Mặc dù HDTV hiện nay có nhiều model thông minh trang bị ngõ kết nối mạng Internet hay đi kèm thiết bị set-top box để truy xuất nội dung trên mạng như Roku, Chromecast hay Apple TV, nhưng đôi khi bạn vẫn có nhu cầu trình chiếu những tập tin hình ảnh, đa phương tiện, nội dung một trang web nào đó từ máy tính cho mọi người cùng xem hay để xem phim HD đã mắt hơn trên màn hình lớn của TV.
Trình chiếu nội dung từ máy tính lên TV dễ dàng qua vài bước thực hiện. Ảnh: Digitaltrends. |
Xác định loại cổng video được trang bị trên máy tính và TV
Máy tính hiện nay thường trang bị nhiều loại cổng tín hiệu video để xuất hình ảnh ra màn hình hay TV. Hãy xác định loại cổng video có cả trên máy tính và trên TV để tìm loại cáp tương ứng kết nối máy tính với TV. Hầu hết các model TV mới hiện nay đều được trang bị đầy đủ các loại cổng hình ảnh lẫn âm thanh thông dụng. Một số mẫu rẻ tiền thường tiết giảm bớt các loại cổng giao tiếp cũ như S-Video hay VGA mà chỉ giữ lại loại cổng kết nối mới như HDMI.
Cổng VGA (Video Graphics Array) là cổng xuất hình ảnh mà hầu hết máy tính được sản xuất trong khoảng 10 năm gần đây đều trang bị. Cổng này có dạng hình thang với 15 chân sắp xếp theo 3 hàng. Loại cổng VGA chỉ cung cấp tín hiệu hình ảnh, do đó bạn phải kết nối thêm một dây âm thanh riêng từ máy tính vào TV. Ngõ ra tín hiệu âm thanh trên máy tính thường là loại cổng có đầu cắm 3,5 mm màu xanh lá nhạt hay thường được đánh dấu bằng ký hiệu chiếc tai nghe. Bạn có thể gắn ngõ ra âm thanh này trực tiếp với ngõ vào âm thanh trên TV hay cũng có thể kết nối với dàn âm thanh ngoài.
Cổng kết nối DVI (Digital Video Interface) cũng là loại cổng tín hiệu hình ảnh khá phổ biến trên máy tính bên cạnh cổng VGA truyền thống. Cổng DVI cung cấp tín hiệu hình ảnh kỹ thuật số với đầu cắm hình chữ nhật, trang bị 24 chân giao tiếp sắp xếp theo 3 hàng bên trong.
Cổng S-Video (Separate-Video/Super-Video) là loại cổng có hình tròn với 4, 7 hay 9 chân bên trong tùy loại. Tương tự cổng VGA, cổng S-Video là loại cổng ra chỉ dành cho tín hiệu video mà không đi kèm âm thanh. Một số model TV cũ có trang bị cổng S-Video, tuy nhiên chất lượng hình ảnh khi xuất qua cổng này thường có chất lượng không cao.
Cổng Composite là loại cổng tín hiệu hình ảnh tiêu chuẩn có mặt trên hầu hết các mẫu TV mới cũng như cũ. Tuy nhiên, loại cổng này lại không được mặc định tích hợp trên máy tính, trừ một số mẫu card đồ họa rời chuyên dụng dành cho biên tập phim. Cổng Composite có đầu cắm dạng tròn (thường gọi là giắc cắm hoa sen) màu vàng, thường đi kèm với hai cổng kết nối âm thanh stereo đỏ và trắng. Tương tự S-Video, cổng Composite chỉ cung cấp chất lượng hình ảnh chuẩn nên không phù hợp khi trình chiếu nội dung độ nét cao.
HDMI là chuẩn kết nối được thiết kế dành cho trình chiếu độ nét cao. Ảnh: JustAnswer. |
Có mặt trên máy tính từ năm 2008, cổng HDMI (High-Definition Multimedia Interface) được thiết kế cho các kết nối độ phân giải cao. Cho đến nay, cổng HDMI là loại cổng cung cấp chất lượng hình ảnh tốt nhất từ máy tính ra màn hình hay TV. Đặc biệt, HDMI còn là công nghệ kết nối vượt trội hơn so với các loại cổng giao tiếp trước đây nhờ cung cấp cả hình ảnh lẫn âm thanh trong một cáp kết nối duy nhất. Hầu hết các model laptop hay card đồ họa rời cho máy tính để bàn đời mới đều hỗ trợ cổng HDMI.
Trước khi cổng HDMI ra đời, nhà sản xuất đã trang bị cho các model máy tính trước đó loại cổng DisplayPort. Tương tự HDMI, cổng DisplayPort cũng cung cấp cả hình ảnh và âm thanh. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay không có model HDTV nào hỗ trợ loại cổng này. Bạn có thể mua đầu chuyển DisplayPort-HDMI hay DisplayPort-VGA.
Kết nối máy tính với TV
Trước hết, hãy tắt máy tính nếu máy đang hoạt động. Bố trí đặt máy tính gần với TV trong khoảng cách mà độ dài cáp kết nối của bạn cho phép. Gắn cáp kết nối giữa máy tính với TV, sử dụng loại đầu chuyển tương ứng nếu cần.
Chọn nguồn vào là PC sau khi kết nối cáp giữa máy tính và TV. Ảnh: Wikihow. |
Sau khi đã bật nguồn máy tính và TV, hãy vào trình đơn và thiết lập nguồn vào hình ảnh là PC. Nếu cáp kết nối đã chọn không hỗ trợ truyền âm thanh, hãy gắn cáp âm thanh 3,5 mm riêng trực tiếp từ máy tính vào TV. Khi đó, bạn phải thực hiện một số điều chỉnh thiết lập âm thanh trên TV. Thử chuyển tùy chọn thiết lập từ âm thanh digital (thường dùng cho kết nối HDMI) sang video cho đến khi có được âm thanh trên loa TV.
Một số TV không hiển thị được hình ảnh ngay sau khi kết nối. Hãy tạm tháo dây tín hiệu giữa máy tính với TV, thực hiện điều chỉnh độ phân giải xuống mức tối thiểu sau đó gắn lại cáp kết nối. Một số model HDTV thường hiển thị hình ảnh ở tỷ lệ 16:9 nên khung hình sẽ bị giãn ra. Hãy điều chỉnh độ phân giải thích hợp cho đến khi có được hình ảnh tốt nhất.
Huy Thắng
Mẹo tăng thời lượng pin trên iOS 7
Với một vài tùy chỉnh nhỏ, người dùng có thể cải thiện phần nào thời lượng dùng pin của các thiết bị di động chạy iOS 7.
Khai thác hiệu quả SSD trên laptop
Thay vì trang bị SSD dung lượng lớn và đắt tiền, bạn vẫn có thể áp dụng những thủ thuật dưới đây để tối ưu hóa không gian lưu trữ của SSD mà không tốn nhiều chi phí.
Kiểm tra hệ thống âm thanh trước khi lựa chọn
Trước khi chi tiền mua bất kỳ món đồ âm thanh nào, hãy kiểm tra các tính năng quan trọng như công suất, kích thước loa, subwoofer, cáp kết nối… để có được chất lượng mong muốn cho dàn âm thanh của bạn.
5 cách nâng cấp chất lượng âm thanh TV
TV hiện nay hiếm khi có hệ thống loa tốt, trong khi những model trang bị dàn loa mạnh mẽ thì lại thường đắt tiền. Cách kinh tế nhất để có âm thanh chất lượng cao cho TV là kết nối với dàn âm thanh gắn ngoài.
5 bước cải thiện chất lượng hình ảnh TV
Ngoài chế độ định sẵn, hầu hết các hãng sản xuất TV đều cung cấp chế độ thiết lập chất lượng hình ảnh theo tùy chỉnh của người dùng, mang đến hình ảnh rõ nét, độ bão hòa và màu sắc tự nhiên hơn.
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc