá rẻ thì hai công nghệ IPS và VA lại đang có sự ganh đua khá quyết liệt. Cho dù VA được xem là phổ biến hơn khi vẫn được sử dụng ở đa dạng các sản phẩm của Sharp, Samsung, Sony và Toshiba. Nhưng IPS thì đang được đánh giá là loại màn hình có được nhiều tiềm năng chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.
Thị trường TV đang chững lại trong một, hai năm gần đây khiến các hãng TV như LG, Philips hay Panasonic có thời gian dịch chuyển sang sử dụng hoàn toàn công nghệ tấm nền IPS trên sản phẩm LED. Hãng TV Hàn Quốc cho biết, hơn 80% TV LED thế hệ mới của hãng bán ra trong năm nay sử dụng màn hình S-IPS, ngoại trừ các model kích thước "lạ" như 26 hay 39 inch.
Với sự cạnh tranh trên, công nghệ màn hình TN được dự báo là sẽ sớm bị xoá sổ chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi LCD truyền thống bị thay thế hoàn toàn bởi LED. Thậm chí, trang công nghệ Cnet còn khuyên người dùng nên tránh xa TN nếu như có ý định chọn mua một mẫu TV màn hình rộng cho gia đình.
Ở những dòng sản phẩm màn hình khác như Monitor cho máy tính hay thiết bị cầm tay, công nghệ IPS còn tạo được lợi thế lớn hơn và đang thay thế dần cho cả VA. Theo hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch, sự tăng trưởng nhanh hay muộn của IPS phụ thuộc vào mức độ giảm giá của công nghệ này.
Mỹ Anh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc