Vương Văn Quân , Tình nguyện viên của Trung tâm Nghị lực Sống
Vương Văn Quân là họa sĩ đã tham gia Trung tâm Nghị lực sống được 4 năm. Khi còn là sinh viên, muốn được tham gia một công tác xã hội, qua những người bạn, Quân biết đến người thủ lĩnh Nguyễn Công Hùng.
Chia sẻ về cuộc sống đời thường của Nguyễn Công Hùng, Quân nhấn mạnh: ,Thực ra, trở ngại lớn nhất của anh ấy chỉ là sức khỏe. Ngoài ra, không có gì có thể cản trở anh. Anh Hùng có rất nhiều hoài bão chưa làm xong, những việc đã làm đó chính là nỗ lực của bản thân anh ấy".
Quân chia sẻ khoảng thời gian đồng hành cùng "hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng, anh nhận thấy rằng: ,Lúc có dự án anh ấy hay bị day dứt khi chưa hoàn thành công việc. Vì vậy, anh Hùng phải thường xuyên thức đêm. Độ thức đêm của anh đảm bảo là hơn người thường, và nhất định phải hoàn thành xong công việc dù sức khỏe anh rất yếu,.
Quân cho biết, do Nguyễn Công Hùng chỉ sử dụng được 3 ngón tay và ấn chuột vào bàn phím ảo trên máy tính nên không thể làm nhanh bằng người bình thường, bù lại anh rất chăm chỉ, nên trong những lúc bận rộn "nghị lực sống" Nguyễn Công Hùng chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng, thậm chí thức trắng đêm.
"Đặc biệt, anh Hùng không phải là một người nói nhiều, anh ít khi chia sẻ về mình, nhưng chỉ cần nghe những người khác kể lại và nhìn vào chính bản thân của anh cũng đã khơi dậy niềm tin cho nhiều người.
Đối với nhân viên trong công ty anh Hùng rất nghiêm khắc, và rành mạch về công việc và tình cảm. Cho nên mỗi khi anh Hùng giao việc, mọi người đều rất tận tâm làm hết sức mình. Bởi mỗi tình nguyện viên của Nghị lực sống đều coi mình là cánh tay phải của anh" - Quân kể thêm.
Nguyễn Công Hùng tại chương trình Điều kỳ diệu của cuộc sống. Ảnh Nghị lực sống. |
Về hoạt động của Nghị lực sống sau sự ra đi của "hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng, các thành viên còn lại đã có kế hoạch duy trì trung tâm. "Anh Hùng mất đi nhưng sẽ có những người em, những người bạn của anh đứng dậy để tiếp tục hoạt động. Trung tâm vẫn đón nhận những học sinh khuyết tật, và sẽ tiếp tục công việc trau dồi kiến thức cho các bạn, các hoạt động của công ty anh Hùng vẫn được tiếp tục duy trì.
,Bởi đây chính là hoài bão chung của tất cả chúng mình. Lúc đầu khi nghe tin người đứng đầu qua đời, ai cũng sốc nhưng tất cả đều tự nhủ chắc chắn sẽ làm được, - Quân xúc động chia sẻ.
TS Lê Thống Nhất: "Em là người của muôn thời"
Trước thông tin sự ra đi của Nguyễn Công Hùng, TS. Lê Thống Nhất tin rằng tất cả mọi người khi biết được tin này đều chung một cảm xúc đó là sự tiếc nuối, bởi những con người nghị lực phi thường như vậy, tưởng rằng số phận đã mỉm cười với anh thì bây giờ lại cắt đứt cuộc đời của anh.
Thầy Nhất nhấn mạnh: ,Với 30 năm sống trên đời mà bạn làm được những việc phi thường thì tất cả chúng ta đều khiến tất cả chúng ta phải ngưỡng mộ. Nhiều người có đủ hai tay cũng làm sao so được với những tháng ngày của Nguyễn Công Hùng,.
Ai trong số chúng ta cũng muốn số phận mỉm cười với anh nhiều hơn, những ý định của anh được thực hiện. Mặc dù vậy, chúng ta cũng thấy rằng mặc dù nghị lực sống rất cao nhưng sức khỏe của anh cũng có giới hạn.
Thầy Nhất vẫn nhớ kỷ niệm khi còn làm việc với Nguyễn Công Hùng trong dự án Vì cộng đồng. ,Được dịp tiếp xúc với Hùng và đội quân gồm những người bị tật nguyền của bạn ấy đều lạc quan vô cùng, rất nhiều bạn nhiệt tình tham gia hát hò, nhảy múa. Dù bị khuyết tật nhưng bạn nào còn cơ hội có thể tham gia hát hò được thì đều say sưa,, thầy Nhất xúc động kể lại.
Ảnh chụp kỉ niệm của TS. Lê Thống Nhất cùng anh Nguyễn Công Hùng. |
Điều để lại ấn tượng nhất về Nguyễn Công Hùng trong lòng thầy đó chính là những việc làm của anh đối với người khuyết tật. Anh chính là người tìm kiếm cơ hội lập nghiệp cho nhiều bạn trẻ bị khuyết tật. Ngoài chuyện giảng dạy tin học, Hùng còn có hai cửa hàng café mà tất cả nhân viên đều là những người tật nguyền.
Thầy Nhất chia sẻ: ,Khi nghe tin Công Hùng mất, những bạn trong trung tâm Nghị lực sống bị sốc, sáng nay từ 4h sáng các bạn đã đi về quê của Hùng,.
Sự việc đau lòng này đã khiến thầy Lê Thống Nhất trăn trở: ,Mình cũng đang suy nghĩ, bây giờ không phải những người tật nguyền tham gia xây dựng trung tâm Nghị lực sống nữa, mà mong rằng chính chúng ta hãy chung tay để xây dựng trung tâm phát triển chứ không chỉ đợi những người tật nguyền tìm đến với nhau,.
,Chắc là trong ý định của Hùng cũng muốn bàn tay của rất nhiều tầng lớp trong xã hội chung tay vào, coi như Công Hùng vạch ra một con đường và chúng ta sẽ đi tiếp con đường đó để giúp những người tật nguyền. Đây là cách để chúng ta sống xứng đáng với Nguyễn Công Hùng và để sự ra đi của em thực sự có ý nghĩa,, thầy Nhất hy vọng.
Thầy Nguyễn Bá Cường , Phó chủ nhiệm khoa Triết học, ĐH Sư phạm Hà Nội: "Niềm tiếc nuối với con người làm nên giá trị sống"
Trong ngày đông lạnh giá, thầy Nguyễn Bá Cường kể về khoảng thời gian được gặp gỡ với Nguyễn Công Hùng: ,Tôi biết về con người nghị lực sống - Nguyễn Công Hùng từ năm 2003. Lần đầu tiên anh em có cơ hội ở cùng nhau trong thời gian 3 ngày của đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất từ ngày 10 - 12/9/2009,.
Kỉ niệm mà thầy nhớ nhất đó là khi đại hội kết thúc, Nguyễn Công Hùng gửi thư điện tử cho thầy sau đó ba ngày. Trong thư, Công Hùng gửi cho thầy những tấm ảnh kỷ niệm đại hội và thể hiện niềm vui khi được biết và quen thầy.
Tấm ảnh kỷ niệm tại Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất do Nguyễn Công Hùng gửi tặng thầy Nguyễn Bá Cường. |
Xúc động vì nhận được thư của hiệp sĩ CNTT, thầy trả lời ngay sau đó: ,Anh cám ơn Hùng! Hùng đã cho mọi người nghị lực sống. Anh trân trọng tài năng trẻ Nguyễn Công Hùng. Rất vui được làm quen với người bạn nổi tiếng. Chúc em luôn vui khỏe,.
Rồi câu chuyện liên lạc của thầy với chàng trai tật nguyền mà nghị lực phi thường này cứ thế tiếp diễn. Anh Hùng gửi thư lại cho thầy: ,Em cũng hy vọng chúng ta sẽ thành một nhóm để cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Kính chúc mọi điều tốt lành,.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nâng xe lăn cho Nguyễn Công Hùng. |
Câu chuyện chỉ là một kỷ niệm nhỏ nhưng đối với thầy Nguyễn Bá Cường đó là những ký ức không thể nào quên. Để có thể gửi những bức thư điện tử cho thầy, anh đã phải trải qua bao đau đớn, khó khăn, vượt lên số phận và hoàn cảnh mới có thể làm được điều đó.
Thầy Cường tiếc nuối chia sẻ: ,Đã hơn 3 năm. Công việc xoáy chúng tôi đi. Chưa có lúc nào ngồi với nhau lâu hơn ngoại trừ mấy kỳ cuộc mà anh em gặp nhau. Tôi cứ nghĩ ân hận vì đã có ý tưởng mời Công Hùng về trường giao lưu cùng các bạn trẻ nhưng cả nhiều năm trên cương vị bí thư mà không làm được. Bây giờ thật không có cơ hội nữa,.
Thầy tâm sự: ,Thế nên, chúng ta cần làm ngay những điều hữu ích khi mình có khả năng làm được và làm tốt điều đó. Thời gian chẳng chờ ai. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta làm những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Niềm tiếc nuối để lại mãi nghìn thu! Kính cẩn nghiêng mình trước con người làm nên giá trị sống.
Về nguyên nhân sự ra đi đột ngột của Nguyễn Công Hùng, Vương Văn Quân cho biết trên đường đi thăm cơ sở đào tạo ở Tiền Giang, do đường dài, sức khỏe gần đây rất yếu nên anh bị tràn dịch phổi. Quân kể lại: Khi đi ô tô có máy lạnh và anh lúc nào cũng phải trong tư thế nằm nên lúc đầu anh ấy cảm thấy khó thở và sau 5 phút sau thì anh ra đi. Anh Hùng ra đi rất nhẹ nhàng không có gì đau đớn. Đi cùng Công Hùng trên xe lúc đó cũng chỉ có hai người bạn của anh. Khi sự việc đau buồn xảy ra, anh được khâm liệm ở Sài Gòn và đưa về quê. Ô tô đưa thi thể anh Hùng về đến quê hương, người dân trong làng ra đón rất đông, bởi ai cũng khâm phục nghị lực sống của anh. Vào chiều nay (3/1), tại Xã Đoài (Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) sẽ diễn ra thánh lễ an táng "hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng tại nhà thờ chính tòa của xã. Sau đó, anh sẽ được an táng ở nghĩa trang giáo hội Xã Đoài. Rất đông đảo bạn bè, đồng nghiệp của anh đã về Nghệ An để dự lễ tang. |