Phan Huy Nam. Ảnh: CSTC |
Nổi đình, nổi đám sau vụ bắn chết 6 người cuối năm 2008 ở cảng than Làng Khánh (tỉnh Quảng Ninh), Phan Huy Nam (Nam “bang”) đã điền tên mình vào danh sách những giang hồ cộm cán ở đất mỏ.
Giờ đây, khi đã có vài năm ngồi trong buồng biệt giam, có thời gian ngẫm nghĩ về những gì đã xảy ra, tội ác của bản thân, Nam “bang” hiểu được rằng, cái kết của những kẻ giang hồ máu lạnh chỉ là buồng biệt giam. Tuy nhiên, với Nam, mọi suy nghĩ ân hận giờ đã quá muộn dù gã muốn thay đổi, chuộc lỗi.
Nam “bang” sinh ra và lớn lên tại xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Nhà ở khá gần cảng than Làng Khánh nên từ nhỏ gã đã am hiểu rất tận tường về khu vực mua bán này. Dấn thân vào giới giang hồ từ khi còn là cậu thanh niên mới lớn nhưng Nam lại lọc lõi và tự ấn định cho mình một chừng mực vì nếu như ra oai quá rất dễ “dính đòn” của những đại ca khác.
Khi Nam “bang” lấy vợ, sinh con, nhiều người đã nghĩ rằng, rất có thể anh ta sẽ từ bỏ con đường sống trong thế giới ngầm. Nam chia sẻ, cũng có lúc nghĩ đến việc thay đổi, cố tìm một công việc lương thiện để kiếm tiền nuôi vợ con nhưng cũng chẳng ra đâu vào đâu…
Không nghề nghiệp, chẳng học thức, cũng chẳng có công việc nào cụ thể, Nam quyết định sử dụng chính bản lĩnh giang hồ bấy lâu nay bị tiết chế để mưu sinh. Thừa hiểu được những nguồn thu quá lớn từ những cảng than trên địa bàn sinh sống, Nam cùng một số tay chân thân cận tập hợp thành băng nhóm để đi tranh chiếm địa bàn làm ăn. Mục tiêu nhóm của Nam hướng đến là được cai quản cảng Làng Khánh để mót được số than rơi vãi.
Nhờ mối quan hệ rộng cộng với sự hỗ trợ của nhiều giang hồ máu mặt, Nam “bang” nhanh chóng lấy được vị thế ở cảng Làng Khánh. Năm 2007, Nam gần như độc chiếm hoàn toàn khu cảng. Dưới trướng của Nam còn có Sơn, kẻ được coi là đại hộ pháp trong băng nhóm vì quyền lực chỉ đứng sau đại ca.
Được sự trợ thủ đắc lực của Sơn, công việc của Nam tiến triển khá thuận lợi. Hàng ngày, số than mót được ở cảng đã mang về cho Nam tiền triệu. Kiếm được tiền và giàu lên trông thấy, cuộc sống của Nam “bang” và gia đình đã thay đổi rõ rệt.
Cai quản cảng làng Khánh chừng 3 năm, Nam phải chống lại không biết bao nhiêu lần các đại ca giang hồ tìm đến để tranh chiếm. Không những giới giang hồ ở Quảng Ninh mà cả bên Hải Phòng cũng tìm cách chiếm nơi làm ăn của Nam.
Dự liệu được sự việc nên Nam cùng băng nhóm trước khi án ngữ ở cảng Làng Khánh đã sắm vài chú “chó lửa” (súng bắn đạn hoa cải) để phòng thân. Chỉ cần các băng nhóm tìm đến cảng có ý định gây gổ, Nam cùng tay chân ngay lập tức mang “chó lửa” ra nghênh chiến. Dù các băng nhóm có vài chục tên nhưng Nam và vài đệ tử cứ lăm lăm “chó lửa” nên chẳng kẻ nào dám nhảy vào.
Có lần, Nam “bang” bị hai nhóm giang hồ ở Hạ Long và Cầm Phả bao vây ép phải nhường cảng Làng Khánh. Một mình đứng giữa hơn 30 kẻ giang hồ nhưng Nam chẳng cảm thấy e sợ vì trên tay có hai khẩu súng được lên đạn sẵn. Gần như sau mỗi lần chống đỡ được sự tranh chiếm của các băng nhóm giang hồ là một lần số má của Nam được tăng thêm một phần.
Nhiều băng nhóm thất bại trong việc công khai tranh chiếm cảng than đã chuyển sang “ăn cắp vặt”. Đêm 15/12/2008, một nhóm gần chục người đột nhập vào khu vực cảng Làng Khánh để ăn trộm số than Nam mót được. Nhóm người này công khai xúc than của Nam đổ xuống tàu để chở đi.
Nam cùng với một số đàn em vác súng bắn đạn ghém ra chĩa thẳng vào số người trộm than rồi bóp cò. Sau những tiếng đạn, gần chục người nằm đổ gục xuống những đống than. Nam và đám tay chân sau khi xem xét hiện trường biết rằng có án mạng xảy ra nên đã lập tức bỏ khỏi hiện trường tìm cách trốn chạy. Trong số 6 người bị chết có 2 nạn nhân là quê Hải Phòng.
Sau vài ngày lẩn trốn, biết rằng sẽ rất khó chạy thoát nên Nam tìm đến cơ quan chức năng đầu thú khai báo toàn bộ sự việc. Cùng với Nam, Sơn cũng là một trong những người đóng vai trò then chốt trong vụ thảm sát tại cảng Làng Khánh. Nam và Sơn bị tòa tuyên án tử hình với hành vi giết người.
Khoác lên mình bản án tử hình, cơ hội sống của Nam “bang” rất mong manh khi chỉ còn hy vọng duy nhất vào lá thư xin miễn tội chết từ Chủ tịch nước. Biết rằng, cuộc sống của mình có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, đôi lúc Nam có phần hoảng sợ. Tuy nhiên, khi nghĩ về những việc gì mình đã làm, nghĩ về 6 mạng người đã chết dưới tay mình, Nam thừa nhận bản án tử hình mà bản thân đang phải gánh là hợp lý.
Không trách cứ hay phàn nàn điều gì, Nam tự dằn vặt bản thân mình, tự cắn xé lương tâm vì bàn tay đã dính quá nhiều máu. Trong thâm tâm Nam luôn mang một suy nghĩ nuối tiếc giá như trong đêm định mệnh đó, gã chỉ cần bắn một phát đạn chỉ thiên để đe dọa đám người trộm than thì đã không đến mức phải gây ra vụ thảm sát đau đớn đến như vậy. Tuy nhiên, sự nuối tiếc của Nam chẳng thể nào đổi lại được mạng sống cho 6 con người kia, lời nói của gã lúc này đã quá muộn màng vì mọi việc đều đã an bài.
Ngồi trong không gian bó hẹp của căn phòng biệt giam dành cho tử tù, Nam có thời gian để suy nghĩ, để cảm nhận. Sau một thời gian khá dài cắn xé bản thân, giờ đây trong suy nghĩ của Nam chỉ còn sự tiếc nuối.
Theo Cảnh sát toàn cầu
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc