Cắm nhang lên lư hương đã chứa đầy những điều ước của cả một năm, tôi thầm nghĩ giờ chỉ ước ở lại với tuổi cũ. Hôm sau, xỏ cái áo mới vô thấy sao lạc điệu như cắm hoa tươi lên bình cổ. Tôi tự an ủi chỉ cần mặc đến lần thứ hai thì cái áo này cũng thành cũ, như mình. Gặp bạn bè chung lớp ngày xưa, vài người bộc lộ ý kiến chẳng rõ khen chê, nhưng hình như đều ngỡ ngàng chuyện tôi mặc áo mới. Ăn bữa cơm xong, có người đã thốt lên: Tóc mày bạc hết rồi. Tôi nói: Nhiều. Và thấy mình không thật an tâm, thanh thản với mái tóc này như những lần trả lời trước nữa. Tự nhiên tôi muốn đi nhuộm lại cho tóc màu đen.
...Tôi nằm trên giường, nghe mùi mồ hôi quen thuộc của mình, lăn qua trở lại vẫn thấy dễ chịu, bấm đĩa nhạc hòa tấu ghita có sẵn trong máy. Cái đĩa nhạc này hồi mới nghe còn chẳng biết nổi bài nào là bài nào, bây giờ chỉ cần qua vài nốt đầu đã có thể nhận ra là bài số mấy. Hồi trước còn có bài yêu bài ghét, rồi đã thấy hết ghét những bài đã ghét. Và bây giờ, những bài hát như người quen tốt từng đồng hành quãng đường đã qua, giúp mình nhớ những chuyện cũ dễ dàng hơn, những nơi đã đi qua, những người chỉ gặp một vài lần, những điều hối tiếc... Bao nhiêu là thứ cũ cứ thế nối đuôi nhau về, làm bồi hồi có, làm ủ dột cũng có, trong một buổi sáng mà tôi chưa rõ mình sẽ làm gì cho hết thời gian.
Tôi ra bếp, rủ: “Hôm nay làm một món gì mới đi mẹ!”. “Cụ thể là cái gì?” - mẹ tôi đứng bên chảo cơm chiên chau mày, giọng trễ nải. Tôi cố nhớ và chịu, không biết mình thật sự thích gì. Tôi đề nghị: “Mẹ chọn đi, trong những món ngon mà ngoại đã chỉ lại ngày xưa. Tôi đi chợ!”. Mẹ cười cười: Cái gì làm cho mày lại lên cơn? Tôi nói nghĩ đến những món ăn hằng ngày tự nhiên thấy ngán. Mà hình như mẹ chẳng bao giờ nghĩ ra được một món gì mới để nấu cho vui... Mẹ dòm tôi khó hiểu, dọn cơm chiên lên bàn, giọng vẫn đều đều: Đây tới lúc mẹ ra chợ, nghĩ ra được gì thì nói.
Lúc soạn giỏ, mẹ vẫn hỏi lại câu đó. Một cách tuyệt vọng, tôi phải quyết định: Mẹ không cần phải đi chợ, hôm nay không ăn cơm nhà.
Tôi chở mẹ ra quận 1, chọn một chỗ thật đông người cho bữa cơm trưa. Chúng tôi ngồi bên cửa kính, nhìn ra đường bày những hộp quà to bằng em bé, lại có hoa mai giả, trái châu trắng hồng, dây ruybăng đỏ và đèn màu chói lói giăng ngổn ngang, mẹ phì cười: như một đám xiếc. Tôi nghĩ đây là một đám xiếc buồn. Đã thấy thông điệp “Happy new year” được gửi từ các cửa hiệu vào đến tận toilet, nhạc rộn rã bất chấp mùi thức ăn và tiếng xì xào hỗn tạp mà đâu có thấy gương mặt, dáng người nào thư thái, nhẹ nhõm cho cam...
*
Trời nắng nhẹ và se lạnh, Sài Gòn buổi trưa vắng như ở một thành phố khác, tôi chở mẹ dạo qua những con đường Phạm Ngọc Thạch, Trương Định, Nguyễn Du nhiều cây, ít hàng quán, tự hỏi sao chẳng thấy thích thú như những lần rồi? Tại tôi đang muốn khung cảnh vừa phải đẹp vừa phải khác thế này, hay tại đây không phải là một chủ nhật hiếm hoi trong tuần mà tôi được thong thả đi chơi?... Tôi hỏi mẹ có muốn ghé lại đâu nữa không? Mẹ nghĩ mãi chẳng ra nơi nào, cứ im lặng. Tôi cứ vừa lái xe vừa gợi ý nhà sách Hà Nội, quán kem Misa, siêu thị đồ Nhật hay nhà cô Hoa đã lâu rồi mẹ không ghé? Mẹ bảo chẳng thấy muốn đi đâu, chỉ muốn về nhà. Tôi cố qua thêm những Nguyễn Văn Thủ, Phùng Khắc Khoan yêu thích mà không tìm được một lý do nào để vòng vèo thêm nữa...
*
Mưa rỉ rả từ lúc chúng tôi về, kéo dài đến chiều. Tôi lại vùi đầu trên giường và nghe nhạc. Nghe hết hai lần cái đĩa nhạc cũ thì nghe tiếng mẹ vọng lên từ dưới bếp: cơm! Mùi cơm chiên quen thuộc, chẳng biết do trời lạnh hay bụng đói, tự nhiên thấy thèm. Tôi ăn một lúc ba chén cơm với tiêu thật cay và nước mắm ngon dầm ba bốn trái ớt. Mẹ nhìn tôi, cũng là cái nhìn khó hiểu: Sao sáng nay còn nói là muốn một món mới? Tôi im lặng, nghĩ biện bạch sao cũng thấy dở, chẳng lẽ nói thật là mẹ nên tập quen với kiểu sáng ghét chiều thích của tôi bây giờ.
Tối, tôi ngồi trong phòng, mẹ ôm cái tivi, cứ ba phút lại chuyển kênh một lần từ tiếng bập bùng sang rút rít, ca hát ê a sang chuyện trò rổn rảng. Không còn muốn bật cái đĩa nhạc cũ lần nữa, mà cũng chẳng còn gì để làm nữa, tôi mở máy tính viết mail cho Tường.
Mail mở đầu bằng câu: Xin lỗi Tường, mình trả lời trễ, nhiều việc quá... Dòng chữ này tôi thấy mình viết nhanh nhẹn, có phần thành thục. Chẳng nhớ nổi đã viết lúc nào, chỉ biết là rất quen.
Tác giả: Đỗ Duy
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc