Mảng smartphone cao cấp luôn là trọng tâm trong chiến lược phát triển của các nhà sản xuất lớn, có tên tuổi. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu ABI Research bắt đầu nhận thấy doanh thu điện thoại thông minh đang dần chững lại do tốc độ tăng trưởng của dòng cao cấp giảm mạnh vì thị trường bão hòa. Trong khi người tiêu dùng tại những thị trường mới nổi lại lựa chọn các model tầm trung và giá rẻ. Do đó, dù thành công trong mảng cao cấp, nếu muốn hướng đến số đông và tiếp tục có lãi, các hãng điện thoại phải có sản phẩm trải dài trên mọi phân khúc.
Tiềm năng lớn của thị trường smartphone nằm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ. |
Trừ Apple, các hãng như Samsung, Sony, LG... vẫn đều đặn giới thiệu các mẫu tầm trung và giá rẻ trong năm. Nhưng dễ nhận thấy, các sản phẩm này được phân phối ra thị trường không hề ồn ào, không có những lễ công bố hoành tráng, không có các video đầy ẩn ý trước buổi ra mắt, không có cảnh giới truyền thông háo hức chờ đón thiết bị và những điểm nổi bật trên điện thoại tầm trung thường là được kế thừa từ dòng cao cấp đã trình làng trước đó...
Những thông tin xuất hiện gần đây cho thấy thói quen này đang dần thay đổi. Nokia là một ví dụ. Lumia 625, smartphone có giá chỉ hơn 6 triệu đồng, lại là smartphone được trang bị màn hình lớn nhất của Nokia với 4,7 inch - kích thước thường chỉ gặp trên điện thoại cao cấp. Trước khi tung ra sản phẩm, Nokia cũng đăng hình ảnh ẩn ý về "một thứ gì đó lớn sắp ra đời", khiến không ít người tò mò chờ đợi.
Tương tự, Google và Motorola không cần phải trang bị cấu hình "khủng" cho Moto X mới giúp máy được chú ý. Smartphone này được cho là cũng có giá hơn 6 triệu đồng giống như Lumia 625, nhưng vẫn khiến người ta phải quan tâm bởi nó hội tụ tinh hoa của hai hãng công nghệ Mỹ: thiết kế đẹp, khả năng tùy biến, phần mềm ấn tượng (camera, nhắc báo, kích hoạt giọng nói), sản xuất tại Mỹ - những thứ chưa từng có trên điện thoại Google hay Motorola.
Theo BusinessWeek, số người dùng smartphone đã vượt ngưỡng 1 tỷ, có nghĩa đa số những ai có khả năng mua smartphone thì họ đã mua rồi. Nhưng còn 5 tỷ người khác chưa sở hữu điện thoại thông minh, mở ra cơ hội lớn cho các hãng như ZTE, Huawei của Trung Quốc và cả các hãng lớn như Samsung, Nokia kinh doanh thiết bị giá thấp nếu muốn tăng thị phần.
Còn Apple thì sao? Việc tung ra sản phẩm "giá rẻ" không hợp với truyền thống của họ. Apple vốn luôn được ví như Porsche của ngành công nghệ - doanh số thấp, lợi nhuận dẫn đầu. Họ giới thiệu sản phẩm một cách có chọn lọc và đa số nằm ở phân khúc giá cao. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong thời gian tới khi mà Apple chỉ còn chiếm 14% thị phần điện thoại, thành tích thấp nhất 3 năm qua của họ.
"Apple đang phải hứng chịu sức ép lớn trong việc phân phối thêm các mẫu iPhone với giá rẻ hơn hoặc màn hình lớn hơn để đảm bảo có lợi nhuận cao trong nửa sau năm 2013", hãng phân tích Strategy Analytics nhận định.
Liên tục những tháng gần đây, tin đồn về iPhone giá rẻ (thực chất có mức giá tầm trung khoảng 300-400 USD) của Apple xuất hiện trên mạng. Thiết bị được cho là có tên iPhone 5C (iPhone Color), sử dụng vỏ nhựa. Nếu iPhone 5C được công bố trong tháng 9, nó sẽ khiến phân khúc tầm trung trở nên "sôi sục" và các hãng sản xuất khác lại phải đối phó với một đối thủ đáng gờm.
Smartphone giá cao sẽ vẫn "nóng" bởi doanh thu của các hãng chủ yếu đến từ phân khúc này. Tuy nhiên, với những diễn biến mới đây cùng sự bão hòa trên thị trường cao cấp, cuộc đua tầm trung cũng sẽ quyết liệt và hứa hẹn có nhiều bất ngờ không kém.
Châu An
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc